Hậu cần nghề cá gặp khó

10:32, 12/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản tại xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chậm phát triển, do hạ tầng chưa được đầu tư bài bản. 
[links()]
 
Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, gần 100 chủ tàu chuyên đánh bắt ven bờ và vùng lộng ở xã Tịnh Hòa thường đưa tàu về neo đậu dọc sông Bài Ca ở gần cảng để bốc dỡ hải sản. “Đoạn sông thuận lợi cho việc bốc dỡ, vận chuyển hải sản chỉ khoảng 700m, nhưng có nhiều thời điểm mấy chục tàu cùng cập bờ. Không phải là bến cá, cảng cá, nên bờ sông không có khu vực cập cảng, trụ neo. Vậy nên, việc đưa hải sản từ tàu lên bờ gặp nhiều khó khăn”, ngư dân Võ Đình Tuân chia sẻ.
 
Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Không bán hải sản qua trung gian, nên hầu hết ngư dân của xã Tịnh Hòa đều ưu tiên đưa tàu về địa phương để thuận lợi cho việc vận chuyển hải sản đi tiêu thụ trực tiếp tại các chợ truyền thống trên địa bàn. Vì vậy, việc không có bến cá để bốc dỡ, phân loại hải sản khiến ngư dân gặp nhiều bất lợi trong sơ chế, tiêu thụ hải sản sau đánh bắt.
 
Không chỉ ngư dân gặp khó vì thiếu bến cá, cảng neo trú tàu thuyền quá tải, mà nhiều cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá tại xã Tịnh Hòa cũng chỉ phát triển “cầm chừng”, vì không đủ mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất. Chủ cơ sở đóng và sửa chữa tàu Nguyễn Văn Thống, ở thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa cho biết, để thuận tiện cho các tàu đến sửa chữa, tôi mở xưởng ngay đoạn sông có luồng lạch ra vào thông thoáng. Xưởng nằm cạnh Cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, lại gần các xã có đội tàu đánh bắt xa bờ đông đúc như Tịnh Kỳ, Bình Châu, nên luôn đông khách. Tuy nhiên, diện tích xưởng chỉ khoảng 3.000m2, nên rất khó mở rộng quy mô đóng, sửa chữa tàu. 
 
Tại thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, hoạt động tại triền đà đóng tàu gần 30 năm tuổi của ông Nguyễn Lịch cũng trầm lắng, do khó khăn về hạ tầng. “Triền đà nằm ở xóm Gò Tây, ngăn cách với Quốc lộ 24B bởi cả trăm hồ tôm. Bao nhiêu năm qua, vì không có đường giao thông nối từ quốc lộ vào triền đà, nên chúng tôi chỉ có thể vận chuyển nguyên, vật liệu phục vụ đóng, sửa tàu bằng đường sông, hoặc phải đi ké các bờ hồ tôm. Những bất tiện về giao thông, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại triền đà ngày càng khó khăn”, ông Nguyễn Lịch cho hay.
 
Theo thống kê của UBND xã Tịnh Hòa, toàn xã có 109 chiếc tàu, chủ yếu tập trung ở hai thôn Xuân An và Hòa Thuận, với tổng công suất gần 6.000 CV. Cùng với đó, trên địa bàn xã có 5 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền, với tổng quy mô từ 1.000 - 1.500 tàu/năm. “Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển, nhưng hiện tại, hệ thống hạ tầng hậu cần nghề cá trên địa bàn còn khá manh mún, một số cơ sở dịch vụ còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Vì vậy, cần phải quan tâm đầu tư cho hạ tầng, vừa tạo điều kiện cho hậu cần nghề cá phát triển, vừa thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa Nguyễn Duy Hiệp cho biết.
 
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá
 
Công ty TNHH MTV 19/5 đang triển khai Dự án cơ sở đóng tàu, dịch vụ hậu cần và định cư nghề cá Gò Tây, với quy mô 12,8ha trên địa bàn xã Tịnh Hòa. Dự án đã cơ bản hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây dựng kè chắn và đang bước vào giai đoạn đầu tư xây dựng khu vực hậu cần nghề cá như: Trạm xăng dầu, nhà sơ chế cá… Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Lâm, đây là dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nghề cá tại xã Tịnh Hòa cũng như tại các xã phía đông TP.Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 

.