Xây dựng nông thôn mới: Chuyển từ lượng sang chất (kỳ cuối)

08:54, 19/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kỳ cuối: Nỗ lực vượt khóGiai đoạn 2016 - 2020, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tập trung vào nhóm tiêu chí xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất. Đến giai đoạn 2021 - 2025, các tiêu chí NTM yêu cầu cao hơn, sâu hơn, trong khi nguồn lực đầu tư có xu hướng giảm, khiến các xã, huyện đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao gặp nhiều khó khăn.

Gian nan giữ chuẩn và thực hiện tiêu chí mới

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộ Đức lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định đưa huyện về đích NTM vào năm 2023. Nhưng qua rà soát đánh giá các tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM các cấp, giai đoạn 2021 - 2025, hiện các xã đã về đích NTM chỉ đạt 17/19 tiêu chí, huyện cũng chỉ mới đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM (21/36 tiêu chí thành phần). Trong đó, các tiêu chí như tỷ lệ dân số ở xã NTM có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt từ 50% trở lên; người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa từ 40% trở lên... hiện vẫn chưa triển khai thực hiện.

Một góc xã nông thôn mới Đức Tân (Mộ Đức).                                                           Ảnh: VĂN MINH
Một góc xã nông thôn mới Đức Tân (Mộ Đức).                                                           Ảnh: VĂN MINH

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, không chỉ bổ sung nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần, mà Bộ tiêu chí NTM các cấp, giai đoạn 2021 - 2025 cũng yêu cầu cao hơn về mức độ và chất lượng, nên cần thời gian và nguồn lực đầu tư tương xứng mới đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, ngân sách trung ương và tỉnh chỉ đầu tư cho các xã NTM ở mức 900 triệu đồng/xã là quá thấp; việc phân bổ nguồn vốn chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiêu chí. Hiện ngân sách nhà nước phân bổ cho huyện 29,3/42 tỷ đồng, các xã xây dựng NTM nâng cao là 19,3/34,5 tỷ đồng, các xã NTM là 900 triệu đồng/2,6 tỷ đồng.

“Xây dựng NTM là chương trình lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân sinh sống ở các vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ là nhiệm vụ của các địa phương, mà còn là trách nhiệm và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở”.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN PHƯỚC HIỀN

Đối với kế hoạch đưa 22 xã về đích NTM trong giai đoạn 2023 - 2025 (năm 2023 có 7 xã và 31 thôn thuộc khu vực miền núi) cũng không kém phần gian nan, vì hầu hết các thôn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2025. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho biết, thu nhập của người dân các xã miền núi còn quá thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vừa thiếu vừa yếu, hầu hết các xã chỉ đạt từ 11 - 14 tiêu chí (trong đó có 5 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí)... nhưng nguồn lực đầu tư chỉ khoảng 3,3 tỷ đồng/xã (trong khi giai đoạn 2016 - 2020 là 25 tỷ đồng/xã). Như 2 xã Sơn Trung và Sơn Kỳ còn 6 - 7 tiêu chí chưa đạt, chủ yếu rơi vào nhóm cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng ngân sách chỉ mới phân bổ 1,9 tỷ đồng/xã...

Huyện Nghĩa Hành cũng gặp nhiều khó khăn khi phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Kết quả rà soát các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, thì bình quân chỉ đạt 7 tiêu chí/xã; 2 xã Hành Thịnh và Hành Tín Đông đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 9 xã còn lại chỉ đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Đối với bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao, huyện chỉ đạt 2/9 tiêu chí (15/38 chỉ tiêu thành phần) là điện và an ninh trật tự- hành chính công.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho rằng, Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu rất cao nên cần nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách hỗ trợ giảm, việc huy động từ cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Dự kiến năm 2023 huyện cần 26,9 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này huyện mới được phân bổ trên 14,6 tỷ đồng. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều tiêu chí huyện chưa đạt, hoặc đạt với tỷ lệ rất thấp, như: Trường THPT đạt chuẩn mức độ 2; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung từ 30% trở lên; người dân có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt từ 70% trở lên; người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa từ 40% trở lên; chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%; hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung từ 50% trở lên…

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2023, tổng nhu cầu vốn thực hiện là 728,6 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 132,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngân sách nhà nước chỉ mới bố trí gần 263,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công thực hiện chương trình xây dựng NTM và một số chương trình, dự án khác (đợt 1) theo Quyết định 1507/QĐ-UBND tỉnh ngày 27/12/2022 là gần 181,5 tỷ đồng; vốn Chương trình xây dựng NTM từ nguồn ngân sách trung ương (gần 31,7 tỷ đồng) và đối ứng ngân sách tỉnh (trên 50,5 tỷ đồng) theo Quyết định số 205/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chính quyền và người dân các xã đăng ký về đích NTM, NTM nâng cao năm 2023, cũng như giai đoạn 2021 - 2025 đang nêu cao quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân chia sẻ, cùng với việc lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huyện tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM theo hướng xã hội hóa. Nhất là đối với các tiêu chí liên quan đến bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông, hạ tầng dịch vụ - thương mại... Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi nhằm thu hút cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Huyện Nghĩa Hành cũng tập trung  huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm hoàn thiện hạ tầng NTM, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM. Song, để đảm bảo lộ trình và hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng huyện NTM nâng cao, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm kiến nghị, cần tăng mức hỗ trợ nguồn ngân sách nhà nước đối với các xã xây dựng NTM năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, vì mức 900 triệu đồng/xã là quá thấp. Cùng với đó, trung ương xem xét điều chỉnh một số tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao các cấp, giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đơn cử như tiêu chí huyện NTM nâng cao yêu cầu trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở mức cấp độ 2, trong khi huyện Nghĩa Hành đã giải thể đơn vị này từ năm 2020. Hay như tiêu chí xã NTM nâng cao yêu cầu tỷ lệ hình thức hỏa táng đạt từ 5% trở lên, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có nhà hỏa táng...

Đối với huyện Ba Tơ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Giang Nam cho biết, song song với việc lập danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên các công trình hạ tầng nông thôn, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng và chuyển giao các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Chủ động lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng ổn định, bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế, các địa phương cần chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, gắn với giải pháp thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhất là nhóm tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống người dân như: Thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường... Sở NN&PTNT cùng với các địa phương xây dựng, triển khai thực hiện các phương án sản xuất gắn với liên kết nhằm gia tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, gắn với thay đổi phương thức hỗ trợ hộ nghèo từ trực tiếp sang gián tiếp, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của từng trường hợp, đảm bảo thoát nghèo bền vững. 

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có 1 huyện Mộ Đức và 8 xã thuộc các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, Bình Sơn đạt chuẩn NTM; có 14 xã thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi đạt chuẩn NTM nâng cao; xây dựng 2 xã Bình Dương và Bình Trị (Bình Sơn) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 31 thôn thuộc các xã miền núi đạt chuẩn NTM.

 

MỸ HOA

 

 


Ý kiến bạn đọc


.