Thi đua với chính mình

09:54, 07/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948.

Ngay trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ đã rất đúng lúc với quân và dân ta. Đã 76 năm trôi qua, giờ đọc lại một đoạn trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chúng ta phải dừng ở hai chữ “tôi xin” của Bác Hồ nói với nhân dân mình: “Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. 

Lời văn giản dị, mộc mạc nhưng rất rõ ràng, rất đầy đủ nội dung thiết thực, thấm ngay vào lòng nhân dân mình, đó là văn phong của Bác Hồ. Thi đua ái quốc, ngay từ những dòng kêu gọi ấy, đã không hề là chuyện nói cho qua, mà nó đi vào trong tâm khảm người nghe, người đọc, đi thẳng từ lòng Người tới lòng người, kêu gọi nhưng không hề đao to búa lớn. Thi đua như thế là chuyện cần làm, ai cũng có thể làm được, miễn là mình có tinh thần yêu nước.

Nhiều hộ dân ở nông thôn đang nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.
Trong ảnh: Cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, huyện Minh Long.  Ảnh: PV
Nhiều hộ dân ở nông thôn đang nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, huyện Minh Long.  Ảnh: PV

Bây giờ, chuyện thi đua đã đi vào chiều rộng và chiều sâu khi cuộc sống trong hòa bình đã được 49 năm. Chúng ta vẫn thi đua, có thể phát động phong trào, có thể thực thi chuyện thi đua trong nội bộ, giữa những nhóm người, giữa những công việc khác nhau. Thi đua để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao nhất, tốt nhất. Như những nông dân trồng cây trái xuất khẩu thi đua để trái cây của mình đạt chuẩn, được công nhận sau khi qua những “hàng rào kiểm tra” chặt chẽ, có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất. Những sản phẩm từ lao động trí óc cũng như vậy, phải đạt chuẩn, phải có sáng tạo cụ thể, không viết suông, không “cắt dán” để thành những “công trình khoa học” kém chất lượng, miễn người viết nhận được những học hàm, học vị.

Thi đua phải thực chất là như vậy. Nó phải như quả sầu riêng xuất khẩu được thị trường những nước phát triển chấp nhận. Và đó chính là thể hiện một cách cụ thể và sâu sắc nhất lòng yêu nước. Khi chúng ta nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, chúng ta phải đưa được ngang bằng giữa giá trị thi đua và giá trị lòng yêu nước một cách thực chất.

Nhớ lời kêu gọi của Bác Hồ, mỗi người chúng ta trên cương vị công tác và làm việc của mình có thể tự mình đặt ra những yêu cầu cho chính mình để thực hiện tốt nhất công việc mình đang làm. Đó cũng là cách mình tự thi đua với mình, tự vươn lên trong một thời đại thay đổi đến chóng mặt. Không chỉ thay đổi công nghệ, mà thay đổi trong tư duy, trong nhận thức, trong khát vọng. Thi đua với chính mình là cách thi đua để tự nâng mình lên, cách thi đua này thật âm thầm nhưng rất hiệu quả.

THANH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



 

Xuất bản lúc: 09:54, 07/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.