Tết ở vùng cao

02:01, 29/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã nhiều năm đồng bào miền núi Quảng Ngãi cùng đón Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng họ vẫn giữ nét văn hóa, lễ hội riêng và các món ăn mang đậm hương vị núi rừng trong ngày Tết. Điều này tạo nên nét đẹp truyền thống của mỗi dân tộc.
Trên vùng cao xa xôi, những nụ hoa rừng bắt đầu hé nở. Thấp thoáng sau những nếp nhà sàn khói bếp lan tỏa, quyện cùng mùi hương nếp chín, mùi của rượu đoác, rượu cần... khiến bức tranh ngày Tết trên non thêm thi vị. 
 
Phụ nữ Cor rạng rỡ trong trang phục truyền thống vào ngày Tết.                     ẢNH: NGÂN KIM
Phụ nữ Cor rạng rỡ trong trang phục truyền thống vào ngày Tết. ẢNH: NGÂN KIM
Tại huyện vùng cao Sơn Hà, không khí chuẩn bị đón Tết của đồng bào đã rộn ràng trong từng nếp nhà, ngõ xóm. Xưa kia, Tết truyền thống của đồng bào Hrê thường tổ chức vào tháng 3 hằng năm khi mùa hoa gạo nở và kéo dài hết làng nọ đến làng kia. Còn những năm gần đây, người Hrê cũng rộn ràng vui xuân, đón Tết cùng thời điểm với Tết cổ truyền của cả nước.
 
Căn nhà của Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung Đinh Công Bôn được xem như “bảo tàng" của người Hrê. Ông Bôn đã sưu tầm, giữ gìn những loại chiêng quý, các vật dụng... của đồng bào mình  đủ đem ra dùng trong ngày Tết. Trai gái trong làng cùng nhau rộn ràng với những bài hát, điệu múa, tiếng chiêng.
 
Tự hào về văn hóa của dân tộc mình, ông Bôn chia sẻ: “So với trước đây, đồng bào giờ ăn Tết tiết kiệm và không kéo dài nhiều ngày như trước. Dù vậy, văn hóa, lễ hội của dân tộc Hrê vẫn được giữ gìn và phát huy trong ngày Tết”.
 
Ngày Tết, người Hrê chuẩn bị một bữa cúng đơn sơ với cá bắt trên suối, gà, vịt, heo nuôi trong nhà, mang hương vị, bản sắc, phong tục có từ nghìn đời của dân tộc mình. Sau mâm cúng, họ cùng quây quần chơi túc chinh, hát ca lêu, ca choi... làm cho không khí ngày Tết thêm rộn ràng.
 
Năm nay được mùa, nên đồng bào Ca Dong Sơn Tây sắm sửa một cái Tết đủ đầy hơn mọi năm. Tại nhà của già làng Đinh Ka La ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, đông đủ trai gái trong làng tụ tập chuẩn bị cho ngày Tết. Tiếng nói cười, tiếng hát, tiếng chiêng âm vang cả núi rừng.
 
Đón Tết chung, nhưng tết Kaxơré đầu năm của đồng bào Ca Dong khá đặc biệt. Họ cùng chuẩn bị những đồ ăn, thức uống truyền thống của dân tộc mình, đó là gói bánh chưng, ủ rượu cần và thực hiện những nghi lễ mừng lúa mới...
 
Một nghi lễ không thể thiếu của đồng bào Ca Dong là cúng nguồn nước. Cả làng cùng nhau làm cây nêu cúng nguồn nước suối đặt tại con suối, nơi bắc máng nước về cho thôn làng. Sau đó, tùy từng điều kiện mỗi nhà tổ chức cúng thần linh, ông bà.
 
Tết của đồng bào Ca Dong về đêm càng thêm rộn ràng. Bên bếp lửa bập bùng, mọi người cùng đánh chiêng, hát đối đáp, hát ca lêu thâu đêm và cùng hy vọng năm mới vụ mùa bội thu, cuộc sống an yên. 
Các gia đình đồng bào Cor Trà Bồng quây quần bên nhau dịp Tết đến, xuân về.  ẢNH: NGÂN KIM
Các gia đình đồng bào Cor Trà Bồng quây quần bên nhau dịp Tết đến, xuân về. ẢNH: NGÂN KIM
Cùng với các dân tộc anh em sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào người Cor sống ở Trà Bồng, Tây Trà cũng tưng bừng chào đón xuân sang. Trước khi hòa nhịp với Tết cổ truyền, đồng bào nơi đây đã rộn ràng đón tết Ngã rạ, phản ánh tín ngưỡng thờ Thần Lúa.
 
Anh Hồ Văn Huy, ở thôn Làng Choeng, xã Trà Lâm (Trà Bồng) tranh thủ trang hoàng lại nhà cửa đón Tết. Vợ anh cũng bận bịu không kém với công việc thêu thùa và chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho những ngày Tết. Anh Huy cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ biết đến tết Ngã rạ thôi, nhưng vài năm trở lại đây chúng tôi đã dần quen với phong tục đón Tết cổ truyền của người Kinh, thấy ý nghĩa lắm!”.
 
  NGÂN KIM

 


.