Phát triển xã hội số

07:53, 28/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển xã hội số, mà trọng tâm là nâng cao nhận thức số, kỹ năng số, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động trên môi trường số.

    

Cán bộ Bộ phận một cửa huyện Bình Sơn hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.    
Cán bộ Bộ phận một cửa huyện Bình Sơn hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.    
                   
Lan tỏa đến từng người dân

Năm học 2023 - 2024, khi đăng ký cho con vào học lớp 1 tại Trường Tiểu học thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), thay vì phải đến trường để nộp hồ sơ trực tiếp, chị Nguyễn Thị Thuyên, ở thị trấn Ba Tơ thực hiện thủ tục này bằng hình thức trực tuyến. Sau khi truy cập vào địa chỉ https://quangngai.tsdc.edu.vn, chỉ mất 15 phút chị Thuyên đã đăng ký đầy đủ thông tin của con và nộp giấy tờ kèm theo, gồm hình ảnh giấy khai sinh, giấy mời nhập học lớp 1 do UBND thị trấn Ba Tơ cấp...

Người dân thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) gặp khó trong việc  tiếp cận các dịch vụ số, do ở khu vực lõm sóng thông tin di động.  
Người dân thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) gặp khó trong việc  tiếp cận các dịch vụ số, do ở khu vực lõm sóng thông tin di động.  

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam, năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn áp dụng đăng ký tuyển sinh trực tuyến đầu cấp. Để giúp phụ huynh đăng ký trực tuyến, hạn chế tối đa sai sót, Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với Viettel Quảng Ngãi thực hiện video hướng dẫn phụ huynh cách đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Các trường cũng bố trí nhân lực, trực tiếp hướng dẫn cho các phụ huynh. Qua đó, việc đăng ký nhập học trực tuyến đầu cấp được triển khai ở 100% trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn, từng bước giúp phụ huynh tiếp cận với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục; tiết kiệm thời gian, công sức đi lại.

Theo Bộ TT&TT, xã hội số là việc đưa công nghệ số, áp dụng những giải pháp số vào cuộc sống hằng ngày. Xã hội số phát triển khi công dân có kỹ năng số cơ bản, có tài khoản số để có thể thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch số, được định danh và xác thực thông tin dữ liệu cá nhân và các quyền riêng tư ở môi trường số. Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi người dân có danh tính số kèm theo mã QR. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 

Tại TP.Quảng Ngãi, nhằm tăng cường sự tham gia của người dân cùng cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch vụ công ích đô thị, UBND TP.Quảng Ngãi đã thành lập nhóm Zalo tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực này, qua đó thu hút đông đảo người dân tham gia. Đến nay, sau hơn 8 tháng thành lập và đi vào hoạt động, nhóm Zalo này đã tiếp nhận gần 200 ý kiến, kiến nghị của công dân về môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước đô thị...

“Lợi ích khi tham gia nhóm Zalo phản ánh môi trường, điện chiếu sáng của thành phố là tôi có thể gửi thông tin, hình ảnh đến chính quyền rất nhanh chóng, kịp thời. Cùng với đó, tôi còn có thể gửi định vị của từng hố ga mất nắp, dây cáp viễn thông võng xuống đường... để chính quyền địa phương biết chính xác vị trí và nhanh chóng xử lý. Việc lập nên nhóm Zalo này của UBND TP.Quảng Ngãi đã giúp người dân chúng tôi hiểu và gần với chính quyền địa phương hơn”, anh Tô Hiếu, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), bày tỏ.

Để xã hội số phát triển mạnh mẽ

Để thúc đẩy xã hội số, mà trọng tâm là hình thành công dân số, thời gian qua, Quảng Ngãi đã tăng cường các giải pháp nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, góp phần khuyến khích sự tham gia của người dân vào công cuộc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, tỷ lệ tổ chức, công dân sử dụng tài khoản đăng ký trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID để thực hiện các dịch vụ công (DVC) trực tuyến có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nộp thuế bằng phương thức nộp thuế điện tử đạt 93,61% đối với doanh nghiệp, 99,93% đối với chi nhánh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 34,42% đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế điện tử qua ngân hàng. 

Bí thư Đoàn phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) Lê Thanh Phong hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Bí thư Đoàn phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) Lê Thanh Phong hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử.

Số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 84%. Hiện nay, 100% đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí và các giao dịch khác. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đạt trên 50%...

Tuy đã có nhiều chuyển biến, nhưng việc phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ người dân có thiết bị số khai thác DVC trực tuyến và các ứng dụng trên môi trường số còn thấp. Kỹ năng sử dụng thiết bị và việc nắm bắt thông tin, kiến thức của người dân về các DVC trực tuyến còn hạn chế, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 9 thôn, xóm "lõm" sóng điện thoại di động, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận các ứng dụng, dịch vụ số của người dân.

“Đối với tỷ lệ người dân có thiết bị số khai thác DVC trực tuyến và các ứng dụng trên môi trường số còn thấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong hướng dẫn, hỗ trợ người dân về kỹ năng số. Bởi, thủ tục của nhiều DVC trực tuyến khá phức tạp, khiến người dân khó tiếp cận và nản lòng khi thực hiện. Cùng với đó, phải đảm bảo hạ tầng số để người dân thực hiện các thủ tục DVC trực tuyến nhanh gọn. Có như vậy, DVC trực tuyến mới thu hút người dân”, Giám đốc Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Nguyễn Thanh Hoài cho biết.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường, trong các nhiệm vụ về chuyển đổi số từ nay đến cuối năm 2023, công tác bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, phổ cập kỹ năng số cho người dân trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, việc triển khai các ứng dụng, tiện ích thiết thực phục vụ mọi hoạt động của người dân sẽ được đẩy mạnh. Đây đều là những nỗ lực để chuyển đổi số lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong xã hội, góp phần phát triển mạnh mẽ xã hội số.

“Việc nâng cao nhận thức số, kỹ năng số cho người dân trong thời gian qua có vai trò rất lớn của tổ công nghệ số cộng đồng. Hơn 7.500 thành viên của 1.411 tổ công nghệ số cộng đồng đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người dân về chuyển đổi số, hỗ trợ người dân sử dụng DVC trực tuyến, các nền tảng số, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy, để phát triển xã hội số, cần duy trì, phát triển mạnh mẽ các tổ công nghệ số cộng đồng”, ông Trường nhấn mạnh.

Vào tốp 15 tỉnh, thành phố của cả nước
Theo công bố của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia vào tháng 6/2023, Quảng Ngãi đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xã hội số năm 2022. Trong đó, chỉ số nhận thức số, Quảng Ngãi là 1 trong 9 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; về chỉ số thể chế số, Quảng Ngãi là 1 trong 14 địa phương dẫn đầu cả nước. Đối với chỉ số như nhân lực số, hoạt động xã hội số... Quảng Ngãi có điểm số cao ở các tiêu chí như tổ công nghệ số cộng đồng đến mức xã, mức thôn, xóm; có nghị quyết chuyên đề hoặc văn bản tương đương của cấp ủy về chuyển đổi số của tỉnh.

 

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


 

Xuất bản lúc: 07:53, 28/07/2023
TỪ KHÓA: Quảng Ngãi

Ý kiến bạn đọc


.