[Emagazine]. Những người thầy không chỉ dạy chữ

07:46, 19/11/2023
.
 
 
 

 

 

Hai năm qua, vào những dịp lễ, Tết, các cô giáo ở Trường Mầm non Sơn Ca, xã Sơn Linh (Sơn Hà) lại cùng nhau gói hoa, làm bánh rồi mang đi bán để có tiền lo cho HS nghèo.

“Đối với nhiều trẻ em ở miền núi, có một bữa sáng ngon miệng đôi khi là một điều gì đó rất xa xỉ và là niềm động lực để các em đến lớp. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi đã cùng nhau làm bánh để bán vào dịp tết Trung thu, tết Nguyên đán. Còn vào những ngày lễ như ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi chịu khó xuống thành phố mua hoa tại chợ đầu mối, rồi mang lên trường để gói bán. Tiền lãi kiếm được dùng vào việc mua quà, nấu thêm nhiều bữa ăn ngon cho HS", cô giáo Nguyễn Nhã Vân, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca, chia sẻ.

Các cô giáo Trường Mầm non Sơn Ca, xã Sơn Linh (Sơn Hà) tổ chức gói hoa bán cho khách hàng, để có tiền nấu các bữa ăn sáng, tặng quà cho học sinh nghèo.    Ảnh: NHÃ VÂN
Các cô giáo Trường Mầm non Sơn Ca, xã Sơn Linh (Sơn Hà) tổ chức gói hoa bán cho khách hàng, để có tiền nấu các bữa ăn sáng, tặng quà cho học sinh nghèo.    Ảnh: NHÃ VÂN

 

Năm ngoái, vào ngày Phụ nữ Việt Nam, các cô giáo ở nơi rẻo cao này đã tổ chức chương trình “Bó hoa yêu thương” để có tiền nấu thêm những bữa ăn sáng có thịt cho HS. Hơn 4 triệu đồng thu được từ chương trình, các cô dùng để mua nguyên liệu, tổ chức nấu ăn tại điểm trường chính, rồi chở đến 6 điểm trường lẻ để lo cho hơn 180 HS các bữa ăn sáng đảm bảo dinh dưỡng. Dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cô giáo lại tự tay gói, nấu bánh chưng để bán thu được hơn 1,5 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được các cô dùng để mua quà Tết tặng HS có hoàn cảnh khó khăn...

Bữa ăn sáng của học sinh Trường Mầm non Sơn Ca xã Sơn Linh (Sơn Hà) đủ đầy hơn nhờ tấm lòng của các cô giáo.
Bữa ăn sáng của học sinh Trường Mầm non Sơn Ca xã Sơn Linh (Sơn Hà) đủ đầy hơn nhờ tấm lòng của các cô giáo.

Không chỉ chịu thương, chịu khó làm thêm nghề tay trái vì học trò, các cô giáo còn tích cực vận động các nhà hảo tâm chung tay để các em có thêm nhiều bữa sáng yêu thương. “Từ đầu năm 2023 đến nay, các nhà hảo tâm hỗ trợ đều đặn 1,8 triệu đồng mỗi tháng để nấu bữa ăn sáng cho HS. Thấy các em vui mừng khi được ăn ngon, bao nỗi vất vả khi phải dậy nấu ăn từ lúc 4 giờ sáng, rồi chở đồ ăn đến các điểm trường của chúng tôi, dường như tan biến. Dịp 20/11 năm nay, chúng tôi tổ chức mua hoa, rồi gói bán cho khách hàng để kiếm tiền tặng quà Tết cho HS nghèo”, cô giáo Vân cho biết thêm. 

 

Năm học 2023 - 2024, tân sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Pháp, quê ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), khăn gói nhập học trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Pháp vừa làm thủ tục nhập học, vừa đưa mẹ đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị bệnh hiểm nghèo. Mẹ của Pháp mắc bệnh hiểm nghèo gần một năm nay, cha của Pháp thì một tuần đến bệnh viện 2 lần để chạy thận. Cha mẹ đau ốm, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy chục nghìn đồng tiền lãi mỗi ngày nhờ vào nghề làm bánh tráng của gia đình, khiến con đường đến trường của em trở nên chông chênh. 

