(Báo Quảng Ngãi)- Một bàu nước rộng hàng trăm héc ta ngăn với biển bằng một dải cát dài, nối với cửa Sa Cần bằng một con lạch. Bên trong bàu nước này có một rừng cây cóc trắng, do ngành nông nghiệp triển khai dự án thành phần GCF (Green Climate Fund - Quỹ Khí hậu xanh) tại vùng đầm nước lợ này. Vào tầm cuối hạ sang thu, rừng cây này chuyển màu từ xanh sang vàng, cả lá và hoa đều rực lên một màu sặc sỡ. Nói điều này để thấy rằng, người dân thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn) được ban tặng một món quà vô giá.
Bàu Cá Cái mang vẻ đẹp độc đáo quanh năm. Mỗi mùa, ở khu rừng ngập mặn này có sức hấp dẫn riêng mê hoặc du khách. Ảnh: Internet |
Không chỉ bảo vệ số diện tích cây rừng hiện có, Ban Quản lý dự án GCF còn triển khai trồng mới hàng chục héc ta cây cóc trắng tại bàu Cá Cái. Từ năm 2019 đến nay, tại bàu Cá Cái có thêm 67ha rừng cây cóc trắng. Rừng được trồng từng luống tầm 2m ngang, giữa các luống là lối đi của ghe để chở du khách thưởng ngoạn. Cách quy hoạch bài bản này đã thu hút khách du lịch. Họ đến để tham quan, chụp ảnh, đặc biệt là đi trong bóng mát của rừng, lại vừa được xem các loài thủy sinh bơi lội dưới nước.
Khi đã có khách đến tham quan rừng cây đẹp mê mẩn này, người dân đóng thuyền để đáp ứng nhu cầu của khách. Một tổ tự quản được thành lập, hoạt động theo quy định mà cả 21 thành viên trong tổ đều đồng ý ký vào. Theo đó, mỗi chuyến chở khách (150 nghìn đồng/2 khách/thuyền), chủ thuyền trích lại 25% cho tổ tự quản. Số tiền này sẽ được chi vào việc công của làng. Theo thống kê của tổ tự quản, từ tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, bàu Cá Cái đón 10 nghìn lượt khách, một con số quá ấn tượng. Tính bình quân mỗi khách 60 nghìn đồng (vì nếu thuyền chở ba khách thì lấy 200 nghìn đồng) thì với từng ấy khách, người dân ở đây đã có 600 triệu đồng. Qua đây cho thấy thành công từ mô hình làm du lịch do người dân tự quản.
Tương tự bàu Cá Cái, một số nơi mà thiên nhiên ưu đãi như rừng dừa nước Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), làng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ) cũng hoạt động bằng hình thức tự quản. Mỗi nơi có một đặc thù riêng nên việc đưa đón du khách có sự chênh lệch về lượng khách, song có một điều chắc chắn là, người dân ở những nơi này bắt đầu có thêm thu nhập nhờ vào du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, nên quy định khách không được mang chai nhựa khi đi thuyền, hoặc có mang nước bằng chai nhựa thì nên bỏ vào thuyền chứ không nên vất lung tung, trông rất phản cảm. Thứ hai, các điểm du lịch cộng đồng nên có hướng dẫn viên để giới thiệu sơ lược về lịch sử và địa lý, cũng như tập quán của người dân ở điểm du lịch để du khách biết rõ hơn về nơi mình đang đặt chân đến. Hy vọng hình thức du lịch cộng đồng sẽ hiệu quả bền lâu và được nhân rộng.
TRẦN ĐĂNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: