Gương sáng thoát nghèo ở Gò Lã

15:16, 12/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chăm chỉ làm ăn, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp, vợ chồng chị Đinh Thị Trinh và anh Đinh Văn Cốt, ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung (Sơn Tây) đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Người dân thôn Gò Lã vẫn thường trầm trồ kể cho nhau nghe về cặp vợ chồng chịu thương, chịu khó của làng là chị Đinh Thị Trinh (33 tuổi) và anh Đinh Văn Cốt (36 tuổi). Cưới nhau 12 năm, từ việc phải chạy ăn từng bữa, cặp vợ chồng người đồng bào Ca Dong này đã nỗ lực vươn lên, chiến thắng cái nghèo.

Về chung một nhà vào năm 2011 và lần lượt chào đón 2 đứa con ra đời, khi vợ ở nhà chăm con nhỏ, mọi gánh nặng tài chính trong gia đình đổ dồn lên đôi vai của anh Cốt. Bôn ba khắp nơi để làm rẫy thuê, nhưng tiền công được trả khoảng hơn 200 nghìn đồng mỗi ngày chỉ đủ để vợ chồng trang trải, chi tiêu hằng ngày. Không có tiền tích lũy, nên nhiều lúc con đau ốm, vợ chồng anh Cốt phải vay mượn tiền của cha mẹ, hàng xóm láng giềng mới có tiền thuốc thang cho con.

Chị Đinh Thị Trinh, ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung (Sơn Tây) chăm sóc đàn bò lai của gia đình.  Ảnh: Ý THU
Chị Đinh Thị Trinh, ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung (Sơn Tây) chăm sóc đàn bò lai của gia đình.  Ảnh: Ý THU

Không đành lòng sống chung mãi với cái nghèo, khi con dần cứng cáp, chị Trinh gửi con cho cha mẹ, rồi cùng chồng đi làm rẫy thuê, tích cóp tiền mua cau giống về trồng trên phần rẫy rộng 2ha mà anh chị được cha mẹ cho làm vốn thuở mới cưới nhau. Rồi cứ thế, từ tiền bán cau, anh chị đầu tư làm chuồng trại, mua trâu về nuôi để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thấy vợ chồng anh chị chí thú làm ăn, địa phương đã xét chọn và hỗ trợ thêm bò để anh chị đa dạng thêm mô hình kinh tế.

“Từ năm 2019, nhiều năm cau có giá nên thu nhập của gia đình tôi khấm khá hơn trước. Nhưng vợ chồng tôi không bao giờ lấy tiền đó để sắm sửa những thứ không cần thiết như điện thoại xịn và xe máy đắt tiền. Vợ chồng tôi bàn bạc với nhau, cứ lo làm ăn, tích lũy để lo cho con cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi để dành tiền xây nhà, rồi mua trâu, mua đất để trồng thêm cau. Thu nhập của gia đình hiện đã ổn định, với hơn 100 triệu đồng mỗi năm”, anh Cốt vui vẻ sẻ chia.

Cách đây 3 năm, chị Trinh được nhận vào làm cấp dưỡng ở Trường Tiểu học và THCS Sơn Long (Sơn Tây). Từ đó, chị có nguồn thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Song, không vì thế mà chị an phận, hài lòng với mức lương đó của mình. Vào những tháng hè, khi không làm công việc cấp dưỡng, chị cùng chồng rủ thêm một số bạn bè cùng xã lập nên nhóm hộ chuyên khai thác keo thuê, rồi bôn ba khắp nơi để kiếm việc làm. Thu hoạch được 1 tấn keo, nhóm hộ mà anh chị khởi xướng được chủ rẫy trả tiền công 220 nghìn đồng. Cứ thế, dù kinh tế đã khấm khá, nhưng cặp vợ chồng người Ca Dong này vẫn ngày ngày cần mẫn làm việc từ lúc trời chưa ló dạng, cho đến khi tối mịt. Có đợt, khi nhận khai thác keo thuê ở vùng đồi núi có địa hình hiểm trở, vợ chồng anh chị phải làm lán trại, chịu khó ăn, ngủ, làm việc tại chỗ trên rẫy để tiết kiệm thời gian, công sức đi lại.

“Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn” đang được cặp vợ chồng người Ca Dong này cùng nhau dãi dầu mưa nắng, để làm lụng, tích cóp cho cuộc sống ngày một sung túc, đủ đầy.

Ý THU - THÙY DUYÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:16, 12/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.