(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn, do đó, phụ nữ được kỳ vọng trở thành lực lượng nòng cốt tham gia vào "ngành công nghiệp không khói", xây dựng Quảng Ngãi thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện.
Phụ nữ tại làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hướng dẫn học sinh tham quan hát bài chòi. |
Hiện nay, phụ nữ ở làng Gò Cỏ còn tham gia hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm, hát bài chòi, làm bánh, cùng khách đi thuyền, bắt cá, bắt còng, hái rau rừng để chế biến món ăn dân dã; hay giúp du khách trải nghiệm cuộc sống nông thôn như đan lá dừa, đan lưới... Những công việc bình dị ấy đã thu hút nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài. Để ngày càng chuyên nghiệp hơn, phụ nữ nơi đây cùng nhau học cách giao tiếp, học nói tiếng Anh để phục vụ khách nước ngoài, cùng nhau gìn giữ giá trị di sản văn hóa tốt đẹp ở địa phương.
Với khả năng nội trợ, nhiều phụ nữ đã làm các món ẩm thực đặc sản phục vụ du khách. Từ khi tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê để làm du lịch, cuộc sống của bà Đặng Thị Tấn, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), đã dần ổn định. Nhờ am tường nhiều món ăn và làm được các loại bánh truyền thống ở địa phương, bà Tấn tham gia chế biến các món đặc sản địa phương để bán; đồng thời hướng dẫn du khách trải nghiệm làm các loại bánh. “Trước đây, tôi làm bánh bán ở chợ rất vất vả nhưng thu nhập không nhiều, thì nay nhờ tham gia làm du lịch mà giá trị các sản phẩm được nâng lên”, bà Tấn bộc bạch.
Trong khi đó, bà Lê Thị Môn, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) lại chuyên về nghề làm bánh ít, bánh chưng, bánh bột lọc... Hằng ngày, công việc của bà Môn tại Làng du lịch cộng đồng Bình Thành là làm bánh, hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm công việc của chính mình. Từ một phụ nữ thôn quê ít nói, chỉ biết việc đồng áng, giờ đây bà Môn lại hoạt bát, vui vẻ nhờ tham gia làm du lịch. “Mỗi ngày, công việc đem lại cho tôi thu nhập từ 300 - 400 nghìn đồng. Không chỉ cuộc sống gia đình thay đổi, mà khi tham gia vào làng du lịch tôi hạnh phúc vì đã mang đến niềm vui cho mọi người”, bà Môn chia sẻ.
Phát triển du lịch là cơ hội tốt để tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, khi chính họ tham gia vào các ngành nghề, dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, du lịch còn mang đến nhiều cơ hội để phụ nữ nông thôn giao lưu, học hỏi, qua đó nâng cao hiểu biết, kiến thức, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: