Rời phố về quê...

06:19, 31/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ bỏ công việc ở các thành phố lớn để trở về quê lập nghiệp đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đằng sau hành trình trở về quê, mỗi người đều có một lý do, nhưng trên hết là cảm giác thoải mái, bình yên khi ở chốn quê nhà.

Hạnh phúc khi trở về

Đang công tác ở bảo hiểm xã hội quận 5 (TP.Hồ Chí Minh) và đã mua được nhà ở phố, nhưng anh Cao Việt Cường, ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) vẫn quyết định cùng vợ con về quê sinh sống. “Ngày tôi quyết định nghỉ việc, mọi người ở cơ quan đều khuyên tôi ở lại để phát triển tiếp những gì mình đã gầy dựng ở thành phố này gần 20 năm qua. Nhưng sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, tôi chiêm nghiệm được nhiều điều. Tôi nhận ra rằng, những ngày được sống bên cạnh cha mẹ là điều hạnh phúc nhất, giá trị nhất. Còn công việc, thì dù ở đâu, mình vẫn có cơ hội kiếm ra tiền và phát triển, nếu biết cầu tiến”, anh Cường trải lòng.

Niềm vui của trẻ em thành phố khi được về thôn quê, vui đùa cùng thiên nhiên.
Niềm vui của trẻ em thành phố khi được về thôn quê, vui đùa cùng thiên nhiên.

Năm 2020, anh Cường chính thức về quê sống cùng cha mẹ tại thị trấn Sông Vệ. Trong khoảng thời gian này, anh vừa dành thời gian đưa cha mẹ, vợ con lên rừng, xuống biển trải nghiệm cuộc sống hòa mình cùng thiên nhiên, vừa mày mò tìm hướng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2020, anh cùng vợ ra mắt quầy trà sữa nhỏ, với kinh phí đầu tư chưa đến 7 triệu đồng. Từ đó đến nay, việc kinh doanh tương đối thuận lợi, vợ chồng anh đã mở thêm 4 chi nhánh trà sữa tại xã Nghĩa Phú, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) và xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh)...

Sau 3 năm trở về quê, anh Cường đã tìm được cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp, từng bước mang lại thu nhập ổn định cho anh cùng gia đình. Song với anh, niềm vui lớn nhất lúc này là vợ chồng anh cùng các con được sống bên cạnh người thân. “Ngày chúng tôi về Quảng Ngãi ở hẳn, tôi thấy cha mẹ mình cười nhiều hơn, hạnh phúc hơn. Các con tôi được tận hưởng không khí trong lành và được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của ông bà ngoại, ông bà nội”, anh Cường vui mừng chia sẻ.

Vừa trở về quê sinh sống sau 20 năm tha phương, lập nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, anh Trần Hữu Huy, ở xã Bình Dương (Bình Sơn) chia sẻ lý do về quê: “Vợ chồng tôi lập nghiệp ở xa nên phải gửi con cho ba mẹ vợ chăm sóc. Còn mẹ tôi thì nay ốm mai đau, nên chúng tôi đón mẹ vào thành phố. Nhưng rồi, vợ chồng tôi đi làm cả ngày, có khi còn tăng ca ban đêm. Sau một thời gian ở một mình trong phòng trọ, chờ vợ chồng tôi như vậy, mẹ tôi nhất quyết về quê. Ở quê, mẹ chỉ có một mình. Những lúc ốm đau, mẹ phải nhờ họ hàng, hoặc hàng xóm chở đi bệnh viện. Vì vậy, vợ chồng tôi cố gắng làm việc, tích lũy vốn và về quê, để có thể chăm sóc khi mẹ ốm đau và được ở cạnh bên nuôi dạy các con”.

Lúc ở TP.Hồ Chí Minh, tổng thu nhập của vợ chồng anh Huy ở mức gần 40 triệu đồng/tháng. Sau khi về quê, để có tiền trang trải hằng tháng, anh Huy xin vào làm công nhân tại KCN. Số tiền vợ chồng tích lũy được, anh chị thuê đất để trồng cỏ, nuôi bò. “Thu nhập khi về quê thấp hơn nhiều so với khi ở thành phố. Nhưng chúng tôi gầy dựng được trang trại cho riêng mình và gia đình tôi được đoàn tụ, sum vầy”, chị Trần Thị Hương, vợ anh Huy trải lòng.

Dù ở đâu cũng phải nỗ lực

Nhiều người trẻ cho rằng, cuộc sống nơi quê nhà vốn bình yên lại ít tốn kém và không nhiều áp lực như ở thành phố. Song, chỉ đến khi trở về, nhiều người mới nhận ra rằng, phố thị hay nông thôn, đều chứa đựng những khó khăn, trở ngại riêng. Vì vậy, xu hướng rời phố về quê, không dành cho những người chọn bỏ phố để giảm bớt áp lực.

Rời phố về quê, anh Cao Việt Cường, ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) được sống sum vầy bên người thân.                                                              Ảnh: Đông  yên
Rời phố về quê, anh Cao Việt Cường, ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) được sống sum vầy bên người thân.                                                              Ảnh: Đông  yên

Năm 2019, anh Trần Văn Nhưỡng , ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) quyết định dừng kinh doanh ẩm thực xứ Quảng tại TP.Hồ Chí Minh để về quê sinh sống. “Thoạt đầu, tôi nghĩ rằng, nuôi heo gia công cho các công ty thì mình chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu để đầu tư chuồng trại, còn lại con giống, thức ăn chăn nuôi và đầu ra... đều được công ty lo. Vậy nên, vợ chồng tôi bán nhà ở phố để về quê đầu tư chuồng trại, với mong muốn vừa có thể kiếm tiền, vừa sống cạnh người thân và con cái cũng được tận hưởng không khí trong lành ở quê. Nhưng khi về quê và bắt tay vào làm, chúng tôi mới thấy rằng, không có thứ gì dễ dàng. Dù là ở đâu và dù làm công việc gì, mỗi người đều phải nỗ lực để vượt qua khó khăn và kiên trì với lựa chọn của mình”, anh Nhưỡng nói.

Làm nghề bán vé số dạo, ông Võ Thành (50 tuổi), ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cũng mang trong lòng nhiều trăn trở sau 2 năm rời thành phố về quê. “Khi còn ở TP.Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày, tôi bán được từ 600 - 700 tờ vé số. Còn khi về quê, số lượng vé số bán ra chỉ còn 1/5 so với ở thành phố. Bù lại, ở quê tôi không phải tốn tiền thuê nhà trọ và được ở gần con. Các con tôi giờ đã trưởng thành, tôi không còn gánh nặng mưu sinh so với trước nên tôi hài lòng với mức thu nhập này. Còn với những người đang nặng gánh mưu sinh, thì cần lường trước những khó khăn khi về quê”, ông Thành trải lòng.

Về quê chỉ 3 năm, nhưng đã phát triển, mở rộng thương hiệu trà sữa của mình thành 5 chi nhánh, nhưng anh Cao Việt Cường, ở thị trấn Sông Vệ cũng thừa nhận rằng, rời phố về quê chắc chắn không phải “cuộc chơi” của những người mộng mơ khi nghĩ rằng về quê có thể giúp họ an nhàn, giảm bớt áp lực cuộc sống. “Từ một người làm việc văn phòng, tôi trở thành một thợ đụng đúng nghĩa. Tôi tự học cách khoan, cắt, hàn, sơn đồ sắt, tự làm ghế, làm xích đu... Nói chung, khi đã về quê thì phải biết tự mình làm nhiều thứ, để giảm bớt chi phí thuê bên ngoài, bởi giá dịch vụ ở quê cũng đắt đỏ. Trong khi đó, dân cư ở quê ít hơn nhiều so với ở phố, nên thị trường tại đây hẹp hơn nhiều”, anh Cường bộc bạch.

Phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt
Hơn 11 năm làm việc ở các thành phố lớn, đến năm 2018, anh Nguyễn Tiến Dũng (45 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) trở về quê sinh sống. Khi dịch Covid-19 xảy ra, việc tụ tập đông người bị hạn chế, anh Dũng tự mình đi du lịch theo cách riêng, bằng cách đi cắm trại, khám phá nhiều vùng đất mới, trong đó có xã Sơn Dung (Sơn Tây).
Anh Nguyễn Tiến Dũng (bên trái) ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) rời phố lên miền núi Sơn Tây để sinh sống và làm du lịch.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (bên trái) ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) rời phố lên miền núi Sơn Tây để sinh sống và làm du lịch.

Từ cơ duyên ấy, năm 2021, anh Dũng quyết định rời TP.Quảng Ngãi lên xã Sơn Dung, mua một mảnh đất gần hồ thủy điện Đăkđrinh để sinh sống và hiện thực hóa ý tưởng. “Tôi từng đi qua rất nhiều nước và sống ở nhiều thành phố lớn, nhưng trong sâu thẳm, tôi luôn muốn sống theo lối sống thật đơn giản và gần gũi với thiên nhiên. Khi sống ở Sơn Dung, tôi muốn chia sẻ không gian sống bình yên với mọi người và tạo được thu nhập cho bản thân thông qua mô hình homestay. Thế là homestay Dak Drinh Lodge ra đời, chính thức đón khách từ năm 2021", anh Dũng bày tỏ.
Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm rằng, để chuẩn bị cho hành trình rời phố về quê, mỗi người nên chuẩn bị sẵn cho mình một nguồn tài chính, đủ để có thể vừa đầu tư lập nghiệp và trang trải cuộc sống. Bởi, khi thay đổi môi trường sống và làm việc, không phải ai cũng dễ dàng gặt hái ngay thành quả khi lập nghiệp. Hành trình rời phố về quê cần được mọi người chuẩn bị thật kỹ về tài chính, tâm lý... Đừng nên rời phố về quê chỉ vì suy nghĩ bốc đồng, hoặc mộng mơ về một cuộc sống an nhàn, êm ả...

 

ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.