(Báo Quảng Ngãi)- Sắp đến ngày 30/4, tôi lại nhớ đến đồng chí Trần Kiên. Là người từng qua Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi cứ nhớ mãi chuyện những người lính kể cho nhau về một cái lệnh đặc biệt của đồng chí Trần Kiên. Đó là, yêu cầu những người đi qua các binh trạm mỗi khi đào củ mì để ăn, sau đó phải chặt những thân cây mì trồng lại, để những người đi sau có lương thực để ăn khi đói lòng. Tôi nghĩ, nếu một người không có tâm và cách tính toán của một người du kích từng quá quen với những gian khổ, sẽ không bao giờ nghĩ ra được một cái lệnh đặc biệt như vậy.
Suốt cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Kiên chỉ có một tâm niệm: Làm sao để những người lính bình thường có thể sống và chiến đấu tốt nhất trong điều kiện có thể, làm sao để mỗi người dân bình thường có được những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần để họ có thể sống như những con người bình thường. Đồng chí Trần Kiên luôn suy nghĩ những điều cụ thể, luôn làm những việc cụ thể nhưng có ích cho dân. Tấm lòng đối với nhân dân của đồng chí là một hằng số, cũng như tư tưởng nhân dân là một hằng số trong ông.
Nhà lưu niệm đồng chí Trần Kiên, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Ảnh: PV |
Có lần, trong lúc vui chuyện, đồng chí Trần Kiên kể tôi nghe, thời ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đồng chí đã huy động nhiều đoàn xe tải về TP.Hồ Chí Minh để chở rác thải, mang về Đắk Lắk bón cho cà phê ở nông trường, bắt đầu từ đó gây dựng nên vùng chuyên canh cà phê Đắk Lắk nổi tiếng như ngày nay. Những việc làm theo kiểu “Ngu Công dời núi” ấy đã làm nên một đồng chí Kiên với nhiều giai thoại và cũng “chịu” nhiều giai thoại. Những lần gặp ông, mỗi khi chúng tôi nhắc lại những giai thoại về ông, đồng chí Trần Kiên chỉ mỉm cười hiền lành. Ông không coi đó là cái gì quá đáng để phải quan tâm. Ông không phải người sống vì những giai thoại. Cả đời ông, ông chỉ sống để làm được bất cứ cái gì có lợi cho dân, để những người dân thoát khỏi nghèo khổ. Từ những thí nghiệm “ba tầng sinh thái” đến những mơ ước làm sao truyền kỹ thuật canh tác và chăn nuôi một cách khoa học và có hiệu quả cho bà con các dân tộc thiểu số, những người đã chịu vô vàn hy sinh để nuôi cách mạng từ những ngày gian khổ, đồng chí Trần Kiên đều gắn trong mỗi việc dù nhỏ của mình một tình yêu lớn, tình yêu nhân dân, yêu những người dân nghèo khổ.
Trước ngày qua đời không lâu, đồng chí Trần Kiên nhiều lần đi Tây nguyên, nhiều lần về tận những buôn làng để gặp gỡ đồng bào các dân tộc. Thấy cảnh đồng chí Trần Kiên ngồi giữa những người dân nghèo, mới hiểu vì sao ông được những người dân bình thường coi ông là người của họ.
Xuất thân từ một tá điền, một người nông dân đi làm cách mạng, đồng chí Trần Kiên đã phấn đấu suốt đời để tự học. Học trong thực tiễn cách mạng, học trong sách vở, nhưng luôn đem sách vở đối chiếu với thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo sách vở, đồng chí Trần Kiên đã trở thành tấm gương cho những người tự học. Không giấu dốt, nhưng cũng không hề tự ti, đồng chí Trần Kiên khi làm lãnh đạo đã đưa ra những quyết sách táo bạo mà không phải người nào cũng nghĩ ra được và cũng dám kiên trì với quyết định của mình. Khi người lãnh đạo biết sống hết mình vì dân, mọi suy nghĩ, hành động của họ đều lấy lợi ích của nhân dân làm trọng, thì dù phải đi trong rừng rậm, cũng tìm được lối ra.
Khi về hưu, đồng chí Trần Kiên và vợ ở trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng. Đồng chí Trần Kiên là vậy. Ông không phải là người sống liêm khiết chỉ để “lấy tiếng” cho bản thân mình. Ông sống liêm khiết vì nhân dân của ông!
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: