Nhiều thành tựu sau nửa nhiệm kỳ

17:02, 14/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộ Đức lần thứ XXVIII, cả hệ thống chính trị của huyện đã nỗ lực xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nâng cao giá trị sản xuất

Giai đoạn 2020 - 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của huyện Mộ Đức đạt 9,59%. Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,49%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 13,74%, thương mại và dịch vụ tăng 10,12%. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 51 triệu đồng/người/năm.

Xác định phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là khâu đột phá, huyện Mộ Đức đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn huyện đạt 1.643 tỷ đồng/năm. Doanh thu bình quân một héc-ta đất nông nghiệp đạt 93 triệu đồng mỗi năm.

Các sản phẩm OCOP của huyện Mộ Đức ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: BẢO HÒA
Các sản phẩm OCOP của huyện Mộ Đức ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: BẢO HÒA

Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung gần 1.500ha, chia thành bốn tiểu vùng định hướng sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 16 vùng sản xuất sạch, với diện tích 476ha; huyện đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật 3 vùng sản xuất. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ có đầu ra ổn định như lúa giống, lúa chuẩn VietGAP, lúa theo quy trình hữu cơ, rau chuẩn VietGAP, nấm, đậu nành...

Thời gian qua, huyện Mộ Đức đã chú trọng quy hoạch cán bộ, tạo cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, từng bước khắc phục tình trạng bó hẹp và thiếu nguồn cán bộ. Huyện Mộ Đức đưa cán bộ trẻ về cơ sở đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các xã, thị trấn; thực hiện việc điều động 6 bí thư đảng ủy xã có thời gian công tác tại một địa phương trên 8 năm...

Ngành nông nghiệp huyện đã cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, ổn định đàn gia súc, gia cầm, nhất là đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Mộ Đức có 13 trang trại chăn nuôi đang hoạt động, doanh thu hằng năm khoảng 370 tỷ đồng. Người dân các vùng ven biển đã khai thác lợi thế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, ưu tiên nuôi tôm, hải sâm, ốc hương và các loài cá mang lại giá trị kinh tế cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 340ha, với tổng sản lượng 3.600 tấn/năm. Sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm đạt 4.500 tấn.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025, theo rà soát, huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM, đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM. Huyện Mộ Đức phấn đấu về đích huyện NTM vào năm 2025. Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn huyện có 27 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã góp phần tạo nên sức bật mới, nâng cao thu nhập, đời sống cho các chủ thể.

Phát huy lợi thế của từng vùng

Những năm qua, huyện Mộ Đức đã nỗ lực quảng bá tiềm năng, lợi thế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Đến nay, 2 cụm công nghiệp (CCN) Quán Lát và Thạch Trụ đã thu hút 28 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất tại 2 CCN này đạt hơn 500 tỷ đồng, nộp thuế 6,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư các CCN mới bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, huyện đã kêu gọi đầu tư CCN An Sơn - Đức Lân, có diện tích hơn 50ha, với tổng vốn đầu tư 265 tỷ đồng, chuẩn bị khởi công trong thời gian tới. Còn CCN thị trấn Mộ Đức đã có chủ trương thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Đây được xem là động lực phát triển công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp của nông dân trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Huyện Mộ Đức cũng đã hoàn thành quy hoạch 3 vùng kinh tế, gồm vùng kinh tế phía tây, vùng kinh tế động lực và vùng kinh tế phía đông. Hạ tầng nông thôn, đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, vùng sản xuất chuyên canh được quy hoạch một cách cụ thể, hợp lý, nhằm phát huy lợi thế, đặc trưng của mỗi vùng và tạo sự liên kết trong đầu tư, phát triển. Trong đó, đối với vùng kinh tế phía tây, huyện chủ trương trồng các loại cây gỗ lớn, gỗ quý, cây bản địa, kết hợp hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.

Thời gian qua, huyện Mộ Đức đã tập trung kêu gọi đầu tư, chỉnh trang hạ tầng đô thị thị trấn Mộ Đức đạt đô thị loại V. Đô thị mới Thạch Trụ và đô thị mới Nam Sông Vệ được quy hoạch mở rộng để đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại V. Hạ tầng vỉa hè đô thị, chợ mới, các công trình, tuyến đường nội thị từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại, dịch vụ, tạo nền tảng phát triển vùng kinh tế động lực. Cùng với đó, một điểm nhấn được kỳ vọng tạo sức bật cho vùng kinh tế phía đông là phát triển quỹ đất dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Trong đó, củng cố, phát triển các điểm dịch vụ, du lịch biển tại các xã Đức Minh, Đức Lợi, Đức Thắng... kết hợp nghề biển, vùng sản xuất nông nghiệp an toàn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng tại thôn An Mô (xã Đức Lợi), du lịch nông nghiệp tại xã Đức Thắng...

Diện mạo nông thôn huyện Mộ Đức ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Một góc xã Đức Thạnh. Ảnh: BẢO HÒA
Diện mạo nông thôn huyện Mộ Đức ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Một góc xã Đức Thạnh. Ảnh: BẢO HÒA

Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Minh Đạo cho hay, nửa nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể đã quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII và thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Dấu ấn rõ nét là lĩnh vực nông nghiệp với các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo đầu ra cho nông sản sạch. Các CCN cơ bản lấp đầy các dự án đầu tư. 

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, với sự quyết tâm và trách nhiệm cao nhất, cả hệ thống chính trị của huyện sẽ chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện các giải pháp cụ thể, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 89-KH/HU ngày 22/2/2023 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đồng thời, tiếp tục khai thác tiềm năng của 3 vùng kinh tế, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ theo tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Tăng thứ hạng cải cách hành chính
             
Một trong những dấu ấn của huyện Mộ Đức trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020  -  2025 là đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Huyện đã ứng dụng phần mềm iOffice, thực hiện Đề án một cửa hiện đại cấp huyện liên thông đến xã; thủ tục hành chính tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo lộ trình quy định. Với sự nỗ lực lớn, năm 2022, huyện Mộ Đức xếp thứ 4/13 huyện, thị xã, thành phố về công tác cải cách hành chính, tăng 7 bậc so với năm 2021.

 

HUỲNH THẢO - KIM ANH

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

 


 

Xuất bản lúc: 17:02, 14/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.