Khi bố mẹ làm ăn xa

09:27, 08/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, vì cuộc sống gia đình, nhiều người phải rời quê hương, xa gia đình đi làm ăn xa, để con lại cho ông bà trông nom, chăm sóc. Vì thế, nhiều em nhỏ có tuổi thơ vắng đi tình yêu thương, sự chăm sóc của cha mẹ.

Tiếng lòng con trẻ

Trong căn nhà nhỏ, hai chị em em N.T.H ở thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) vừa đi học về, lại tranh thủ xuống bếp để phụ giúp ông bà ngoại nấu ăn trưa. Hai chị em N.T.H ở cùng ông bà ngoại đã ngoài 80 tuổi, nên sau giờ học, các em luôn cố gắng phụ giúp ông bà làm việc nhà. Bà ngoại em N.T.H chia sẻ, bố mẹ các cháu đi làm ăn ở TP.Hồ Chí Minh, kinh tế còn nhiều khó khăn, thi thoảng mới về thăm nhà, hai đứa con để ở nhà ông bà chăm sóc, dạy dỗ.

“Dù ông bà rất thương cháu nhưng chúng tôi đã lớn tuổi, không nhanh nhẹn và hiểu tâm lý con trẻ, nên khó chia sẻ với các cháu. Cháu lớn năm nay học lớp 10, còn cháu bé thì học lớp 5. Chuyện học hành, sinh hoạt cá nhân các cháu đều tự bảo ban, nhắc nhở nhau. Dù các cháu không hư hỏng, rất ngoan ngoãn nhưng có phần nhút nhát hơn các bạn cùng trang lứa. Các cháu thiệt thòi hơn so với các bạn có ba mẹ bên cạnh”, bà ngoại em N.T.H bộc bạch.

Không có bố mẹ nào sinh con ra lại muốn xa con như thế, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên họ buộc phải đi làm ăn xa, để con cái ở nhà với ông bà, người thân. Mưu sinh nơi xa xứ, nhiều cặp vợ chồng phải ở trọ trong không gian chật chội, lại lo toan bươn chải kiếm sống, khiến cho việc chăm sóc con cái khó khăn hơn. Bởi vậy, chỉ có cách duy nhất là phải xa con, để lại cho ông bà ở quê. Chị Trần Thị Hồng Vương, ở thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận là một trong nhiều hoàn cảnh như thế. Có một thời gian, khi con gái còn nhỏ, chị Vương mang con vào TP.Hồ Chí Minh để mưu sinh bằng nghề buôn bán trái cây. Thế nhưng, đến khi cháu vào lớp 1, chuyện học hành, đưa đón quá khó khăn nên đành phải gửi về quê.

Ông Tôn Long Xuân, ở thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) động viên cháu nội Tôn Nữ Kiều Oanh học tập, do con dâu đi làm ăn xa.   
Ông Tôn Long Xuân, ở thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) động viên cháu nội Tôn Nữ Kiều Oanh học tập, do con dâu đi làm ăn xa.   

“Cháu mồ côi cha từ nhỏ và từng theo mẹ vào Nam sinh sống, đến khi học lớp 1, mẹ gửi cháu về quê ở với ông nội và gia đình bác trai để tiện việc đưa đón đi học và chăm sóc. Dù hằng ngày cháu và mẹ vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau, nhưng cháu vẫn rất nhớ mẹ. Để không phụ sự yêu thương của ông, gia đình bác trai và không muốn mẹ ở nơi xa lo lắng nên cháu luôn cố gắng học tập thật tốt. Cháu hy vọng mẹ sớm về quê sinh sống để cháu và mẹ luôn ở cạnh nhau. Dù ở với ông, với bác cũng rất vui nhưng ở gần mẹ vẫn là hạnh phúc nhất”, cháu Tôn Nữ Kiều Oanh, học sinh lớp 5, con gái chị Vương chia sẻ.

Nhiều nỗi lo

Đa phần những gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con lại cho ông bà đều có hoàn cảnh khó khăn hoặc neo đơn. Những đứa trẻ ở lại đa phần đều đang tuổi đến trường, nên việc bố mẹ không ở gần bên, quan tâm, giáo dục sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ như học tập sa sút, ảnh hưởng đến việc phát triển tâm sinh lý, sa ngã vào các tệ nạn xã hội...

Vì cuộc sống mưu sinh, nên cha mẹ em N.T.C, ở thôn Mỹ Long Tây, xã Bình Minh (Bình Sơn) phải xa quê, vào TP.Hồ Chí Minh làm nghề may gia công, để con gái lại cho ông bà ngoại chăm sóc. Ông bà ngoại dù thương cháu nhưng lớn tuổi, không thể chỉ bảo, theo dõi chuyện học hành được nên khi bước vào lớp 1, cháu N.T.C đã không thể lên lớp, học chậm hơn so với các bạn. Ông ngoại cháu N.T.C cho biết, cuộc sống khó khăn nên ngoài chăm sóc cháu, chúng tôi phải làm đủ việc để kiếm sống, nên không có thời gian gần gũi, dạy dỗ cháu. Dù năm nay cháu đã 9 tuổi nhưng ngây ngô, nhút nhát, giao tiếp kém hơn các bạn.

Đối với trẻ em đang độ tuổi phát triển, việc không có bố mẹ bên cạnh là một khoảng trống khá lớn mà không ai có thể thay thế được. Ngoài sự thiệt thòi khi thiếu tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ thì các em còn không thể chia sẻ hết những chuyện buồn vui, tâm tư trong cuộc sống hằng ngày.

Đặc biệt, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, phức tạp, các em có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề rủi ro, bị ảnh hưởng bởi các lối sống tiêu cực nếu không có sự định hướng, quan tâm từ phía gia đình, bố mẹ. Ông Tôn Long Xuân, ông nội của cháu Tôn Nữ Kiều Oanh chia sẻ, xã hội ngày càng phát triển, trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ, cám dỗ nên khi mẹ cháu ở xa, gửi cháu cho tôi chăm sóc, tôi cũng rất áp lực, lo lắng. Ngoài sự yêu thương, hết lòng chăm sóc cháu, tôi cũng luôn học cách lắng nghe, tập làm bạn với cháu để cháu không cảm thấy lạc lõng. Thế nhưng thời gian đến, khi cháu lớn, bước vào tuổi dậy thì, tôi mong hai mẹ con cháu có thể ở gần nhau để cháu nhận được sự yêu thương, chăm sóc trọn vẹn từ mẹ, được sự giáo dục, định hướng từ mẹ. 

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế của việc đi làm ăn xa mang lại, nhưng đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn vẫn luôn cần có sự quan tâm, giáo dục từ cha mẹ. Ông bà và người thân có thể chăm sóc tốt cho các cháu, nhưng không thể thay thế được tình mẫu tử, phụ tử.

Đặc biệt, với các em đang ở độ tuổi mới lớn với tâm lý tò mò, thích được thể hiện mình. Ở lứa tuổi này, nếu thiếu sự gần gũi, chỉ dẫn của người lớn thì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật. Những năm trở lại đây, đã có không ít vụ việc trẻ em tuổi vị thành niên phạm tội mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu sự quan tâm, định hướng của người lớn.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

                                                                                                                                  

Xuất bản lúc: 09:27, 08/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.