Đường tới thành công không trải hoa hồng

15:43, 12/03/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Năm 28 tuổi, chàng trai Lê Thanh Long, ở xóm 6, thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (TS). Đến năm 35 tuổi, anh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư (PGS).
 
HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC TRẺ
 
Chúng tôi rất vui và tự hào khi nghe tin TS Lê Thanh Long, một người con của quê hương Quảng Ngãi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2023 ở tuổi 35. Anh có hàng chục công trình nghiên cứu được giới nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
 
PGS.TS Lê Thanh Long- Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh) năm nay 36 tuổi. Anh là một trong những PGS trẻ của trường.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long trong Lễ vinh danh và bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2023 của Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Ở tuổi 35 tuổi, Tiến sĩ Lê Thanh Long vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu phó giáo sư. Ảnh: NVCC.

Năm 2023 là năm đặc biệt đối với anh, vì không chỉ được phong tặng danh hiệu PGS, mà còn được bình chọn là "Công dân trẻ tiêu biểu của TP.Hồ Chí Minh”. Trước đó, anh nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2022. Tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã có sự nghiệp, công danh rực rỡ. Đây là quả ngọt của cả một hành trình học tập và miệt mài nghiên cứu. Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học.

Anh Long tự hào khi kể về gia đình mình. Bố của anh là ông Lê Thanh Sơn, một người con của quê hương xã Tịnh Thọ, hiện đang sinh sống ở TP.Pleiku (Gia Lai). Lên Gia Lai lập nghiệp khi tuổi đời tròn đôi mươi, ông Sơn đã gặp người con gái Huế và nên duyên vợ chồng nơi đất khách quê người.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long hiện là Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo kiêm giảng viên Khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long hiện là Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo kiêm giảng viên Khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Bố mẹ anh Long sinh được 4 người con và sinh sống nơi đây đã hơn 40 năm. Vì gia đình đông anh em, nên từ nhỏ Long đã có ý thức và tinh thần tự học rất cao. Bố mẹ không có nhiều thời gian bên cạnh các con, chị em Long tự bảo ban nhau học tập, giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Long xuất sắc thi đỗ vào lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP.Pleiku).

Với niềm đam mê kỹ thuật, công nghệ, Long quyết tâm thi và đỗ vào ngành Cơ điện tử của Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. “Vì kinh tế gia đình khó khăn, sang năm thứ 2, tôi đành chuyển sang chương trình kỹ sư tài năng, ngành Kỹ thuật Cơ khí để có thêm học bổng và trợ cấp hằng tháng, giảm gánh nặng cho gia đình”, Long nhớ lại.
 
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, với thành tích huy chương Bạc của khóa, Long nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ khí ở Trường Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (NCU). Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 2016, Long làm nghiên cứu sau tiến sĩ cũng tại NCU để tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu.
 
Những tháng ngày học tập tại ngôi trường này, anh có 3 công bố quốc tế và nhận giải Nhất lĩnh vực Cơ khí tại Cuộc thi nhà nghiên cứu Khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan năm 2016.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC.
Anh Long trở về Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh để giảng dạy, vì muốn chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mà mình đã lĩnh hội được với thế hệ tương lai của đất nước.

Với những thành tích, năng lực học tập và nghiên cứu tốt, anh Long có nhiều cơ hội việc làm ở nước ngoài. Nhưng anh Long chọn trở về trường cũ, với cương vị là giảng viên Khoa Cơ khí để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học và cống hiến cho quê hương. Ngoài vai trò là một giảng viên, nhà nghiên cứu, tham gia công tác quản lý, anh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của đoàn để có nhiều đóng góp cho nhà trường và xã hội. Anh từng giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên Khoa Cơ khí.

