(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn nóng hổi qua trang nhật ký của những người lính ra trận ngày ấy. Đó là những trang viết cháy bỏng khát vọng, niềm tự hào của người lính khi được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Vinh dự là Bộ đội Cụ Hồ
Năm 1961, khi vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Lê Tùng Thanh, quê xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) lên đường nhập ngũ. Ông Thanh kinh qua nhiều đơn vị như Đại đội 219 (Huyện đội Đức Phổ), Tiểu đoàn 83, Tiểu đoàn 48 (Tỉnh đội Quảng Ngãi)... làm nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông Lê Tùng Thanh, ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) gìn giữ nhật ký mà ông viết trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Ý Thu |
Suốt 14 năm trong quân ngũ, ông Thanh đã có mặt ở khắp các chiến trường. Ông đã viết nhật ký ngay sau các trận đánh, hoặc trên đường hành quân. “Tình thế hết sức khó khăn. 12 giờ 15 phút bắt đầu nổ súng, tiếng bộc phá, tiếp theo là tiếng lựu đạn nổ chát chúa. Ba phút chiến đấu đầu, 3 đồng chí hy sinh, 22 đồng chí bị thương... Đại đội trưởng và phó bị thương, tôi trực tiếp củng cố đội hình và xin ý kiến về Ban Chỉ huy mặt trận tiếp tục chiến đấu” (trích nhật ký của cựu chiến binh Lê Tùng Thanh).
Năm 1972, khi đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 83, dù đang bị thương, nhưng ông Thanh vẫn cố nén cơn đau và giấu đồng đội để được tham gia chiến đấu. “Ngày 18/11/1972. Vết thương mông đau nhức khó đi nên hết sức vội vã vẫn không kịp đội mình... Đau lắm rồi! Nhưng phải cố gượng cười và cố gắng hát bâng quơ để anh em khỏi đặt câu hỏi... Bởi, giờ phút quan trọng nhất của người chiến sĩ là chiến đấu và chiến thắng... Có đau, tôi cũng phải cố, vì sự ước mơ, vì độc lập” (trích nhật ký). Bên những dòng nhật ký đã nhòe đi theo thời gian, ông Thanh khảng khái bảo, tôi cùng đồng đội lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình để bảo vệ Tổ Quốc.
Những kỷ vật thiêng liêng
Bà Khấu Thị Nhung (71 tuổi), ở xã Bình Khương (Bình Sơn), người chiến sĩ giao bưu trạm B4 (Minh Long) năm nào vẫn nâng niu, gìn giữ sổ nhật ký nhỏ bằng lòng bàn tay. Bởi với bà, nhật ký không chỉ lưu lại ký ức của riêng bà về những năm tháng kháng chiến, mà còn là nơi lưu giữ nét bút của nhiều đồng chí, đồng đội. “Vinh dự lớn nhất là chúng mình rủ nhau đi đánh Mỹ giải phóng cho dân tộc... Thu cũng thế, ra sức cố gắng để trở thành người tiến bộ và xứng đáng là đứa con của đất Mẹ và của gia đình Thu khi đã vĩnh biệt” (trích nhật ký).
Người lính Trung đoàn 271 Bùi Quốc Thìn thường mở lại nhật ký để xem và kể cho người thân nghe về những dòng lưu bút của những đồng đội. Ảnh: Ý Thu |
Với tinh thần sẵn sàng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", năm 1968, khi đang học lớp 10, ông Bùi Quốc Thìn (quê ở Hà Tĩnh), hiện đang sống ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) gác bút nghiên, tham gia chiến trường. Là chiến sĩ của Trung đoàn 271 (Quân khu Trị - Thiên) với nhiệm vụ chủ yếu vừa bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa sẵn sàng cơ động vào chiến trường miền Nam, ông Thìn cùng đồng đội nhiều lần vào chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trong quyển nhật ký chiến trường viết năm 1974 của ông Thìn, ở trang đầu tiên là những dòng chữ viết tay của liệt sĩ Dương Huy Toàn, cùng quê Hà Tĩnh: “17/1/1974. Ngày mai chúng ta chia tay nhau vào trận. Ngày mai đây 2 đứa về 2 ngả của chiến trường, không biết đến bao giờ mà gặp lại nhau. Nếu ngày mai đây có về nhà, quá bộ vào nhà mình chơi với nếu lúc ấy mình được về đàng hoàng là một chàng trai hậu phương thì sẽ vui biết mấy. Thìn chuyện chiến trường, mình chuyện hậu phương, ta sẽ có câu chuyện hoàn chỉnh hơn hôm nay. Nhưng nếu không may lá vàng đã bắt đầu trên những ngọn cây cỏ ở nấm mộ ven đường, Thìn hãy thay mình về thăm gia đình mình vậy!”.
Giữa chiến tranh khói lửa, ông Thìn cùng đồng đội luôn lạc quan, tin tưởng ngày mai chiến thắng trở về: "Mạ rằng - vì nước vì dân. Khó khăn gian khổ đừng ngần ngại con. Bao giờ Mỹ ngụy chẳng còn. Gia đình đoàn tụ bù ngày con xa. 19/11/1973".
