Gìn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo

07:48, 19/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong xã hội xưa và nay, người thầy bao giờ cũng có địa vị quan trọng. Trước đây, trong mối quan hệ “quân, sư, phụ”, thầy chỉ đứng sau vua và trước cả cha mẹ. Vì thế, khi thầy mất, học trò phải chịu tang.

Các thế hệ học trò viếng mộ Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng, ở xã Bình Phước (Bình Sơn). Ảnh: Hồng Huệ

Địa vị cao quý của người thầy

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi hay tin thầy mình là Bảng nhãn Lương Đắc Bằng qua đời đã về chịu tang thầy trọn ba năm rồi mới rời đi là câu chuyện cảm động về đạo nghĩa thầy trò thuở trước. Ngày trước, thầy đồ, hương sư thường là người có học nhưng không đi thi, hoặc đỗ đạt nhưng không muốn ra làm quan, hoặc từ quan trở về làng mở lớp dạy học. Họ là những người hay chữ, thông hiểu đạo lý thánh hiền, được mọi người kính trọng. Trong xã hội Nho học, khi con đường lập thân gần như chỉ gói gọn trong việc học hành, thi cử, làm quan thì vai trò của những người thầy khai tâm, trao chữ càng được đề cao. Việc ngày xưa cha mẹ dẫn con đến gửi cho theo học bao giờ cũng có lễ vật dâng thầy phần nào nói lên điều này.

Người thầy được xã hội tôn quý trước hết bởi nhân cách thanh cao, tấm lòng yêu trò mến chữ. Trong lịch sử nền giáo dục nước nhà, không ít nhà giáo làm rạng danh sử Việt như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Võ Trường Toản... Họ được tôn là phu tử, danh sư, bậc sư biểu không chỉ bởi trò theo học đông, dạy nhiều người thành tài, đỗ cao, làm lớn, mà còn ở cốt cách hơn đời và tấm lòng cao cả của một người thầy chân chính.

Ở Quảng Ngãi, dưới thời Nhà Nguyễn có một thầy giáo nổi tiếng là Trương Đăng Quế (1793 - 1865), người đỗ khai khoa của tỉnh. Có điều, ông không phải là thầy đồ dạy trường làng. Năm 1820, Trương Đăng Quế được triệu ra Huế, nhận chức Hành tẩu bộ Lễ, sau thăng lên Biên tu, sung Hoàng tử trực học là chức vụ chuyên lo việc dạy học cho các hoàng tử. Học trò của ông khá đông, trong đó có nhiều vị nổi tiếng như Miên Thẩm, Miên Trinh và Miên Tông, tức vua Thiệu Trị sau này. Theo Hoàng Ngọc Cương trong sách "Tuyển tập thơ văn Trương Đăng Quế", "nhờ việc dạy học cho các Hoàng tử được xứng ý, nên Trương Đăng Quế được vua Minh Mệnh khen ngợi, được bổ làm Thượng bảo Thiếu khanh”. Nhờ học hạnh nổi tiếng, ông được các học trò trong hoàng tộc rất mực kính trọng. Các công chúa Nguyệt Đình, Huệ Phố, Mai Am tuy không theo học nhưng luôn nhận là học trò của ông. Khi ông mất, đích thân học trò là Tuy Lý Quận vương Miên Trinh soạn văn bia với những lời lẽ đầy tôn kính.   

Đạo nghĩa thầy trò

Người xưa có câu: “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày là thầy, trọn đời là cha), ơn truyền dạy tri thức, đạo lý làm người của thầy cũng sâu nặng như ơn sinh thành. Luôn nhớ ơn thầy, giữ đạo làm trò, phát huy đạo học của thầy để phụng sự đất nước là những nét đẹp về đạo nghĩa thầy trò trong văn hóa ứng xử của người Việt. Có lẽ, hiếm nơi đâu có lệ “mùng ba tết thầy”, tức về thăm thầy, cô giáo trong ngày Tết như ở nước ta.

Xứ Quảng là vùng đất có tiếng tôn sư trọng đạo xưa nay. Trước đây, khi nền Nho học thịnh đạt, tại Quảng Ngãi có 3 văn thánh, văn từ được xây dựng, tế tự xuân thu định kỳ (một năm hai lần vào tháng 3, tháng 8 âm lịch). Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên  Giám đốc Sở VH-TT&DL, từ năm Gia Long thứ 16 (1815), ở Quảng Ngãi đã có Văn miếu Phú Nhơn khá bề thế với chánh điện, tả vu, hữu vu. Năm Minh Mạng thứ 20 còn xây thêm đền Khải thánh trong Văn miếu Phú Nhơn, lấy Thiên Bút là tiền án, lấy hai núi Thiên Ấn và Long Đầu làm "tả thanh long, hữu bạch hổ’". Sang thời Tự Đức còn có Văn thánh Mộ Đức, Văn từ Chương Nghĩa, hiện nay vẫn còn dấu tích và đã được trùng tu. Ở các làng xã lớn đều có các văn chỉ. Các văn miếu, văn thánh, văn từ, văn chỉ trong tỉnh không chỉ là nơi đề cao tinh thần hiếu học, mà còn vinh danh đạo thầy trò, trao truyền cho các thế hệ truyền thống tôn sư trọng đạo.

Truyền thống tôn sư trọng đạo được người dân xứ Quảng tiếp nối qua các thế hệ và phát huy bằng những việc làm ý nghĩa, cảm động. Đơn cử, để tưởng nhớ, tri ân cố Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng, người thầy lớn của ngành Hán Nôm Việt Nam, các thế hệ học trò, trong đó có nhiều người ở Quảng Ngãi đã góp sức phụng lập một văn bia đặt tại mộ của thầy nơi quê nhà, ở xã Bình Phước (Bình Sơn). Bài bi minh được viết trang trọng, ca ngợi tài năng, nhân cách hơn người của thầy khiến nhiều người xúc động về ơn nghĩa thầy trò ở đời.

Trong tâm thức ngôn ngữ người Việt, từ “thầy” luôn gắn với sắc thái trang trọng và hai tiếng “thầy trò” bao giờ cũng gợi lên một tình cảm cao quý, thiêng liêng. Với người Việt, “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Bởi tôn sư trọng đạo là truyền thống đạo lý cao đẹp của người Việt và truyền thống ấy sẽ luôn được nối tiếp, giữ gìn dù cuộc sống có nhiều đổi thay.

PHẠM TUẤN VŨ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 07:48, 19/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.