Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

14:55, 22/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sơn Tây là một trong các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG). Với nguồn lực lớn từ chương trình, phát huy nội lực sẵn có, huyện Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều dự án, công trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Khai thác thế mạnh cây dược liệu 

Huyện Sơn Tây có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với việc trồng cây dược liệu. Trên địa bàn huyện có nhiều loại dược liệu bản địa quý như cây bảy lá một hoa (sâm bảy lá), tam thất bắc, địa liền... Những năm gần đây, ngoài việc phát huy hiệu quả của cây dược liệu bản địa, nhiều hộ dân ở huyện Sơn Tây đã đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu khác như nghệ, gừng gió, tam thất nam, sâm đương quy... tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Tinh, Sơn Long, Sơn Liên (Sơn Tây).

Sản phẩm dược liệu gồm sâm cau, chuối rừng... được các hợp tác xã ở huyện Sơn Tây đăng ký nhãn hiệu và chính thức có mặt trên thị trường.                    Ảnh: Ý THU
Sản phẩm dược liệu gồm sâm cau, chuối rừng... được các hợp tác xã ở huyện Sơn Tây đăng ký nhãn hiệu và chính thức có mặt trên thị trường.                    Ảnh: Ý THU

Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh Trần Quý cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ trồng cây dược liệu rất hiệu quả. Cùng một diện tích đất, nhưng việc trồng cây dược liệu cho thu nhập cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác. Vì vậy, việc phát triển mô hình trồng cây dược liệu, về lâu dài sẽ giúp người dân nơi đây có được thu nhập ổn định, phát triển kinh tế. 

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, huyện Sơn Tây được giao vốn gần 109 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư hơn 62 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 46 tỷ đồng.  

Tháng 4/2023, xã Sơn Tinh đã ra mắt Hợp tác xã sinh thái dược liệu Khe Xai Sơn Tinh, tại thôn Xà Ruông, với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do 43 thành viên tham gia góp vốn, trong đó phần lớn là đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn. Hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh tập trung vào các ngành nghề liên quan đến cây dược liệu, hương liệu, chăn nuôi trâu, bò...

“Ưu thế của một số cây dược liệu là có thể phát triển dưới tán rừng, trồng xen lẫn với các loại cây bản địa. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với doanh nghiệp triển khai, hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Đây cũng là một trong những định hướng của huyện trong thực hiện dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm cho biết.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

Cùng với đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, huyện Sơn Tây đang tập trung triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của đồng bào DTTS trên địa bàn 9 xã của huyện, với tổng vốn gần 111 tỷ đồng.

Khối nhà ở cho học sinh bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Long (Sơn Tây) đang được thi công.                                    Ảnh: X.HIẾU
Khối nhà ở cho học sinh bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Long (Sơn Tây) đang được thi công.                                    Ảnh: X.HIẾU

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Long Nguyễn Thị Minh Hoa cho biết, hiện trường có gần 650 học sinh học bán trú, tuy nhiên số phòng ở chưa đáp ứng được nhu cầu, phải ở ghép 2  -  3 em/giường. Vừa qua, từ nguồn vốn Chương trình MTQG, trường đã được đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng để xây dựng 6 phòng ở cho học sinh bán trú, phòng công vụ giáo viên và phòng quản lý học sinh bán trú, công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. “Nhà trường rất mừng vì được ưu tiên đầu tư các hạng mục còn thiếu. Công trình hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho học sinh trong sinh hoạt và học tập tại trường”, cô Hoa nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm, UBND huyện đang tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng các dự án, công trình mà người dân có nhu cầu cấp thiết, nhằm tạo động lực phát triển, nâng cao đời sống người dân. Thời gian đến, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, tiểu dự án. Phát huy tinh thần dân chủ trong việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

X.HIẾU - Ý THU

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


.