Mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh những "ông đồ" bày nghiên bút, giấy bản để cho chữ đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo; đồng thời thể hiện quyết tâm phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác ngay từ ngày đầu năm mới.
Tương truyền, tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân đã có từ khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An - một người thầy chính trực, lúc sinh thời được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Thời đó, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống, ai nhận được đều quý trọng, lấy chữ đó để phấn đấu, vươn lên.
Nhằm gìn giữ phong tục đẹp này, những năm gần đây, nhiều địa phương, dòng họ... đã tổ chức lễ khai bút đầu xuân. Tại Hà Nội, nghi lễ này được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức thường niên vào mỗi dịp đầu năm mới tại Đình thờ Tiên triết Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Mỗi năm, lãnh đạo ngành lại chọn những thông điệp về sự học để thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân, đơn cử như: Học một biết mười; học đi đôi với hành; học để làm người; Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín...
Đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều tầng lớp nhân dân Thủ đô với mong muốn thể hiện ước vọng khởi sắc về sự học, cùng nhau xây dựng xã hội học tập. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Thị Thu Huyền cho biết: Như thường lệ, lễ khai bút đầu Xuân Canh Tý năm 2020 sẽ diễn ra vào sáng mùng 7 tháng Giêng với các nghi lễ truyền thống như dâng hương, ôn lại truyền thống lịch sử quê hương, tri ân công lao của thầy giáo Chu Văn An, khai bút...
Ông Nguyễn Văn Sáng (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) chia sẻ: "Năm nào gia đình tôi cũng cùng nhau tham dự nghi lễ này. Mỗi thành viên đều thành tâm xin chữ với mong muốn một năm mới con trẻ học hành tiến bộ, ngoan ngoãn; người lớn làm việc hanh thông, thành đạt và khởi sắc".
Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) hào hứng nói: "Ông nội em bảo, ai tham dự nghi lễ khai bút đều học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt. Năm nay, ông sẽ đưa em đến Đình thờ Tiên triết Chu Văn An xin chữ “Đạt” để có kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Em dự định sẽ khai bút vào sáng mùng 5 Tết bằng việc tự ôn lại các kiến thức đã học".
Là một trong số hàng nghìn học sinh vừa trải nghiệm chương trình Tết Việt năm 2020 với chủ đề “Nét bút đầu Xuân” trong những ngày cuối tháng 1-2020 tại Khu di sản trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), em Trần Hoàng Nam, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) bày tỏ: "Em rất thích nghe giới thiệu về các phong tục của người Việt Nam, đặc biệt là tục khai bút. Dù chưa có nhiều cơ hội tham dự những nghi thức như vậy, nhưng em nghĩ, điều quan trọng nhất là tự mình có ý thức khai bút bằng quyết tâm học tập, rèn luyện tốt ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: “Năm nào tôi cũng có mặt từ sớm dự lễ dâng hương và khai bút tại Đình thờ Tiên triết Chu Văn An với ước nguyện về một năm mới bình an, sự học được lan tỏa để xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố học tập. Đây cũng là dịp để thầy, trò toàn ngành bày tỏ lòng thành kính đối với người thầy đã có công khai tâm, làm lan tỏa sự học đến muôn đời; là dịp để mỗi người tự nhắc nhở mình phải luôn trau dồi về mọi mặt để hoàn thiện về tri thức và nhân cách. Cụ thể hóa việc này, ngành Giáo dục Thủ đô đã phát động phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” tới hơn 2 triệu học sinh và hơn 155 nghìn giáo viên với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019-2020, giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng giáo dục”.
Theo Hà Nội mới