“Hải trình chí lược” tư liệu quý về Lý Sơn

11:39, 03/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Hải trình chí lược” (lược ghi trên đường vượt biển) của Phan Huy Chú (1782 - 1840) là thư tịch quý về biển đảo Việt Nam thời Nguyễn. Đây là tác phẩm sớm nhất ghi lại hành trình vượt biển đi xuống phương Nam của người Việt, là tư liệu quan trọng về tình hình biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Tác phẩm “Hải trình chí lược” ra đời năm 1833, ghi lại hành trình vượt biển của Phan Huy Chú và phái bộ vào mùa đông năm 1832, đi xuống phương Nam, đến Tân Gia Ba (Singapore) và Lưu Giang Ba (Batavia, một đảo thuộc Indonesia) - nơi có sự hiện diện của người phương Tây, với mục đích xem xét phong tục của các nước lân bang cho triều đình.

Đình làng An Hải (Lý Sơn).   ẢNH: VÕ MINH TUẤN

“Hải trình chí lược” được viết bằng chữ Hán theo thể chí, gồm 2 phần. Phần đầu ghi lại hành trình từ vùng biển Quảng Nam đến vịnh Thái Lan. Phần sau ghi chép những điều đã quan sát, tìm hiểu ở các nước lân bang. Hành trình quay về tác phẩm không đề cập đến. Phần đầu của tác phẩm này đặc biệt giá trị vì ghi lại nhiều thông tin quan trọng về tình hình biển đảo nước ta thời Minh Mạng, trong đó có những tư liệu quý về biển đảo Quảng Ngãi.

Tác phẩm mở đầu bằng phần ghi về vùng biển Quảng Nam, chủ yếu tập trung vào Cù Lao Chàm. Sau đó là phần ghi về vùng biển Quảng Ngãi với trọng tâm là đảo Lý Sơn. Trong phần này, tác giả cung cấp về vị trí và khoảng cách địa lý của Lý Sơn: “Quảng Ngãi Thái Cần tấn biên đảo tự tục hiệu Cù Lao Ré, thị cai tỉnh thành dương ngoại tiêu trấn” (Ngoài cửa Thái Cần của Quảng Ngãi có đảo, tục gọi Cù Lao Ré, là tiêu trấn ngoài biển của tỉnh thành ấy); “chu hành nhị canh dư thủy chí hải ngạn” (thuyền đi hơn hai canh giờ mới đến bờ biển). Đặc điểm tự nhiên của Lý Sơn được miêu tả khá cụ thể: “Đảo trung thụ mộc âm sâm, sa thổ bình khoáng” (Trên đảo cây cối um tùm, đất cát bằng phẳng). Cuộc sống và tính cách người dân miền biển đảo Lý Sơn cũng được tác giả đề cập đến: “Vân thủy sinh nhai, phong tục thương cổ” (Sinh sống nơi mặt nước chân mây, phong tục chất phác).

Đặc biệt, trong “Hải trình chí lược”, Phan Huy Chú nhắc đến việc nộp thuế dầu phụng của cư dân Lý Sơn: “An Vĩnh, An Hải nhị ấp dân cư cung đậu du thuế” (Cư dân hai ấp An Vĩnh, An Hải nộp thuế dầu đậu). Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, trước thế kỷ XIX khi chưa có hành tỏi, người dân Lý Sơn đã có đậu phụng là cây trồng phổ biến. Tờ tấu trình vào tháng 5, năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) của các vị chức sắc cùng toàn dân phường An Hải - Lý Sơn, thuộc Nội phủ ghi rõ về việc biệt nạp thuế phụng du (tức dầu phụng) của phường. Thuế biệt nạp là loại thuế đóng bằng sản vật của địa phương. Như vậy, thế kỷ XIX trở về trước, đậu phụng là sản vật nổi bật của Lý Sơn. Điều này có thể giải thích được bởi đậu phụng là cây trồng thích hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của Lý Sơn, hòn đảo do nham thạch núi lửa hình thành. Ghi chép của Phan Huy Chú là một căn cứ quan trọng để khẳng định một lần nữa về điều này.

Qua “Hải trình chí lược” có thể thấy Lý Sơn để lại trong Phan Huy Chú những ấn tượng sâu đậm về một cụm đảo xinh đẹp. Ông khẳng định Lý Sơn là đảo đẹp nhất trong các đảo thuộc vùng biển Quảng Nam và Quảng Ngãi: “So với Đại Chiêm (tức Cù Lao Chàm), cảnh trí ở đây đẹp hơn. Từ đây trở vào bốn cửa tấn Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh, không có cảnh sắc ấy”.

Phan Huy Chú tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, người Hà Nội, làm quan dưới Triều Minh Mạng, từng đi sứ nhà Thanh và công cán vùng Nam Dương. Ông là nhà bác học lớn của nước ta thời Nguyễn, tác giả của 49 quyển “Lịch triều hiến chương loại chí”, bộ sách được xem là bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. “Hải trình chí lược” của Phan Huy Chú là tác phẩm sớm nhất ghi lại hành trình vượt biển đi xuống phương Nam của người Việt, là tư liệu quan trọng về tình hình biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

PHẠM TUẤN VŨ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 11:39, 03/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.