Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Hoàn thành lấy ý kiến của nhân dân

08:44, 05/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành. Nội dung góp ý của nhân dân tương đối phong phú, đa dạng và bao trùm nhiều nội dung của dự thảo luật.

 

Triển khai sâu rộng

Trên cơ sở Kế hoạch số 253 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, hướng dẫn triển khai việc lấy ý kiến, góp ý của nhân dân, đoàn viên, hội viên theo ngành, lĩnh vực phụ trách của tổ chức trực thuộc đến cấp cơ sở. Nhờ đó, các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) đã diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua trong không khí sôi nổi và trách nhiệm. Tại hội nghị, những khó khăn, vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng trong quá trình sử dụng đất của người dân đã được góp ý cụ thể vào từng điều của dự thảo luật. Ông Huỳnh Ngọc Hải, ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền cho biết, tôi ý kiến tập trung vào chương 7 và chương 13, chủ yếu về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chế độ sử dụng các loại đất. “Ở Khoản 3, Điều 89, tôi nhận thấy hiện nay đa số các dự án thu hồi đất đều tập trung ở vùng đồng bằng, vùng ven thành phố, vùng có tiềm năng phát triển kinh tế... mà những vùng này thì không có đất để đổi cho nhân dân khi bị thu hồi. Hơn nữa, giá bồi thường về đất không hợp lý nên đa số người dân muốn đổi đất hơn là nhận bồi thường. 

Trong khi đó, Nhà nước không có quỹ đất để đổi theo nhu cầu của người dân. Vì vậy, tôi kiến nghị, Luật nên quy định cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất thì bồi thường bằng tiền với mức giá thỏa đáng để người dân ổn định cuộc sống. Tôi cũng đề xuất, các dự án mang tầm Quốc gia thì giá bồi thường do Chính phủ quy định, tránh tình trạng mỗi tỉnh có giá đền bù khác nhau, dẫn đến thiếu công bằng, xảy ra khiếu nại gây chậm trễ tiến độ của các dự án...”, ông Hải nói.

Sau hơn 1 tháng triển khai, hoạt động tuyên truyền, phổ biến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tỉnh quan tâm thực hiện, với nhiều hình thức phong phú đa dạng, linh hoạt, sáng tạo. Như triển khai tuyên truyền hoạt động lấy ý kiến góp ý tại các cuộc họp ban công tác Mặt trận, sinh hoạt chi, tổ hội của các tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền trên hệ thống Fanpage Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh... Qua đó, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp cận thông tin việc tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kịp thời. 

Huy động trí tuệ của nhân dân

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý của Mặt trận các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cũng như của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành tổng hợp một cách trung thực, đầy đủ và khách quan.

Nhiều ý kiến góp ý của người dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Trong ảnh: Một góc TP.Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.     Ảnh: Lê Danh
Nhiều ý kiến góp ý của người dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Trong ảnh: Một góc TP.Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.     Ảnh: Lê Danh

Tính đến ngày 15/3 - thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức hơn 200 hội nghị và đã nhận được 253 lượt ý kiến góp ý khác nhau của tổ chức, cá nhân. Trong đó, các ý kiến đóng góp tập trung về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai...

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi lần này đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Bá Minh cho biết, nhìn chung, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ thời gian và nội dung kế hoạch đề ra. Các cuộc góp ý sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm đã góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổng hợp các ý kiến góp ý được thực hiện đảm bảo trung thực, khách quan, đầy đủ, chất lượng.  

Bài, ảnh: H.THU

 


 


Ý kiến bạn đọc


.