Hiệu quả từ ứng dụng bẫy sinh học

05:15, 17/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Quảng Công Thạnh (53 tuổi), ở thôn Phú Nhiêu 2, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) đã sử dụng các bẫy sinh học để bẫy ruồi vàng cùng nhiều côn trùng hại cây trồng. Cách làm này giúp ông Thạnh tiết kiệm chi phí sản xuất, làm ra các loại rau an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Kinh phí ít, hiệu quả lớn

Đặt chân đến mảnh đất rộng hơn 4 sào tại Gò Đình của ông Thạnh, giữa màu xanh mướt mắt của những giàn khổ qua rừng, đậu cô ve, dưa leo trĩu quả, là các tấm giấy màu vàng có kích thước chừng hai bàn tay người lớn, dính đầy ruồi vàng, bướm...
Vừa chăm sóc rau màu, ông Thạnh vừa cười bảo, đây là những miếng dính sinh học, chứa chất hấp dẫn ruồi vàng, bướm sinh ra sâu xanh da láng, cùng nhiều loại bọ hại cây trồng. Khi đến vườn này, chúng bị thu hút bởi các miếng dính sinh học này, nên bay đến và bị dính bẫy.

Ông Thạnh sử dụng các miếng dính sinh học để bẫy ruồi vàng cùng nhiều loại sâu bọ hại cây trồng. 
Ông Thạnh sử dụng các miếng dính sinh học để bẫy ruồi vàng cùng nhiều loại sâu bọ hại cây trồng. 

Áp dụng miếng dính sinh học được gần 1 năm nay, vườn rau nhà tôi không còn bị ruồi vàng gây hại nữa. Rau cũng ít bị sâu xanh da láng gây hại. Năng suất nhờ vậy mà tăng lên gấp nhiều lần. "Ruồi vàng chích vào quả rồi đẻ trứng vào đó. Nên nếu phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần, cũng chưa chắc tiêu diệt được. Mà phun thuốc nhiều, cũng hại sức khỏe của mình lắm. Vì vậy, việc sử dụng bẫy dính sinh học được tôi lựa chọn, vì đạt được nhiều lợi ích. Vừa đỡ phun thuốc để đảm bảo sức khỏe, vừa giúp rau mình làm ra an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng", ông Thạnh mộc mạc sẻ chia.

Mua các miếng dính sinh học này tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp và trên các sàn thương mại điện tử với giá dao động từ 10 - 20 nghìn đồng/miếng, ông Thạnh sử dụng trong vòng 45 - 60 ngày. Bình quân mỗi sào rau màu, ông sử dụng từ 20 - 30 miếng dán. Ngoài sử dụng miếng dính sinh học, ông Thạnh còn tận dụng các chai nhựa đã bỏ đi, rồi thiết kế và đặt chế phẩm sinh học dẫn dụ ruồi vàng vào đó, để treo lên các giàn trồng rau màu. Theo ông Thạnh, hình thức này giúp ông vẫn có thể bẫy được ruồi vàng cùng nhiều loại sâu hại cây trồng vào mùa mưa. Còn các miếng dính sinh học đang bán trên thị trường, hầu hết đều làm bằng giấy nên đều bị hư hỏng khi gặp mưa lớn.

Biến sỏi đá thành cánh đồng trăm triệu

Trồng luân phiên các loại khổ qua rừng, đậu cô ve, ớt, dưa leo trên 4 sào đất đồi, giúp ông Thạnh thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm. Riêng năm nay, khổ qua rừng được mùa được giá nên từ tháng 10 âm lịch đến nay, bình quân mỗi ngày, ông hái từ 10 - 15kg mà vẫn không đủ để cung cấp cho các tiểu thương. Riêng 1 sào ớt, thay vì bán ớt chín, vườn ớt của ông chuyên cung cấp ớt xanh ra thị trường, với giá bình quân từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Ông Thạnh chia sẻ, khi bán ớt xanh, cây lâu bị cỗi hơn, thời gian thu hoạch ớt cũng vì vậy mà kéo dài, giúp tăng năng suất và sản lượng cây trồng.

Giàn khổ qua rừng sai quả của ông Quảng Công Thạnh, ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn). 
Giàn khổ qua rừng sai quả của ông Quảng Công Thạnh, ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn). 

Quyết định khởi nghiệp bằng nghề nông khi đã bước sang tuổi 51, đến nay, sau 2 năm khởi nghiệp, ông Thạnh đã có thu nhập ổn định mỗi tháng gần 10 triệu đồng.

"Hồi trước, tôi đi làm thợ hồ. Còn vợ ở nhà làm 7 sào ruộng nhưng kinh tế chật vật lắm. Chúng tôi có 4 sào đất tại Gò Đình, nhưng bỏ hoang mãi vì đây là vùng đất trơ sỏi đá, xương rồng mọc kín cả mảnh đất nhà tôi. Mãi đến khi có dịch Covid-19 xảy ra, việc phụ hồ cực nhọc là vậy mà dù hạ giá ngày công, cũng khó kiếm được việc làm thường xuyên, ổn định. Tôi mới nghĩ đến việc, bắt đầu lại tất cả trên mảnh đất này, bằng chính cái nghề gần gũi nhất với mình là nghề nông", ông Thạnh bộc bạch.

Để có 4 sào đất xanh mướt màu rau như hôm nay, ông Thạnh cùng vợ đã phải bỏ ra 3 tháng để cải tạo, dọn dẹp xương rồng và bốc dỡ hàng nghìn viên đá dưới nền đất. Rồi phải khoan đến chiếc giếng thứ 3, với độ sâu 80m, ông Thạnh mới tìm được nguồn nước phục vụ sản xuất trên mảnh đất cằn.

Để đất cằn "nở hoa", ông cải tạo đất bằng phân bón sinh học, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và lưới bao phủ toàn bộ diện tích sản xuất. Ở tuổi trung niên, khởi nghiệp với nghề quen thuộc, nhưng người nông dân tuổi 53 ấy, đã mải miết tìm tòi kỹ thuật mới, và mạnh dạn đầu tư, ứng dụng vào sản xuất, để hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ nghề nông, và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm rau an toàn.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 05:15, 17/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.