Mỗi xã - một điểm đến hấp dẫn

13:54, 27/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát huy giá trị văn hóa vùng, miền để tích hợp trong từng sản phẩm, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Qua đó, hướng đến mục tiêu là mỗi xã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với người dân, du khách.

Tích hợp “đa giá trị”

Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương, thể hiện truyền thống, phong tục tập quán sinh hoạt của người dân. Quá trình tham quan, mua sắm, du khách luôn muốn được tìm hiểu về những điểm đặc biệt của sản phẩm, từ nguồn nguyên liệu, quá trình sản xuất và chế biến đến giá trị sử dụng, văn hóa tinh thần. Vì vậy, thời gian qua, các chủ thể kết hợp phát triển sản phẩm OCOP gắn với các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nông nghiệp nông thôn. Như Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) không chỉ “ghi điểm” với người tiêu dùng bởi những sản phẩm sản xuất và chế biến từ nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò... mà còn là địa chỉ tham quan du lịch, trải nghiệm hấp dẫn.

Hơn 10 năm xây dựng NTM với rất nhiều quyết sách thiết thực dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo ra những vùng quê tươi đẹp, trù phú cùng lớp nông dân năng động, hiện đại. Đây là tiền đề để các địa phương trong tỉnh khai thác, hình thành và phát triển các hoạt động du lịch, nhằm chuyển tải nét văn hóa đặc trưng vùng, miền qua từng sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa giải bài toán phát triển du lịch, vừa gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM, gia tăng thu nhập cho người dân”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương

Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương (TP.Quảng Ngãi) Hoàng Thị Thanh Nga cho biết, đến với Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận, các cháu học sinh hào hứng với những trải nghiệm mới lạ và thú vị cùng nhiều hoạt động bổ ích. Nhất là được tận mắt nhìn thấy và tự tay thực hiện các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và thưởng thức món ăn thơm ngon, độc đáo từ nấm. Đây là bài học trực quan sinh động, giúp trẻ rèn luyện và hình thành các kỹ năng sống, cũng như "gieo" vào lòng các cháu vẻ đẹp từ bàn tay lao động, cùng tình yêu thiên nhiên.

Du khách tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm được chế biến từ tỏi Lý Sơn.
Du khách tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm được chế biến từ tỏi Lý Sơn.

Tại huyện Lý Sơn, ngoài các điểm danh lam thắng cảnh, thì ruộng hành, tỏi cũng thu hút nhiều du khách. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, nhiều ruộng hành, tỏi được nông dân canh tác theo hướng nói không với thuốc trừ sâu, nên được các trường học, du khách đến tham quan, thích thú trải nghiệm nông nghiệp, từ cách thu hái, sơ chế củ cho đến chế biến, thưởng thức tạo nên nét hấp dẫn riêng cho du lịch địa phương. Vì vậy, thời gian đến, cùng với tuyên truyền người dân, chủ thể OCOP sản xuất theo hướng sạch - an toàn, huyện sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm làm mới không gian phát triển du lịch. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP và điểm đến du lịch của huyện Lý Sơn.

Theo đánh giá của TS.Chu Mạnh Trinh - Viện Công nghệ xanh Đà Nẵng, sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi đa dạng, phong phú và gắn với các làng nghề sản xuất truyền thống như đường phèn, đường phổi, mạch nha, gốm Mỹ Thiện, quế Trà Bồng... Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn cần có sự đầu tư đồng bộ cả về chất lượng, mẫu mã. Đồng thời, chú trọng thông tin giá trị của nguồn nguyên liệu tại địa phương, khía cạnh văn hóa của sản phẩm nhằm tạo điểm nhấn và nét khác biệt, cũng như định vị hình ảnh để thu hút du khách.

Điều này vừa khắc phục tình trạng trùng lặp, vừa gia tăng giá trị sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế, sinh kế cho người dân. Đơn cử như làng gốm Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) là một trong những địa chỉ tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm. Du khách đến đây, vừa có thể lựa chọn mua những sản phẩm ưng ý về sử dụng, vừa có cơ hội ngắm nhìn những sản phẩm gốm tinh xảo; đồng thời, được tìm hiểu về câu chuyện cũng như tình yêu của những người nghệ nhân đã dành cho nghề gốm có tuổi đời hàng trăm năm nay.

Đa dạng nhưng không trùng lặp

Thực tế, ngày càng nhiều địa phương trong tỉnh tận dụng thế mạnh nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm. Nếu như huyện Mộ Đức có “Lễ hội ngày mùa”, TX.Đức Phổ có “Làng di sản bên đầm An Khê”, thì huyện Nghĩa Hành tạo sức hút du lịch qua vườn cây ăn quả xanh mướt... Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch theo hướng đa dạng sản phẩm, nhưng không trùng lặp giữa các điểm đến là bài toán nan giải của mỗi địa phương cũng như toàn vùng.

Chương trình “Lễ hội ngày mùa” tại huyện Mộ Đức thu hút nhiều học sinh đến tham gia.
Chương trình “Lễ hội ngày mùa” tại huyện Mộ Đức thu hút nhiều học sinh đến tham gia.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đề xuất, Quảng Ngãi cần ban hành và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu, nhằm xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững. Các địa phương ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù gắn với xây dựng một số mô hình chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Cùng với đó là, tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa sinh động và chân thực, để du khách đến tham quan được chứng kiến, hòa mình vào những hoạt động lao động sản xuất một cách chân thực, sinh động nhất.

Ngoài ra, mỗi chủ thể của OCOP hay điểm đến cần chú trọng gìn giữ, phát huy và chuyển tải các giá trị văn hóa đặc trưng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM qua từng sản phẩm. Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, một trong những giải pháp nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ là chủ thể cần làm nổi bật các giá trị về văn hóa, nhân văn của sản phẩm, trước khi chuyển tải đến người tiêu dùng. Bởi nhu cầu của du khách hiện nay không chỉ dừng ở việc tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến, mà còn mua sắm các sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm. Vì vậy, cùng với lựa chọn các sản phẩm mang đậm nét văn hóa của quê hương núi Ấn, sông Trà đưa vào giới thiệu, phục vụ du khách, thì các chủ thể của sản phẩm OCOP cần có những dẫn giải, thuyết minh hoặc kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử liên quan đến sản phẩm.

Thời gian đến, Sở NN&PTNT cùng với Sở VH-TT&DL và các sở, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tích hợp “đa giá trị”- sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP với du lịch nhằm thu hút du khách. Qua đó, vừa góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn; vừa bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:54, 27/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.