Yêu cầu cấp thiết
Đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Xác định tầm quan trọng này, ngành giáo dục cùng các địa phương tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo từng bước đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) trong giờ học. |
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của GV các cấp học, trong đó có sự thay đổi đối với mầm non (nâng chuần từ trình độ trung cấp lên cao đẳng), tiểu học (từ trung cấp, cao đẳng lên đại học), THCS (từ cao đẳng lên đại học). Mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với GV các cấp học nêu trên là nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đó, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi đã tập trung nâng chuẩn trình độ GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS theo quy định.
Năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1116/QĐ-UBND về việc Phê duyệt tiêu chí xác định đối tượng, nguyên tắc chọn cử GV mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ. Theo đó, hằng năm, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV; đồng thời giao nhiệm vụ thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho GV mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh cho từng năm học.
Tiết học thực hành của cô và trò Trường THCS Minh Thạnh (Mộ Đức). |
Đến cuối năm 2023, có 425/856 GV hoàn thành chương trình đào tạo nâng trình độ chuẩn. “Nghị định 71 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của GV chia làm 2 giai đoạn. Song, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi xác định, quy định nâng chuẩn trình độ sư phạm để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 là chủ trương lớn và cần thiết. Vì vậy, Quảng Ngãi là một trong những địa phương đẩy mạnh xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt lộ trình nâng chuẩn, phấn đấu đến năm 2025 đào tạo xong, sớm hơn 5 năm so với lộ trình chung”, ông Nguyễn Ngọc Thái nhấn mạnh.
Tích cực tham gia
Để đảm bảo lộ trình nâng trình độ chuẩn của GV, các địa phương đã rà soát, cử GV tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS theo Nghị định 71. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương cho biết, việc tổ chức thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV bảo đảm phù hợp với thực trạng GV của từng trường, không để tình trạng thiếu GV giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, địa phương bảo đảm các chế độ, chính sách đối với GV theo quy định.
Ngành GD&ĐT Quảng Ngãi nhận thấy quy định nâng chuẩn trình độ sư phạm để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 là chủ trương lớn và cần thiết. Vì vậy, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi là một trong những địa phương đẩy mạnh xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt lộ trình nâng chuẩn, phấn đấu đến năm 2025 đào tạo xong, sớm hơn 5 năm so với lộ trình chung”. Giám đốc Sở GD&ĐT NGUYỄN NGỌC THÁI |
Theo thống kê đến tháng 7/2020, TP.Quảng Ngãi có trên 2.139 GV, trong đó có 327 GV chưa đạt trình độ chuẩn cần được đào tạo. Theo lộ trình, đến năm 2024, TP.Quảng Ngãi sẽ tiếp tục cử những GV chưa đạt chuẩn đi đào tạo, đảm bảo 100% GV đạt chuẩn và trên chuẩn vào năm 2025. Hiệu trưởng Trường Mầm non Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Sương cho hay, trường có 22 GV, trong đó, có 19 GV trên chuẩn, 3 GV đạt chuẩn. Giáo viên của trường nhận thức rõ việc tham gia bồi dưỡng để vượt chuẩn, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chương trình; đồng thời đảm bảo giáo dục của trường có chiều sâu, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Các cháu Trường Mầm non Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tham gia tiết học ngoài trời. |
Cô giáo Phan Thị Thiệt, dạy lớp Lá, Trường Mầm non Chánh Lộ là 1 trong 3 GV còn lại của trường đang tham gia khóa đào tạo nâng chuẩn trình độ. “Giáo viên mầm non luôn ý thức được mình là người đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách và có những kỹ năng vững chắc, tạo tiền đề bước vào lớp 1. Xác định điều này, tôi luôn có tinh thần cầu tiến trong việc học tập nâng cao trình độ, để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới. Vì vậy, mặc dù đã đảm bảo chuẩn trình độ đào tạo nhưng năm học 2021 - 2022, tôi vẫn đăng ký tham gia đào tạo nâng chuẩn”, cô giáo Thiệt chia sẻ.
Song song với việc triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV, ngành giáo dục triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy bảo đảm điều kiện nâng chuẩn đội ngũ các cấp học, đáp ứng yêu của của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: