Học sinh chuẩn bị vào lớp 1:  Không nên học trước chương trình

22:42, 08/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều bậc phụ huynh cho trẻ học trước chương trình lớp 1 vì sợ con không theo kịp các bạn. Thậm chí, nhiều gia đình cho trẻ rời lớp học ở trường mầm non để ra ngoài học chữ. 

Sợ con không theo kịp

Nhiều bậc cha mẹ sợ con không theo kịp các bạn nên khi con ở độ tuổi lớp lá đã cho học trước chương trình lớp 1. Ngay từ đầu học kỳ II năm học 2021 - 2022, chị Trần Thị Bông Sen, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) đã cho con gái út 4 tuổi theo học chữ. “Trường mầm non chỉ dạy hát, múa và các hoạt động vui chơi khác nên tôi chuyển con ra ngoài học để được làm quen với chữ cái, ghép chữ, học đánh vần. Cháu còn được làm quen với Toán học trong phạm vi từ 1 đến 10”, chị Sen chia sẻ.

Thông qua trò chơi, giúp trẻ phát triển năng lực toàn diện. 
Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Thông qua trò chơi, giúp trẻ phát triển năng lực toàn diện.  Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Chị Sen cho biết, con trai lớn của tôi vừa hoàn thành chương trình lớp 1. Trước đây, tôi không cho con học trước chương trình. Sau một học kỳ, cháu nằm trong tốp cuối của lớp. Bởi vì, phần lớn các bạn trong lớp đều học trước chương trình lớp 1. May là tôi kịp thời phát hiện và hướng dẫn nên con trai vươn lên đạt thành tích hoàn thành xuất sắc trong năm học 2022 - 2023.

Thạc sĩ tâm lý học Trần Thị Kim Huệ, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, việc cho con học trước chương trình lớp 1 xuất phát từ tâm lý sợ con thua sút bạn bè  của phụ huynh. Tuy nhiên, xét ở  nhiều góc độ, việc cho con học trước chương trình là chưa thật sự cần thiết, có thể có tác dụng ngược. Có nhiều cháu không học trước chương trình lớp 1 vẫn học rất tốt, mạnh dạn, tự tin. 

Hệ lụy từ việc học sớm

Hiệu trưởng Trường Mầm non Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Sương cho rằng, chương trình giáo dục ở các trường mầm non là rất cần thiết cho sự hình thành nền nếp và kiến thức để cho các cháu chuẩn bị bước vào lớp 1. Ở lớp mẫu giáo lớn, trong mỗi tuần, các cháu có một số tiết học làm quen với bảng chữ cái và các con số từ 1 đến 10, cách thức cầm bút và ngồi học đúng quy cách, ý thức giữ gìn vệ sinh...

Giáo viên Trường Mầm non Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tổ chức cho trẻ lớp lá làm quen với chữ cái.     Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Giáo viên Trường Mầm non Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tổ chức cho trẻ lớp lá làm quen với chữ cái.     Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Việc chạy đua cho con học trước chương trình lớp 1 là không nên, vì khi trẻ em học trước và biết trước so với nhiều bạn, khi vào học chính thức sẽ dẫn đến bệnh chủ quan và lười học.

Chương trình giáo dục được xây dựng có tính hệ thống. Mỗi độ tuổi được giáo dục theo một chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với sự phát triển của trẻ. Với trẻ mẫu giáo, cần tập trung vào các mục tiêu phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Xét dưới góc độ sinh lý, trẻ chưa đủ chín muồi về sự phát triển các hệ thần kinh, hệ xương... để có thể tập trung tư duy, cầm bút vững, ngồi ngay ngắn trong thời gian dài. Ở góc độ tâm lý, hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo vẫn là vui chơi, trẻ chưa có tâm thế sẵn sàng cho việc học. Vì vậy, việc cho con học trước chương trình lớp 1 sẽ đem đến hệ lụy đối với trẻ. Trẻ mệt mỏi, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Đồng thời, ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ sau này như giảm sự tập trung, gây mất hứng thú, động cơ học tập, khiến trẻ sợ học, chán học. Từ đó, ảnh hưởng đến hình thành thói quen, sự tự giác, kỹ năng tự học ở trẻ sau này.

Đẩy mạnh truyền thông

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Khâm (Ba Tơ) Trần Thị Hằng cho hay, năm nay, trường có 44 học sinh (HS) vào lớp 1, trong đó chỉ có 1 em người Kinh. Trường không dạy học trong hè và không dạy trước chương trình lớp 1. Ở trường mầm non, các cháu học nhận biết bảng chữ cái, tập tô chữ và thông qua các hoạt động trong ngày, lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ.  

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) Đặng Thị Thanh Diệu cho biết, Thông tư 27 về đánh giá HS tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành quy định không chỉ đánh giá quá trình học tập mà còn đánh giá sự hình thành, phát triển năng lực của trẻ. Giáo viên sẽ dạy học dựa trên sự phát triển năng lực, tiếp thu của mỗi trẻ. Đối với những trẻ tiếp thu chậm, giáo viên sẽ phối hợp với gia đình để giúp trẻ hoàn thành theo mức độ của mỗi trẻ.

Những năm qua, các trường đã đẩy mạnh tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh về hệ lụy khi cho con học trước chương trình lớp 1. Nhờ vậy, tình trạng cho con học trước chương trình lớp 1 đã giảm hẳn. Hiệu trưởng Trường Mầm non Chánh Lộ Nguyễn Thị Sương cho biết, những năm trước, sau khi kết thúc học kỳ I, nhiều phụ huynh cho con ra ngoài học trước chương trình lớp 1. Trong 2 năm học vừa qua, nhà trường đã giữ vững sĩ số HS. Để có được kết quả là nhờ vào sự nỗ lực từ nhiều phía. Nhà trường đã đổi mới và tổ chức nhiều hình thức dạy học sinh. Đồng thời, tuyên truyền trong các buổi họp phụ huynh và thông qua trang mạng xã hội để phụ huynh nâng cao hiểu biết, tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi.

Cô giáo Phan Thị Thiệt (Trường Mầm non Chánh Lộ) được phân công dạy trẻ 5 - 6 tuổi trong nhiều năm liền chia sẻ, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp phụ huynh biết tầm quan trọng của chương trình giáo dục mầm non. Thực hiện tốt những hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện. Giáo viên chủ nhiệm cần tích cực tham gia tuyên truyền, để phụ huynh an tâm không cho con học trước chương trình lớp 1.

Chuẩn bị tốt tâm thế cho con vào lớp 1  

Theo Thạc sĩ tâm lý học Trần Thị Kim Huệ, học là quá trình khám phá cái mới. Nhờ thế, học sinh cảm nhận được niềm vui, yêu thích việc học. Do đó, phụ huynh không nên cho con học trước chương trình mà chỉ nên chuẩn bị tâm thế, kỹ năng để con vào lớp 1. Trong đó, bồi dưỡng cho con cảm xúc tích cực với việc học, sự háo hức, chờ đón những điều mới mẻ, hấp dẫn ở trường tiểu học; đồng thời giúp con làm quen với môi trường mới, hoạt động mới ở trường tiểu học bằng cách trò chuyện, kể những câu chuyện truyền cảm hứng về học sinh tiểu học, thầy cô, bạn bè...

Cùng với đó, rèn cho trẻ sự tập trung chú ý, sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, ứng xử; biết cách tự chuẩn bị, sắp xếp, sử dụng đồ dùng học tập; kỹ năng tự chăm sóc, tự phục vụ; kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh...

 DUY KHANG

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:




 


Ý kiến bạn đọc


.