Gương sáng đảng viên - Kỳ cuối: Ươm những mầm xanh

16:05, 03/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn miền núi của tỉnh đã không ngừng nỗ lực, cống hiến để ươm những mầm xanh tri thức cho quê hương, đất nước... 

 

Thầy giáo đầu tiên của làng Trà Niu
 
Chúng tôi men theo con đường vắt ngang sườn núi, tìm về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà để gặp thầy giáo Hồ Xuân Bằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Đồng bào Cor nơi đây nghe hỏi thăm về thầy giáo Bằng, ai cũng phấn khởi, bởi lẽ thầy giáo trẻ này là niềm tự hào của dân làng. Thầy Bằng năm nay 39 tuổi, người dân tộc Cor, là thầy giáo đầu tiên của làng Trà Niu, xã Trà Phong (Trà Bồng).  
 

Thầy giáo Hồ Xuân Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà (Trà Bồng) là thầy giáo đầu tiên của làng Trà Niu, xã Trà Phong, nơi anh sinh ra. ẢNH: ÁI KIỀU
Thầy giáo Hồ Xuân Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà (Trà Bồng) là thầy giáo đầu tiên của làng Trà Niu, xã Trà Phong, nơi anh sinh ra. ẢNH: ÁI KIỀU

Thầy giáo Hồ Xuân Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà (Trà Bồng) là thầy giáo đầu tiên của làng Trà Niu, xã Trà Phong, nơi anh sinh ra. ẢNH: ÁI KIỀUTiếp chúng tôi sau giờ lên lớp, nhìn học sinh (HS) đang vui đùa trong sân trường với ánh mắt trìu mến, thầy Bằng hồi tưởng về tuổi thơ cơ cực nơi vùng cao đầy gian khó. Hơn 30 năm trước, nơi đây nhìn đâu cũng thấy núi rừng. Cuộc sống người dân bao đời khó khăn, khổ nhất là nhiều hủ tục vẫn trong đời sống do nhận thức còn hạn chế. Gia đình Bằng có 8 người con, cuộc sống hết sức cơ cực. Khát khao thay đổi cuộc sống, học hết bậc tiểu học, Bằng xuống trung tâm huyện học tại Trường Dân tộc nội trú Trà Bồng. Trường cách nhà hơn 40km đường rừng, Bằng phải đi bộ từ 4 giờ sáng đến 7 giờ tối mới tới trường. Mỗi năm, Bằng chỉ về nhà vào dịp Tết và nghỉ hè.
 
Tốt nghiệp THCS, Bằng lại khăn gói xuống phố học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Khát khao con chữ đã tiếp cho Bằng nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thực hiện ước mơ đến trường. Lúc bấy giờ, chuyện Bằng đạt giải Ba HS giỏi cấp tỉnh là kỳ tích với HS miền núi. Bằng mơ ước trở thành thầy giáo để ươm mầm xanh tri thức nơi vùng cao, nên anh theo học ngành sư phạm Địa lý tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường Đại học Phạm Văn Đồng). Sau khi tốt nghiệp, Bằng được phân công về dạy tại Trường Tiểu học và THCS số 2 Trà Phong. Anh là thầy giáo đầu tiên của làng Trà Niu. Rồi thầy giáo Bằng tiếp tục học liên thông lên đại học. Năm 2009 thầy Bằng vinh dự được kết nạp vào Đảng và ở tuổi 28, thầy Bằng đã được bổ nhiệm phó hiệu trưởng. 
 
Không gì là không thể nếu chúng ta có quyết tâm và nghị lực, và chỉ có học, có tri thức mới thoát khỏi đói nghèo, thầy Bằng đã động viên đồng bào Cor như thế. Từ tấm gương của cậu học trò nghèo trở thành thầy giáo đầu tiên của làng, đồng bào Cor nghe lời thầy Bằng đưa con em đến trường. “Mình rất vui vì ngày càng có nhiều con em ở địa phương nỗ lực học tập, trở thành những thầy, cô giáo, những người thành đạt”, thầy Bằng bộc bạch.
 
Ở trường cũ cũng như tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà, nơi thầy Bằng được luân chuyển về giữ chức vụ phó hiệu trưởng, thầy  Bằng luôn yêu thương học trò như con của mình. Ở đây, tất cả HS đều là người dân tộc Cor. “Xa nhà, nhớ bố mẹ, em khóc rất nhiều. Được sự động viên, giúp đỡ của các thầy, cô giáo, đặc biệt là thầy Bằng, em đã nhanh chóng hòa nhập cùng các bạn. Thầy Bằng quan tâm đến chúng em từ bữa ăn, giấc ngủ, dạy bảo chúng em từ những việc nhỏ nhất”, em Hồ Hoài Bằng, học sinh lớp 7 bộc bạch. 
 