 
KHI CÓ ĐAM MÊ, NHIỆT HUYẾT THÌ MỌI THỨ ĐỀU CÓ THỂ
 
Đang say sưa kể chuyện mình, Long đột ngột ngắt quãng nhắc về người thầy mà anh rất kính trọng, ngưỡng mộ. Đó là PGS.TS  Đặng Văn Nghìn, người thầy đầu tiên vun đắp đam mê nghiên cứu khoa học trong anh. Lần đầu tiên đối mặt với thử thách, tự tìm tòi, nghiên cứu, đôi khi cảm thấy nản, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình, động viên của thầy, anh đã vượt qua khó khăn, hứng thú và đam mê với việc nghiên cứu khoa học.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm nghiên cứu nghiệm thu thành công đề tài về “Phòng áp lực âm” trong năm 2023. Ảnh: NVCC
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm nghiên cứu nghiệm thu thành công đề tài về “Phòng áp lực âm” trong năm 2023. Ảnh: NVCC

Anh bảo rằng, con đường nghiên cứu khoa học của anh là một hành trình dài, đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ. Anh may mắn được học tập tại những ngôi trường có truyền thống lâu đời, được các giảng viên có chuyên môn giỏi truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học, giúp anh nuôi dưỡng khát vọng trở thành nhà khoa học.

Anh chọn trở về trường đã từng gắn bó, bởi ở đây không chỉ có môi trường tốt để anh thỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, giảng dạy, mà còn là ngôi nhà thứ hai của mình với nhiều kỷ niệm đẹp khi còn là sinh viên. Anh cũng muốn được chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mà mình đã lĩnh hội được với thế hệ tương lai của đất nước. 
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2022. Ảnh: NVCC.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2022. Ảnh: NVCC.

Trong thời gian làm nghiên cứu tại NCU, anh Long đã gặp gỡ và nên duyên với TS Vương Thị Hồng Nhi (32 tuổi), hiện đang là giảng viên Khoa Kỹ thuật Giao thông (Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh), cũng là bạn đồng hương, quê ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).

Đến nay, anh đã chủ nhiệm 5 đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu đạt yêu cầu, gồm: 1 đề tài cấp quốc gia, 1 đề tài cấp sở, 1 đề tài cấp đại học quốc gia và 2 đề tài cấp cơ sở. Anh cũng sở hữu 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; công bố 52 bài báo khoa học, trong đó có 36 bài trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và hội thảo quốc tế; 16 bài trên tạp chí khoa học và hội thảo trong nước; đồng tác giả 1 cuốn sách chuyên khảo được nhà xuất bản uy tín phát hành.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long (thứ 2 từ phải sang trái) dự Hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024 do Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng chủ trì. Ảnh: NVCC.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long (thứ 2 từ phải sang trái) dự Hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ dịp Xuân Giáp Thìn 2024 do Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng chủ trì. Ảnh: NVCC.

Anh Long cho biết, trong các dự án nghiên cứu, anh tâm đắc nhất là sản phẩm “Phòng áp lực âm”. Đây là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo module container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến”. Sản phẩm là một phần trong giải pháp tổng thể của nhóm nghiên cứu dùng để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Anh và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài này trong giai đoạn cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Sản phẩm đã mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng.
 
Hai hướng nghiên cứu chủ yếu của anh là nghiên cứu tính toán động lực học chất lưu; nghiên cứu thiết kế chế tạo và điều khiển các thiết bị cơ khí. Ngoài ra, anh còn đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của trường.
 
 
“Tôi luôn hướng những công trình, dự án của mình đến việc giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm ứng dụng thực tế để thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, trong đó có quê hương Quảng Ngãi”, PGS.TS Lê Thanh Long chia sẻ.
 
Anh nhắn nhủ đến các bạn trẻ, đường tới thành công không trải hoa hồng, mà đầy chông gai và thử thách. Dẫu vậy, chỉ cần nuôi dưỡng ước mơ và quyết tâm thực hiện thì một ngày nào đó các bạn sẽ thành công. Các bạn trẻ hãy nuôi dưỡng và duy trì tinh thần nhiệt huyết, đam mê không chỉ với nghiên cứu khoa học mà trong tất cả lĩnh vực các em yêu thích. Cần có trách nhiệm với lựa chọn của chính mình, tự đặt ra mục tiêu và tự tạo ra áp lực hoàn thành mục tiêu đó thì các bạn sẽ thành công. Khi có đam mê và nhiệt huyết thì mọi thứ đều có thể.
 
ÁI KIỀU
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
 

 
Xuất bản lúc: 15:43, 12/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.