(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch vùng phải xác định lợi thế, phát huy thế mạnh các địa phương, xem xét hình thành một số tiểu vùng dựa trên địa lý, tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, thách thức, khả năng tối ưu hóa kết nối giữa các tỉnh để liên thông, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát huy lợi thế, sản phẩm chiến lược, hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cả vùng. Quy hoạch vùng phải thể hiện tư duy mới về phát triển đồng bộ các loại hình hạ tầng giao thông, trung tâm năng lượng tái tạo để hình thành các KCN, đô thị.
Trước đó, tại Quảng Trị, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung”. Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất các giải pháp phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: T.L |
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (trong đó có Quảng Ngãi), chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố), với chiều dài đường bờ biển 1.800km. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có sự kết hợp đa dạng giữa các dạng địa hình như đồng bằng ven biển, dãy núi, rừng và bãi biển tạo nên một cảnh quan thiên nhiên đặc biệt.
Theo Bộ Xây dựng, vùng có 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, vùng có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V. Bên cạnh những tiềm năng, việc phát triển hệ thống đô thị trong vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức như: 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trọng tâm là nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn, là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững.
Để phát triển bền vững đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh, cần lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản; hay Nha Trang, Phan Thiết với đường bờ biển dài và đẹp cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...
Sự khác biệt của Quảng Ngãi nằm ở Lý Sơn - thành phố biển trong tương lai. Lý Sơn là đảo tiền tiêu của tỉnh với nhiều di tích văn hóa, lịch sử và là địa điểm du lịch nổi tiếng. Theo Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045, thì 1.000ha đảo nổi ở Lý Sơn cùng 500ha không gian phát triển mới và diện tích mặt nước sẽ thuộc KKT Dung Quất mở rộng. Trên đảo Lý Sơn cũng sẽ xây dựng sân bay. Lý Sơn phấn đấu trở thành một đô thị du lịch biển đảo năng động, hấp dẫn và đáng sống, với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại...
Có thể thấy, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sở hữu những đô thị với nhiều lợi thế khác nhau. Sự phân vai này chính là ưu điểm của hệ thống đô thị trong khu vực để bổ khuyết cho nhau. Qua đó, các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành các KKT, KCN, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giải quyết việc làm và tăng trưởng kinh tế cho mỗi địa phương.
UYÊN ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: