Quảng Ngãi nỗ lực đi đầu trong thực hiện Đề án 06

15:05, 18/08/2022
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh xung quanh việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin đại tá cho biết, Đề án 06 có ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng như thế nào?

Đại tá Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: ĐỖ THÀNH
Đại tá Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: ĐỖ THÀNH

Đại tá Hoàng Anh Tuấn: Việc triển khai thực hiện Đề án 06 được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Trong đó, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, chuyển đổi phương thức quản lý cũ sang phương thức mới, ứng dụng KHCN, xây dựng sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử.

Đây là dự án nhằm tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Khi hoàn thành đề án này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới phục vụ 5 nhóm tiện ích cốt lõi: (1) phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) phục vụ công dân số; (4) hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Đề án 06, với 7 quan điểm chỉ đạo và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp để thực hiện trên môi trường điện tử đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

PV: Các thông tin công dân được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử sẽ mang lại lợi ích như thế nào, thưa đại tá?

Đại tá Hoàng Anh Tuấn: Mỗi người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước, đảm bảo chính xác và thuận tiện. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.

Ngoài ứng dụng nổi bật với thẻ CCCD gắn chip, thì việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các giao dịch điện tử.

PV: Vậy người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi những gì?

Đại tá Hoàng Anh Tuấn: Mục tiêu của chuyển đổi số là vì lợi ích của nhân dân; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải bắt đầu từ người dân. Khi triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.

Người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử, thanh toán điện tử gắn với hệ sinh thái các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử... tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử... kết nối, sử dụng các ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân, tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng... Có thể hiểu một cách đơn giản, Đề án 06 giúp người dân, doanh nghiệp số hóa tất cả thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân để có thể thay đổi phương thức thủ tục hành chính thủ công sang phương thức điện tử một cách thuận tiện nhất.

Công dân làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử.                                     ẢNH: ĐỖ THÀNH
Công dân làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử.                                     ẢNH: ĐỖ THÀNH

PV: Hiện nay, Công an tỉnh gấp rút triển khai những nội dung gì, để việc thực hiện Đề án 06 đảm bảo tiến độ, thưa đại tá?

Đại tá Hoàng Anh Tuấn: Ngay từ đầu tháng 3/2022, Công an tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06. Qua đó đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ cửa đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, biện pháp, lộ trình triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06. Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện, thị xã, thành phố thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu. Hằng tuần, hằng tháng, Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức họp định kỳ với công an cấp huyện, cấp xã để đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án 06, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để việc triển khai Đề án 06 đảm bảo tiến độ, Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập các tổ triển khai đề án tại cấp huyện, cấp xã và đến từng tổ dân phố, thôn... Nhiệm vụ của các tổ công tác chính là tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về việc thực hiện cấp và sử dụng định danh xác thực điện tử; hướng dẫn cơ quan, tổ chức tại địa phương trong việc sử dụng tài khoản định danh, các tiện ích thông qua thẻ CCCD, ứng dụng VNeID... Xác định nhiệm vụ này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, vừa phục vụ tốt công tác quản lý xã hội, nên từng cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thực hiện một cách quyết liệt. Lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện, “coi đây là mệnh lệnh chiến đấu, kỷ luật công tác của lực lượng công an”.

Dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện tốt điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện Đề án 06 tiếp tục là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự quyết liệt, gương mẫu, đi đầu của cán bộ, chiến sĩ công an toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp tốt với các lực lượng có liên quan để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã tin tưởng giao phó. Xem đây là “trách nhiệm và danh dự” của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an Quảng Ngãi nói riêng để phục vụ nhân dân, góp phần phát triển quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

ĐỖ THÀNH 
(thực hiện)

Đảm bảo hạ tầng đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu

Sáng 17/8, Đại tá Phan Công Bình - Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã chủ trì họp giao ban đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án.
Trong tháng 8/2022, ngành GD&ĐT phát động phong trào chuyển đổi số trong dịp hè; triển khai dịch vụ công trực tuyến đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Ngành thuế tiếp tục triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax Mobile, triển khai hóa đơn điện tử trên toàn tỉnh. Đến ngày 11/8 có 7.817 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Ngành công an cấp thẻ  CCCD và định danh điện tử cho công dân; đã thu nhận 15,679 nghìn hồ sơ làm CCCD, hơn 17,9 nghìn hồ sơ cấp định danh điện tử. Toàn tỉnh có 6 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế huyện, thành phố và Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm triển khai việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh. Trong tháng 8/2022, ngành BHXH đã hiệu chỉnh hơn 19,2 nghìn hồ sơ cá nhân đổi mã số BHXH trên phần mềm nghiệp vụ của ngành để thực hiện việc đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Phan Công Bình đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 06, nhất là rà soát, đánh giá thực trạng nhằm đảm bảo hạ tầng, đường truyền hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của tỉnh, hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước; tiến đến số hóa 100% dữ liệu hộ tịch. Nhân rộng việc sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh. Làm sạch thông tin thuê bao điện thoại để phục vụ việc đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công và tài khoản định danh điện tử...

BÁ SƠN


Ý kiến bạn đọc


.