Trồng rau sạch ở đô thị

08:51, 23/11/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần chủ động, sáng tạo, nhiều nông dân ở TP.Quảng Ngãi đã đầu tư, ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại để tạo ra nông sản sạch.
Anh Bùi Cát Tín chăm sóc và thu hoạch rau sạch từ mô hình trồng rau trên đất phủ bạt địa chất. Ảnh: Ý THU
Anh Bùi Cát Tín chăm sóc và thu hoạch rau sạch từ mô hình trồng rau trên đất phủ bạt địa chất.                   

Theo đuổi  mục tiêu trồng rau an toàn theo hướng 4 không "không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không thuốc kích thích tăng trưởng", hai bạn trẻ Bùi Phạm Anh Kiệt (30 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) và Bùi Cát Tín (27 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau sạch tại thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). "Chúng tôi đã đầu tư nhà lồng 500m2, cùng các trang thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng để trồng cà chua bi. Đối với 500m2 còn lại, chúng tôi tiến hành phủ bạt và trồng các loại rau ăn lá. Ưu điểm của trồng rau theo hướng phủ bạt là che nắng, mưa cho đất, giúp giữ nhiệt độ của đất luôn ổn định, ngăn ngừa cỏ, đảm bảo cho rau phát triển tốt. Hơn nữa, bạt mà chúng tôi sử dụng là bạt địa chất, với tuổi thọ từ 7 - 10 năm, bền hơn rất nhiều so với bạt ni - lông mà nhiều người hay dùng", Kiệt chia sẻ.

Nhà lồng trồng cà chua bi công nghệ cao của 2 thanh niên trẻ.
Nhà lồng trồng cà chua bi công nghệ cao của 2 thanh niên Bùi Phạm Anh Kiệt và Bùi Cát Tín tại thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).

Xuống giống vụ cà chua bi đầu tiên vào tháng 7/2023, hơn 1 tháng sau, 1.600 cây cà chua bi trong nhà lồng của 2 bạn trẻ bắt đầu cho thu hoạch. Từ tháng 8 - 10/2023, Kiệt và Tín thu về khoảng 1 tấn cà chua bi. Sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đó. Vụ cà chua bi đầu tiên đã mang lại cho hai bạn trẻ 120 triệu đồng. "Chúng tôi đăng tải quy trình sản xuất rau 4 không lên mạng xã hội. Mọi người dõi theo việc trồng rau với quy trình hiện đại nên tin tưởng và mua sản phẩm. Chúng tôi đã bán ra 1 tấn cà chua, với giá 120 nghìn đồng/kg cho khách lẻ theo cách như thế", Tín chia sẻ.

Tại thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), các nhà lưới trồng rau an toàn của gia đình anh Tiêu Xuân Cầm (48 tuổi) từ lâu đã trở thành địa chỉ cung ứng rau sạch cho nhiều trường học tại địa phương. Năm 2019, sau nhiều năm ly hương để làm thuê, anh Cầm trở về quê để bắt tay vào làm nông nghiệp theo hướng mới. "Năm 2019, tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ mô hình nhà lưới để trồng rau. Thời điểm ấy, trồng rau trong nhà lưới là mô hình mới ở địa phương. Sau khi áp dụng vào thực tế, thấy được hiệu quả mang lại, nên tôi mở rộng diện tích nhà lưới từ 300m2 lên 1.500m2", anh Cầm chia sẻ.

Chi phí anh Cầm đầu tư vào nhà lưới dao động khoảng 100 nghìn đồng/m2. Đổi lại, hiệu quả sản xuất rau của anh Cầm tăng lên gấp nhiều lần, vì nhà lưới giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết lên cây trồng. Đến nay, sau 4 năm gắn bó với làm nông nghiệp sạch, anh Cầm thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm. 

Vườn rau trồng trong nhà lưới của anh Tiêu Xuân Cầm, ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) trở thành địa điểm tham quan.
   Vườn rau trồng trong nhà lưới của anh Tiêu Xuân Cầm, ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) trở thành địa điểm tham quan. Ảnh:NVCC

Không chỉ chuyên cung ứng rau an toàn cho thị trường, mô hình trồng rau trong nhà lưới của anh Tiêu Xuân Cầm còn là địa chỉ quen thuộc được các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh lựa chọn để triển khai hoạt động du lịch trải nghiệm. Khi đến trải nghiệm thực tế, khách tham quan được anh Cầm nhiệt tình giới thiệu quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp giới thiệu và quảng bá sản phẩm rau sạch và hình ảnh của quê hương đến với du khách.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:51, 23/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.