Gần 15 năm đứng lớp, thầy Bằng luôn gần gũi, truyền lửa đam mê con chữ cho học trò. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với thầy Bằng bị ngắt quãng bởi tiếng trống báo hiệu giờ tan trường. Cậu học trò cùng tên Bằng chạy lại ôm thầy giáo, cười nói vui vẻ. Theo chân hai thầy trò, chúng tôi đi tham quan khu vườn ươm cây giống để cấp cho người nghèo. Khu vườn ươm ở ngay trước cổng trường. Mọi người ngạc nhiên khi thấy cả vườn quế xanh tốt. Mô hình vườn ươm giống cấp cho hộ nghèo là sáng kiến của thầy Bằng. Số cây giống này và một con bò trị giá 12 triệu đồng do giáo viên nhà trường đóng góp hỗ trợ cho một hộ nghèo ở địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
 
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương phấn khởi nói,  không chỉ truyền đam mê con chữ, luôn phấn đấu để xứng đáng là tấm gương sáng cho HS noi theo, thầy Bằng và các thầy, cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà còn dạy HS về lòng nhân ái, đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn thông qua những việc làm thiết thực. Cùng với tập thể nhà trường, thầy Bằng đã góp sức xây dựng ngôi trường này trở thành một trong những trường có bề dày thành tích nhất huyện Trà Bồng. Trong Kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh năm học 2022 - 2023, trường có gần 50% số lượng HS đạt giải của huyện Trà Bồng.
 
Dạy học sinh biết yêu thương  
 
“Alo, cô Truyền ơi! Ở đây có một em vừa bị tai nạn giao thông; có một trường hợp đau nặng cần được giúp đỡ…”, đó là một trong những cuộc gọi mà cô giáo Huỳnh Thị Minh Truyền (35 tuổi), Bí thư Chi đoàn Trường THCS Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thường xuyên nhận được. Hình ảnh cô giáo Truyền tận tâm với HS nghèo, những người kém may mắn đã trở nên quen thuộc với người dân ở xã Hành Tín Đông. 
 

Cô giáo Huỳnh Thị Minh Truyền, Trường THCS Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đã kết nối với các nhà hảo tâm tặng bò cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: MỸ DUYÊN
Cô giáo Huỳnh Thị Minh Truyền, Trường THCS Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đã kết nối với các nhà hảo tâm tặng bò cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: MỸ DUYÊN

Cô giáo Huỳnh Thị Minh Truyền, Trường THCS Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đã kết nối với các nhà hảo tâm tặng bò cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: MỸ DUYÊNCô giáo Truyền rất vui khi giúp đỡ được ai đó vượt qua nghịch cảnh, nhưng cũng buồn và day dứt khi chứng kiến nhiều trường hợp không có tiền để điều trị bệnh. Bởi vậy, dù bận rộn đến đâu, mỗi ngày, cô Truyền đều dành thời gian để tìm hiểu, xác minh các hoàn cảnh khó khăn và đăng tải trên mạng xã hội để kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. Cô Truyền nhớ như in về những hoàn cảnh đã được giúp đỡ. Hoàn cảnh của em Lê Quang Thành (22 tuổi), ở thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, khiến cô Truyền xúc động mỗi khi nhắc đến. Mẹ mất khi Thành còn nhỏ, một mình cha nuôi 3 đứa con ăn học. Hơn 7 năm trước, trên đường đi học về, Thành không may bị tai nạn giao thông khiến em bị chấn thương sọ não. Trong lúc nguy cấp, cô Truyền đã kêu gọi được hơn 300 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, giúp em Thành có chi phí điều trị bệnh, vượt qua nguy kịch. Tuy không thể tiếp tục việc học, khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa nhưng với Thành đây đã là điều may mắn. “Em rất quý cô Truyền, xem cô như mẹ, cô đã cứu sống em. Hiện tại, em đã có việc làm ổn định, có thu nhập gửi về phụ ba nuôi em trai. Em sẽ không bao giờ quên được tấm lòng của cô Truyền. Em luôn tự nhủ bản thân phấn đấu vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội, có cơ hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như mình”, Thành bộc bạch.
 
Hai HS Nguyễn Chấn Huy (11 tuổi) và Hoàng Võ Văn Nhân (10 tuổi) cũng vừa bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Cả Huy và Nhân đều được cô Truyền kêu gọi hỗ trợ chi phí điều trị. Hơn 10 năm gắn bó với hành trình thiện nguyện, cô Truyền đã kêu gọi được khoảng 700 triệu đồng, giúp đỡ cho hơn 30 trường hợp ốm đau, tai nạn và tặng hàng nghìn suất quà cho HS nghèo, người già neo đơn. Nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn được cô kêu gọi hỗ trợ sửa nhà, tặng bò, sổ tiết kiệm hoặc trao quỹ học bổng hằng tháng để các em tiếp tục việc học. Không chỉ dạy chữ, cô giáo Truyền còn dạy cho HS bài học làm người, sống biết đồng cảm, sẻ chia, mà chính cô là tấm gương sáng để HS noi theo. “Công việc chuyên môn ở trường khá bận rộn, nên tôi thường tranh thủ đến với các hoàn cảnh khó khăn sau giờ lên lớp hay vào những ngày cuối tuần. Với tôi, dạy học và làm thiện nguyện là niềm vui trong cuộc sống, là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày" cô giáo Truyền chia sẻ.
 
Hiệu trưởng Trường THCS Hành Tín Đông Huỳnh Thị Minh bảo rằng, tấm lòng nhân ái và sự nhiệt huyết của cô giáo Truyền đã ghi dấu ấn đẹp về hình ảnh người giáo viên nhân dân, lan tỏa tinh thần nhân ái đến với đồng nghiệp, HS và trong cộng đồng. 
 


ÁI KIỀU - MỸ DUYÊN


Ý kiến bạn đọc


.