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của Pháp, thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức (Mộ Đức), đã vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay tiếp sức để Pháp có cơ hội vào đại học. Nhờ sự kết nối của thầy Vũ, cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Pháp đã tạm thời vơi được nỗi lo, khi đã được hỗ trợ kinh phí đủ để trang trải cho cả năm nhất đại học.

Thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức, thăm hỏi, động viên em Nguyễn Văn Pháp và người thân ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).  Ảnh: PV
Thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức, thăm hỏi, động viên em Nguyễn Văn Pháp và người thân ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).  Ảnh: PV

Không chỉ trường hợp của Pháp, mà hơn 15 năm nay, thầy Ngô Khắc Vũ đã đứng ra kết nối, vận động giúp đỡ hàng trăm HS, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường. Có những trường hợp, không chỉ kết nối, hỗ trợ các em về vật chất, người thầy giáo giàu lòng yêu thương này còn làm thay vai trò của người cha, người mẹ, dẫn các tân sinh viên vào TP.Hồ Chí Minh để làm thủ tục nhập học, kiếm chỗ ở miễn phí cho các em. Thương người thầy giáo tận tâm, tận lực vì học trò, nên nhiều năm qua, thầy Vũ luôn là “địa chỉ” được các cựu HS Trường THPT số 2 Mộ Đức và nhiều tổ chức, cá nhân tin tưởng, gửi gắm, để cùng đồng hành, chia sẻ cùng HS, sinh viên nghèo.

 

Không chỉ dạy chữ, các thầy, cô giáo còn dạy cho HS lối sống đẹp, sống có ích, biết yêu thương và chia sẻ. Việc giảng dạy không chỉ bằng lời nói trên lớp học, mà còn được các thầy, cô giáo thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa. Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi), từ nhiều năm nay, nhà trường luôn chú trọng tổ chức cho HS tham gia chương trình thiện nguyện như “Đông ấm áp”, “Xuân yêu thương”.

Cô giáo và các học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quẩng Ngãi) đến thăm trẻ mồ côi tại Tinh thất Phước Quang, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: VIỆT KIỀU
Cô giáo và các học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) đến thăm trẻ mồ côi tại Tịnh thất Phước Quang, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: VIỆT KIỀU

“Trong chuyến đi cùng thầy, cô giáo đến thăm trẻ em mồ côi được sư thầy cưu mang tại Tịnh thất Phước Quang, ở xã Tịnh Ấn Tây, em chứng kiến các em nhỏ không có ba mẹ, phải mặc lại những bộ đồ cũ của người khác. Từ đó, em thấy mình thật may mắn khi có ba mẹ kề bên. Sau chuyến đi ấy, em cùng các bạn bắt đầu tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng - điều mà trước đây em chưa từng làm. Chúng em đã tham gia vào các câu lạc bộ thiện nguyện đến miền núi, để cùng góp sức chăm sóc, nấu ăn cho các em nhỏ vùng cao. Em thấy hạnh phúc hơn khi sống yêu thương và chia sẻ”, em Trần Ngọc Ánh, HS lớp 12C5, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, xúc động sẻ chia.

 

Tại huyện Ba Tơ, phong trào “Ngôi nhà 1.000 đồng” do Phòng GD&ĐT huyện phát động, lan tỏa sâu rộng trong các trường học. Tại mỗi trường, sau khi được các thầy, cô giáo triển khai phong trào, nhiều HS đã chủ động góp tiền, để chung tay giúp đỡ các bạn đang sống trong những ngôi nhà xuống cấp. Từ năm 2021 đến nay, các thầy, cô giáo và HS đã đóng góp hơn 120 triệu đồng, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho gia đình 3 HS người đồng bào Hrê có hoàn cảnh khó khăn tại các xã Ba Xa, Ba Dinh, Ba Điền. 

“Ý nghĩa của phong trào không chỉ là giúp đỡ xây dựng nhà ở cho HS nghèo, mà còn vun đắp trong các em HS tình yêu thương. Vì vậy, nhà trường luôn lan tỏa thông điệp này đến HS, để các em hiểu rằng, nếu các em biết nghĩ cho người khác và cùng đồng lòng, thì dù mỗi em chỉ bớt lại chút tiền tiêu vặt, nhưng gom góp lại đủ để bạn có được một căn nhà vững chãi để ở”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Ba Tơ Nguyễn Mậu Hải bày tỏ.

Nội dung: Ý THU

Trình bày: Q.DUYÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 07:46, 19/11/2023