Nét đẹp văn hóa trong ký ức Tết xưa

11:02, 01/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tết cổ truyền của dân tộc sẽ được bồi đắp từ đời này qua đời khác, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Dù ở đâu và dù Tết đã đủ đầy, nhưng nhiều người vẫn da diết nhớ về những cái Tết xưa, Tết của thời thơ bé, trong trẻo và nhiều thương nhớ.
 
Dù thời gian có làm đổi thay nhiều thứ, thì tôi vẫn vấn vương mãi hương vị của Tết xưa. Hương của mùi khói từ góc bếp nấu bánh tét, mùi thoang thoảng của hạt nếp quyện với thịt mỡ dưới những lớp lá chuối của đêm 28, 29 tháng Chạp. Một cái Tết đoàn viên bên gia đình thân thương của mình.
 
Nụ cười ngày Tết.                           Ảnh: A.Nhiên
Nụ cười ngày Tết. Ảnh: A.Nhiên
Tôi nhớ lúc nhỏ chừng 10, 12 tuổi, nhà tôi nghèo lắm. Cả nhà bảy người chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên cái Tết đối với chúng tôi có lẽ là ngày được mong đợi nhất. Bởi đó là dịp để được mặc đồ đẹp, được ăn những bữa cơm ngon hơn ngày thường. Tôi nhớ, có lần má dẫn tôi và chị hai đi chợ, mua cho mỗi đứa một đôi dép mới màu hồng để đi Tết. Dù rất thích mang đôi dép mới, nhưng vì sợ nó bẩn, nên đêm nào tôi cũng lấy ra mang thử đi qua, đi lại, rồi ngồi ngắm, đếm từng ngày đến sáng Mùng 1 Tết để mang đi chúc Tết ông, bà.
 
Tôi nhớ năm ấy, má giao nhiệm vụ cho chị em tôi rọc lá chuối để gói bánh tét, ba thì khệ nệ xách buồng chuối chặt sau nhà. Được sự hướng dẫn của má, tôi cũng hăng say gói bánh tét. Cái bánh tét đầu tiên tôi gói cùng các thành viên trong gia đình không đẹp như má, nhưng cũng gọi là thành phẩm của riêng tôi. Má nói cái gì cũng vậy, lần đầu làm thì sao mà đẹp cho được, làm từ từ mới quen và bánh mới đẹp được.
 
Bánh nấu khoảng 10 tiếng thì vớt ra ngâm vào nước lạnh một lúc, rồi buộc thành từng túm treo lên cho ráo nước. Chiều 30 Tết, má cắt từng đòn bánh đem dâng trước bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà. Vui nhất là cả đám háo hức chờ được ăn bánh, xúm lại giành nhau từng khoanh bánh. Giờ ngồi nhớ lại chợt thoáng vui, thoáng buồn, vì đã có những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, tràn đầy yêu thương về ngày Tết, nhưng theo thời gian cũng chẳng còn cái Tết nào được như vậy nữa.
 
Đã nhiều năm rồi, anh chị em tôi chẳng còn được ăn Tết đầy đủ cùng với ba má. Mỗi đứa có một gia đình riêng, lập nghiệp ở nơi xa. Thế nhưng, trong tâm trí của chúng tôi, những kỷ niệm về cái Tết xưa, được quây quần bên nồi bánh tét, cùng nhau chờ đợi giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì vẫn còn vẹn nguyên.
 
Thật ra, Tết vẫn vậy và mùa xuân năm nào cũng thế, đến và đi theo quy luật của tạo hóa, của đất trời. Chỉ có con người và những nét văn hóa, sinh hoạt đổi thay cùng năm tháng. Có những nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhưng cũng có những điều chỉ còn lại trong ký ức, trong nỗi nhớ của mỗi chúng ta.
 
Dù giờ đây, Tết đã phần nào đủ đầy hơn trước. Song nỗi nhớ và những ký ức về Tết xưa sẽ là sợi dây neo giữ, chuyển tiếp những nét văn hóa xưa qua từng thế hệ, để dòng chảy văn hóa không bao giờ bị ngắt đoạn. Những mùa xuân rồi sẽ tiếp nối và đi qua, nhưng văn hóa, hương vị Tết cổ truyền của dân tộc sẽ được bồi đắp từ đời này qua đời khác, góp phần tạo nên nền tảng văn hóa lâu đời.
 
Trong tâm thức, mỗi người dân Việt Nam hiện nay luôn trân trọng những cảm xúc đẹp với hương vị Tết quen thuộc, bình dị mà thiêng liêng của Tết cổ truyền. Và, trong sâu thẳm của mỗi người, vẫn luôn mong được chìm trong không khí truyền thống ấy mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
 
AN NHIÊN
 

.