Nâng tầm giá trị nông sản miền núi

09:38, 22/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tuần tháng 12/2023, Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023 sẽ được tổ chức với quy mô dự kiến khoảng 200 gian hàng. Trong số 149 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao của Quảng Ngãi, sẽ có nhiều sản phẩm là các mặt hàng nông sản ở miền núi tham gia triển lãm lần này. Điều này cho thấy, nông sản miền núi ở tỉnh ta cũng có giá trị tương đối lớn.

Để nâng tầm giá trị nông sản miền núi, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, trước mắt là phải thay đổi phương thức sản xuất của người dân, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. 

Thực tế cho thấy, để nông sản miền núi lưu thông trên thị trường là điều không dễ, vì phụ thuộc vào nhận thức và tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp của người dân nơi đây... Đây là những rào cản khiến cho giá trị nông sản ở miền núi chưa trở thành hàng hóa.  

Trước thực trạng đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đã giao cho ngành nông nghiệp hướng dẫn cũng như phối hợp với chính quyền địa phương các cấp định hướng cho người dân.

Theo đó, hình thành những vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung để có thể sản xuất vùng nguyên liệu đủ lớn, bởi vì sản xuất thì phải gắn với chế biến, mà chế biến thì phải có vùng nguyên liệu để đảm bảo, chứ manh mún, nhỏ lẻ thì không bao giờ có thể hình thành vùng chế biến được. Kết nối giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp để đưa những sản phẩm đó vào các cửa hàng, siêu thị... thì nó mới trở thành sản phẩm hàng hóa, mới kích thích cho người dân sản xuất.

Trước đây, nông sản miền núi Quảng Ngãi chẳng có sản phẩm nào là điểm nhấn. Các mặt hàng nông sản miền núi làm ra thì nhỏ lẻ, đưa ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, không có bao bì, nhãn mác để định hình thương hiệu. Từ khi có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nông sản miền núi có hướng phát triển.

Đây được xem là một cuộc “trở mình” của nông sản miền núi Quảng Ngãi. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tính kết nối từng bước được khắc phục, thay vào đó là cách làm nông nghiệp kiểu mới quy mô, bài bản hơn. Giá trị từng loại hàng nông sản của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng tầm. Đơn cử như quế Trà Bồng, từ một cây trồng bản địa, đã mở rộng vùng trồng lên hơn 5.200ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 2.000 tấn vỏ quế.

Có 17 sản phẩm từ quế Trà Bồng đạt sản phẩm OCOP được thị trường trong và ngoài nước tin dùng, giúp nhiều hộ dân trồng quế ở Trà Bồng có thu nhập ổn định. Ngoài cây quế, nhiều nông sản khác ở miền núi sản xuất theo chuỗi giá trị, ngày càng khẳng định thương hiệu. Đến nay, có khoảng 30 sản phẩm OCOP ở miền núi Quảng Ngãi được công nhận.

Với cách làm nông nghiệp kiểu mới như đang triển khai đã minh chứng cho sự thành công về sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở miền núi, góp phần nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững cho người dân.

VÕ MINH HUY

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:38, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.