Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí 

14:47, 16/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Người từng nhắc nhở: Cán bộ là đầy tớ của dân, không được phung phí tiền bạc, công sức của dân, của nước, phải gương mẫu thực hành tiết kiệm và vận động, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tăng gia sản xuất, thi đua tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.

Khắc ghi lời dạy của Bác 

Bằng những lời lẽ dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: Tiết kiệm là để tích lũy vốn, đầu tư­ cho sản xuất, làm cho sản xuất phát triển, trên cơ sở đó cải thiện dần đời sống nhân dân. Ngư­ời nói: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền bằng cái trống” gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”.

Phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy (Trà Bồng) góp gạo ủng hộ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm làm theo lời Bác để giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: HIỀN THU
Phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy (Trà Bồng) góp gạo ủng hộ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm làm theo lời Bác" để giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: HIỀN THU

Người quan niệm, tiết kiệm là công việc của mọi ng­ười, ai ai cũng cần tiết kiệm, cơ quan, đơn vị cũng có thể tiết kiệm được. Không chỉ công nhân, nông dân cần thực hành tiết kiệm mà cả chiến sĩ, các đơn vị bộ đội không phải là cơ quan sản xuất cũng vẫn có thể tiết kiệm đ­ược, các chiến sĩ cũng cần tiết kiệm và cũng có thể tiết kiệm... 

Đi đôi với tiết kiệm phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Lãng phí có nhiều cách, lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách và tổ chức, sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người...; lãng phí thì giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày, một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày. Lãng phí của công có rất nhiều hình thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một loạt thí dụ như dùng vật liệu, nguyên liệu một cách phí phạm; không sử dụng hết công suất máy móc; vung phí xăng dầu, để thóc trong kho ẩm ướt, hao hụt; ngân hàng sử dụng tiền bạc không lợi cho việc tăng gia sản xuất; nhân dân làm đám cưới, đám ma tốn kém...

Theo Bác, "Tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị mình”, “Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp”, “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của ta, phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Tham nhũng còn gây ra tác hại làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với bộ máy và công chức, viên chức nhà nước, triệt tiêu động lực cơ bản nhất của sự phát triển.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người

Đảng ta nhận định, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Trước yêu cầu xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Do vậy, cần vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí là vấn đề có ý nghĩa trọng yếu hiện nay. Để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình mới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Hai là, lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo nguồn sức mạnh nội lực của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nêu gương về đạo đức, lối sống, “nói ít, làm nhiều”, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Ba là, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên tự phê bình và phê bình, coi đây là vũ khí sắc bén, là vấn đề cấp bách, nhiệm vụ lâu dài, trực tiếp nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo chặt chẽ, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không để các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, gây rối, làm mất trật tự và an ninh xã hội.

Bốn là, biểu dương và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng, nhân rộng những gương tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu đơn vị theo phương châm trên trước, dưới sau. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác, học và làm theo Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên. 

Sáu là, kiện toàn bộ máy, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục củng cố bộ máy theo hướng vừa tinh gọn, vừa đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng phòng, chống tham nhũng. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, có ý thức trách nhiệm, phẩm chất liêm chính; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải có trọng tâm, trọng điểm; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng...

Tám là, xây dựng cơ chế chống tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai. Xây dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập giúp cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác. Thực hiện khen thưởng, kỷ luật công khai, dân chủ, minh bạch nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực.

Chín là, phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Xây dựng cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò của nhân dân giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Mọi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo trật tự, kỷ cương, thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển, nêu cao khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

THANH HOÀNG


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.