Tạo động lực cho phát triển

08:01, 09/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng Quảng Ngãi luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ nên đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi trong năm 2021 tiếp tục có nhiều khởi sắc. 
 
Kinh tế tăng trưởng khá
 
Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 53,501 nghìn tỷ đồng, tăng 6,05% so với năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 120,553 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020, đạt 94,8% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) ước đạt 51,974 nghìn tỷ đồng, giảm 3,6% so với năm 2020, đạt 94,7% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,68 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2020, vượt 20% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,57 tỷ USD, tăng 53,4% so với năm 2020, vượt 46,9% kế hoạch năm. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra  và chỉ đạo giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp  La Hà (Tư Nghĩa).                  Ảnh: Phạm Danh
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra và chỉ đạo giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa). Ảnh: Phạm Danh

Nhìn chung, năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng, tác động nặng nề bởi thiên tai và dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 6,05%, đạt khá cao so với cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố trong khu vực nói riêng. Như Thừa Thiên Huế tăng 3,99%; TP.Đà Nẵng tăng trưởng âm 1,5%; Quảng Nam tăng 3,82%; Bình Định tăng 4,09%; Phú Yên tăng 0,03%; Khánh Hòa tăng trưởng âm 6,23%...

 

“Những kết quả đạt được trong năm 2021 thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã theo dõi sát tình hình, nên đã có các quyết định kịp thời trong từng thời điểm. Vì vậy, đến nay tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới".
 
Chủ tịch UBND tỉnh 
ĐẶNG VĂN MINH
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 22,366 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2020 và bằng 123,6% dự toán năm 2021, trong đó, thu nội địa ước đạt 13,525 nghìn tỷ đồng, bằng 103,6% dự toán; thu hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 8.800 tỷ đồng, bằng 176% dự toán. Chi ngân sách địa phương ước khoảng 12,985 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán giao; chi các chương trình mục tiêu từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu ước đạt 1.521 tỷ đồng, bằng 100% dự toán. Trong năm, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng  85,674 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,72 tỷ USD);  trong đó, có 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký gần 25 triệu USD. Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ước đến ngày 31/12/2021 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, Quảng Ngãi có 94 xã về đích nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã là 16,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
 
Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, giảm nghèo; quản lý nhà nước đối với lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội được thực hiện tốt. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, linh hoạt; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính được thực hiện mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng. An ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được duy trì ổn định.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là, có 8/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra; trong đó, có 5 chỉ tiêu về kinh tế, 2 chỉ tiêu về văn hóa, xã hội và 1 chỉ tiêu về môi trường. Kinh tế tuy tăng trưởng nhưng chưa đạt kế hoạch; sản xuất công nghiệp tuy duy trì được sự phát triển, nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm. Tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể còn nhiều; các hoạt động xúc tiến thương mại như kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến giao thương tại các thị trường trong nước chưa được thực hiện. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; tình hình hạn hán, dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra ở nhiều địa phương; thiên tai lũ lụt gây hư hỏng, sạt lở nhiều công trình, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
 
Những định hướng lớn trong năm 2022
 
Theo nhận định, năm 2022 phát triển kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, ngay từ đầu năm tỉnh phải triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, ngành; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhưng không trái với chủ trương, quy định của trung ương. Huy động toàn xã hội tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát huy, lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, sớm ổn định cuộc sống. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1 - 1,5%; trong đó, miền núi giảm từ 4 - 4,5%, đồng bằng giảm 0,4 - 0,6% (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025).
 
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, chú trọng việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
 
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở thực hiện hiệu quả định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt tập trung hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa, như: Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Hòa Phát 2, các đề xuất dự án đầu tư của Sun Group, T&T... Tập trung thu hút, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí, sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ, điện - điện tử; phát triển trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất, nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
 
Hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất ngày càng phát huy hiệu quả.  ẢNH: D.S
Hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất ngày càng phát huy hiệu quả. ẢNH: D.S
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Chú trọng ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị bền vững nhằm nâng cao giá trị hàng hóa. Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, khuyến khích phát triển thủy sản. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chủ động thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế có 99 xã đạt chuẩn).
 
Năm 2022, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin tưởng rằng Quảng Ngãi sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
 
Phấn đấu tăng trưởng cao
 
Năm 2022, Quảng Ngãi tiếp tục đặt mục tiêu cao về phát triển kinh tế - xã hội để nỗ lực thực hiện, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 - 6% (giai đoạn 2021 - 2025: là 7 - 8%/năm). GRDP bình quân đầu người khoảng 3.280 USD (đến năm 2025 khoảng: 4.200 - 4.400 USD). Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 64 - 65%; trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36 - 37% GRDP (đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 69 - 70%; trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40 - 41% GRDP). Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 29 - 31 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ít nhất 150 nghìn tỷ đồng, năm 2021 mới đạt 22,61 nghìn tỷ đồng).
 
THANH HẢI
 
 

.