Giọt hồng của những lương y

12:37, 07/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ ngày đêm nỗ lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nhiều y, bác sĩ đã chia sẻ những giọt máu hồng, cứu người bệnh vượt qua nguy kịch.

Vợ chồng cùng hiến máu

Cùng với việc tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện định kỳ, nhiều y, bác sĩ  còn hiến máu trong các trường hợp cấp cứu đột xuất. Hơn ai hết, các y, bác sĩ thấu hiểu máu là "liều thuốc” quý giá, ý nghĩa đến dường nào để giữ được mạng sống cho bệnh nhân.  

Bác sĩ Bạch Quang Sự - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tham gia hiến máu cứu bệnh nhân.         Ảnh: BẢO HÒA
Bác sĩ Bạch Quang Sự - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tham gia hiến máu cứu bệnh nhân.         Ảnh: BẢO HÒA

Vợ chồng bác sĩ Đào Đặng Bảo Ngọc - Khoa Ngoại thần kinh và bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân - Khoa Huyết học- Truyền máu, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh đã hiến máu từ thời còn là sinh viên. “Ngày trước học ở Huế, chỉ cần nghe người bệnh quê Quảng Ngãi ra Huế chữa trị, cần được truyền máu, các sinh viên Quảng Ngãi đều nhiệt tình tham gia hiến máu”, bác sĩ Ngọc kể lại.

Năm 2021, một sản phụ bị băng huyết sau sinh, thiếu máu trầm trọng, cần truyền 10 đơn vị máu A. Ngay lập tức, trên các tài khoản mạng xã hội thông báo kêu gọi huy động nhóm máu A. Biết sản phụ cùng nhóm máu với mình, bác sĩ Ngọc vội vã hiến máu để cứu sản phụ. Nhờ những tấm lòng như bác sĩ Ngọc, sản phụ này đã vượt qua giai đoạn nguy kịch.

Các nhân viên y tế thường hay nói vui về bản thân là “ngân hàng máu sống”, “của để dành” trong các trường hợp cần máu khẩn cấp. Cách đây khoảng 5 năm, cũng vừa nghe tin về một trường hợp sản phụ bị băng huyết cần truyền nhóm máu O, chị Trần Thị Thu Trang - Kỹ thuật viên trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu lập tức tham gia hiến máu. Nhờ đó, bệnh nhân được truyền lượng “máu nóng” (máu không lưu trữ trong tủ lạnh) để duy trì sự sống.

Thông thường vào các dịp Tết, hè, lượng máu dự trữ vơi dần. Để kịp thời huy động máu dự trữ cho cấp cứu, các nhân viên Khoa Huyết học - Truyền máu hay nhắn người nhà làm việc tại BV để hiến máu. Vợ chuẩn bị các dụng cụ y tế, trực tiếp tìm ven lấy máu, còn chồng hiến máu là hình ảnh quen thuộc với các nhân viên của khoa. “Nhóm máu A dự trữ cho cấp cứu thường khan hiếm. Những lúc như vậy, tôi thường nhắn chồng mình là nhân viên Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV Đa khoa tỉnh đến hiến máu”, chị Trang cười nói.

Luôn sẵn sàng vì bệnh nhân

Tại BV Sản - Nhi tỉnh, 2 khoa thường cần máu đột xuất nhiều nhất là Khoa Sản và Khoa Hồi sức. Trong những tình huống khẩn cấp vào ban đêm, chưa kịp huy động tình nguyện viên, y, bác sĩ tại BV là những người hiến máu đầu tiên để cứu bệnh nhân. Đến nay, bác sĩ Bạch Quang Sự - Khoa Sản, đã tham gia hiến máu 26 lần, trong đó có 21 lần hiến tiểu cầu cấp cứu. Chỉ trong 2 năm từ khi về công tác tại BV Sản - Nhi tỉnh, bác sĩ Sự đã 9 lần hiến tiểu cầu. Kể cả khi không trực tại khoa, mỗi khi nhận điện thoại từ đồng nghiệp, bác sĩ Sự vẫn đến BV để hiến máu bất kể ngày đêm.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần máu của người bệnh và tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm của các y, bác sĩ, Đoàn Thanh niên BV Sản - Nhi tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống vào tháng 10/2022. Câu lạc bộ có 80 thành viên, chủ yếu là các y, bác sĩ, nhân viên trẻ tuổi. Nét mới của câu lạc bộ là quản lý thành viên bằng số điện thoại và nhóm máu để khi có trường hợp cần máu gấp, ban điều phối sẽ liên lạc trực tiếp vào số điện thoại. Nhờ đó, việc huy động máu được kịp thời.

Không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hiến máu cứu người còn có ý nghĩa hết sức cao cả, nhân văn sâu sắc. Bởi "một giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại". Từ số máu được truyền, người mẹ tỉnh táo trở lại, em bé được hồi sinh, mang đến nhiều niềm vui, sự ấm áp cho người bệnh, gia đình. Với các y, bác sĩ, đó là món quà quý giá không gì sánh bằng.

BẢO HÒA



 


Ý kiến bạn đọc


.