“Ngày ấy, trước khi ra trận, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Vì vậy, chúng tôi thường ghi vào nhật ký của nhau những tâm sự, những dòng thông tin về quê quán để dặn dò, nhắn gửi với nhau. Mà thật vậy! Khi hòa bình lập lại, có những đồng đội, tôi chỉ còn có thể tìm lại được hình ảnh trong ký ức và qua những dòng chữ trong nhật ký thôi. Vậy nên, nhật ký không còn là của riêng tôi, mà đó là nhật ký chung của tôi và đồng đội - những người cùng sống, cùng chiến đấu giữa mưa bom, bão đạn”. Ông BÙI QUỐC THÌN, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn)
|
Lá thư viết đã hơn nửa thế kỷ
Năm 2014, cơ quan chính sách Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận đơn thư tìm mộ liệt sĩ của một người con rể đi tìm mộ cha vợ. Đó là anh Lê Thế, Phó Giám đốc Công ty Vạn Tường (thuộc Quân khu 5). Theo đơn trình bày thì liệt sĩ Trần Mật hy sinh năm 1967, được chôn cất tại núi Lớn (Nghĩa Hành). Đội quy tập tìm kiếm mộ liệt sĩ cùng gia đình anh Thế đã lên vùng núi Lớn tìm kiếm. Đồng chí Trần Mật là Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 48 anh hùng. Thời kỳ đồng chí Trần Mật chỉ huy, Tiểu đoàn 48 đánh đâu thắng đó, khiến cho giặc Mỹ và quân chư hầu nghe tên ông đã thất kinh hồn vía.
Những dòng nhắn nhủ mà đồng đội ghi trong nhật ký của ông Bùi Quốc Thìn, chiến sĩ Trung đoàn 271. Ảnh: Ý Thu |
Sau hơn 1 năm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 48, đồng chí Trần Mật được tăng cường về làm Huyện đội trưởng huyện Nghĩa Hành. Đồng chí đã chỉ huy lực lượng vũ trang huyện nhiều lần đánh bại các cuộc hành quân “Tìm diệt” của Mỹ - ngụy, bảo vệ vùng giải phóng Hành Tín, Hành Thiện. Năm 1967, đồng chí Trần Mật được điều về làm Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh. Năm 1967, trong một trận chống quân Mỹ tập kích bằng không quân vào vị trí nhà trường đóng quân, đồng chí Trần Mật đã anh dũng hy sinh.
“Em và các con thương yêu! (trích thư của đồng chí Trần Mật).
|
Ngày ấy, để có thêm thông tin về người chỉ huy có tài thao lược này, chúng tôi tìm gặp vợ đồng chí Trần Mật là bà Trần Thị Giáo, sống ở TP.Đà Nẵng (nay đã qua đời). Bà Giáo lấy trong ngăn tủ thờ một ống nứa nhỏ, trong đó có bằng tốt nghiệp sĩ quan lục quân, huân chương, huy chương các loại... Đặc biệt là một lá thư được viết trên trang giấy đã ố vàng. Lá thư đó đề ngày 2/6/1966, do đồng chí Trần Mật viết gửi về cho gia đình, nhưng mãi đến năm 1973 gia đình mới nhận được và đâu hay rằng đồng chí Trần Mật đã hy sinh.
Đồng chí Trần Mật là bộ đội Việt Minh, đã có vợ ở quê, năm 1954 tập kết ra miền Bắc học tập. Thời kỳ 1955 - 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp đẫm máu cách mạng miền Nam, giết hại nhiều người có liên quan đến bộ đội và đảng viên cộng sản, trong đó có vợ cũ của đồng chí Trần Mật. Về phần Trần Thị Giáo cũng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và là người cùng quê xã Phổ Quang (Đức Phổ) với đồng chí Trần Mật. Năm 1957, hai người kết hôn, sinh được một người con trai. Năm 1961, đồng chí Trần Mật được lệnh vào Nam, lúc đó bà Giáo mang thai người con gái thứ hai.
Sau ngày hòa bình, bà Giáo cùng gia đình nhiều lần vào Quảng Ngãi tìm mộ đồng chí Trần Mật nhưng không tìm thấy. Ngày đồng chí Trần Mật hy sinh, cán bộ giao liên có về xã Phổ Quang trong đêm để đưa chị Trần Thị Cúc, người con gái lớn của đồng chí Trần Mật lên núi Lớn dự lễ truy điệu. Ngày đó, chị Cúc mới 13 tuổi, nên sau ngày giải phóng, chị không nhớ vị trí chôn cất cha mình.
Trở lại lá thư của đồng chí Trần Mật gửi về cho gia đình được viết năm 1966, là năm đầu tiên quân viễn chinh Mỹ đổ quân vào Đức Phổ, sau đó xây dựng căn cứ Gò Hội, tăng cường binh lực mở nhiều cuộc càn quét đánh phá vùng giải phóng. Lá thư đã gần 60 năm, nhưng nay đọc lại, vẫn như đang thấy không khí ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày nào. Thế mới biết, giá trị của hòa bình không thể lấy gì so sánh được.
VŨ QUANG - ĐÔNG YÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: