Cần siết chặt quản lý sử dụng đất

09:18, 15/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình vi phạm trong quản lý sử dụng đất, nhất là sử dụng đất sai mục đích diễn ra ngày càng phức tạp. Nguyên nhân một phần do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý, sử dụng đất.

Tại huyện Sơn Hà, việc người dân sử dụng đất sai mục đích đã làm phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, dự án. Điển hình là dự án Khu tái định cư Gò Rem, thôn Làng Rê, xã Sơn Giang và khu tái định cư Xà Riêng, xã Sơn Nham. Trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc loại đất trồng cây hằng năm, nhưng hầu hết người dân đều trồng keo (cây lâu năm) từ nhiều năm nay. Khi UBND huyện Sơn Hà xây dựng và ban hành các phương án bồi thường, GPMB, phục vụ xây dựng 2 khu tái định cư Gò Rem và Xà Riêng, một số hộ dân không đồng thuận vì cho rằng, “đất đang trồng keo, phải bồi thường theo mức giá cây lâu năm”.

Người dân sử dụng đất sai mục đích, dẫn đến không đồng thuận trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân khiến dự án Khu tái định cư Gò Rem, xã Sơn Giang (Sơn Hà) chậm tiến độ.            Ảnh: Thanh Phước
Người dân sử dụng đất sai mục đích, dẫn đến không đồng thuận trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân khiến dự án Khu tái định cư Gò Rem, xã Sơn Giang (Sơn Hà) chậm tiến độ.            Ảnh: Thanh Phước

Tương tự, ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), tình trạng người dân sử dụng đất sai mục đích cũng là nguyên nhân dẫn đến công tác bồi thường, GPMB dự án di dân, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư và tạo hành lang an toàn môi trường Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ chậm tiến độ. Theo đó, giấy chứng nhận QSDĐ ghi là đất ở, nhưng thực tế người dân làm cơ sở sản xuất, kinh doanh (dù không có giấy phép kinh doanh). Khi xây dựng và triển khai phương án bồi thường, GPMB, các ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động, giải thích, nhưng một số hộ dân không đồng thuận vì cho rằng “mức đền bù chưa tương xứng với tài sản trên đất”.

Xảy ra thực trạng trên, một phần nguyên nhân do công tác quản lý sử dụng đất của chính quyền cơ sở thiếu chặt chẽ. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho rằng, nhiều người dân có suy nghĩ "đất của tôi, tôi được toàn quyền sử dụng". Trong khi đó, chính quyền cơ sở chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; chưa xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về sử dụng đất, dẫn đến một số vụ việc diễn biến phức tạp và kéo dài.

Theo Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nguyễn Hoàng Trà Giang, việc xác minh nguyên nhân, tính hợp pháp của diện tích đất biến động tăng khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu hoặc cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, chứ không chỉ riêng của ngành TN&MT. Khi tiếp nhận hồ sơ, các đơn vị liên quan phải tiến hành đo đạc hiện trạng đất để đối chiếu diện tích chênh lệch trên giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp so với thực tế làm căn cứ để xác định lại ranh giới, mốc giới, nhằm tránh tình trạng tranh chấp, chồng lấn phần diện tích đất giữa các chủ sử dụng đất liền kề. Thực hiện quy trình này có sự phối hợp giữa cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, UBND cấp xã và người quản lý, sử dụng đất có liên quan...

THANH PHƯỚC

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.