Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Như cơn gió vô tình

11:01, 27/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên ở vùng đất trung du Nghĩa Hành, trong một gia đình có 6 người con, không ai làm nghệ thuật, nhưng nhạc sĩ Phạm Đăng Khương tự nhận âm nhạc đã thẩm thấu trong ông từ nhỏ. Âm nhạc đã cho ông lối rẽ cuộc đời với nhiều thành công ngoài mong đợi.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương (đứng bên phải) chụp hình chung với các nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành. Ảnh: NVCC
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương (đứng bên phải) chụp hình chung với các nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành. Ảnh: NVCC
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho biết, cha ông là một nhân viên y tế. Còn mẹ là người dân quê, cả một đời lam lũ mưu sinh để nuôi các con. Dẫu vậy, ông vẫn tự tin, nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống sau này.
 
- Có phải cuộc sống cơ cực đó đã đưa ông đến với âm nhạc?
 
- Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Có lẽ vậy! Khi mới học lớp năm, lớp sáu, tôi đã mê đánh đàn và ca hát. Mỗi lần mệt mỏi vì việc học hay việc nhà mà được nghe một bài hát từ radio của nhà hàng xóm là tôi quên đi tất cả. Mỗi lần như thế, tôi lại ao ước gia đình có cái radio để được nghe hát cho thỏa thích. Và rồi, mơ ước ấy cũng thành sự thật. Nhưng cái radio của gia đình chỉ có một băng tần, phải nối dây điện vào cái ăng-ten của đài gác trên mái nhà thì mới bắt được sóng Đài Phát thanh Quảng Ngãi. Hồi đó, mỗi lần nghe hát, tôi cứ nghĩ ca sĩ đến tận đài phát thanh để đứng trước micro rồi hát cho thính giả nghe, đâu biết là họ đã thu âm từ trước đó!
 
Đến năm lớp tám, tôi và một số bạn được tham gia lớp nhạc của anh Nguyễn Hồ Kỳ, mỗi tuần xách đàn guitar đi học, được vài năm rồi nghỉ. Vì điều kiện chiến tranh, tôi chuyển về Trường THPT Trần Quốc Tuấn để học lớp 11. Từ quê lên tỉnh, được học một trường lớn nhất tỉnh, thấy cái gì cũng lạ, cũng hay, đặc biệt là được nghe những ca khúc tự biên của các anh, chị đi trước hoặc bạn cùng khoá, tôi ngưỡng mộ vô cùng. Điều đó đã thôi thúc tôi tập tành sáng tác, với hai ca khúc đầu tay là: Ngàn đời không quên và Hãy cùng đi! 
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương trong chuyến đi sáng tác tại cảng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: NVCC
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương trong chuyến đi sáng tác tại cảng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: NVCC
- Tình yêu âm nhạc mãnh liệt đến thế, sao ông lại chọn thi vào sư phạm?
 
- Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Tôi chọn thi vào khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh (1976), vì học rất giỏi môn Toán và cũng bởi trường này có học bổng (cười). Ngã rẽ cuộc đời tôi cũng bắt đầu từ ngôi trường này, khi tôi được chọn vào đội văn nghệ của trường, tiếp đó là Câu lạc bộ Sáng tác trẻ của Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh. Từ đây, tôi được gặp gỡ, làm quen với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, rồi lần lượt các ca khúc ra đời, được giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình của thành phố và cả nước, như: Bài ca cô giáo trẻ; Vầng trăng cổ tích (thơ Đỗ Trung Quân)... Và rồi, tôi được kết nạp vào Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh từ những ngày đầu mới thành lập hội (1981). 
 
Con đường âm nhạc của tôi đi lên bao nhiêu, thì con đường học vấn lại đi xuống bấy nhiêu! Cuối cùng phải rời mái Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và phải mất thêm 5 năm ngồi ở bậc đại học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.
 
- Ca khúc “Con đường đến trường” của nhạc sĩ luôn được giới trẻ đón nhận, nhất là học sinh, sinh viên. Vậy bài hát này ra đời thế nào? Và quê hương Nghĩa Hành nói riêng, Quảng Ngãi nói chung đã để lại trong ông những cảm hứng sáng tác thế nào?
 
- Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Cả cuộc đời tôi gắn bó với Nhà Văn hoá Thanh niên, TP.Hồ Chí Minh. Năm 1990, là Trưởng phòng Văn hoá - Nghệ thuật, rồi Phó Giám đốc (2002). Trong những năm tháng đó, tôi được đi rất nhiều nơi trong cả nước, nên có nhiều cảm xúc để sáng tác và cho ra đời nhiều ca khúc: Như cơn gió vô tình; Con đường đến trường, Khung trời mơ ước... Trong đó, ca khúc “Con đường đến trường” (1984), là một kỷ niệm trong lần về thăm lại Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Không ngờ sức lan toả của bài hát đã vượt không gian, thời gian và vang mãi đến ngày nay...
 
Mảnh đất Nghĩa Hành đã cho tôi nhiều kỷ niệm buồn, vui, nên dù có xa nghìn vạn dặm vẫn luôn hướng về, nên cảm hứng trong sự nghiệp sáng tác là vô cùng vô tận. Trước kia, cảm hứng chỉ là những bài hát; bây giờ còn thêm những tấm hình, những thước phim, những bài viết tùy hứng. Bài hát về Nghĩa Hành, về Quảng Ngãi thì nhiều lắm, nhưng bài tôi thích về Nghĩa Hành lại là bài Trường ca Phê Đê Ka; bài về Quảng Ngãi là Tình tui như cái trạc đứt dây.
 
- Dường như trong ông không có khái niệm nghỉ hưu?
 
- Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Đúng vậy! Đến nay, tôi vẫn chưa bị thất nghiệp. Từ khi nghỉ hưu, tôi lại càng bận rộn, làm việc nhiều hơn. Tôi nhận được lời mời cộng tác với Công ty Du lịch Hoàn Mỹ, một đơn vị hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực tổ chức du lịch, đặc biệt là các tour Mỹ, Canada. Những ngày tháng đó, tôi đã rong ruổi khắp các nẻo đường nước Mỹ, Canada, nhiều nước ở Châu Âu, Úc... Nhiệm vụ của tôi trong những chuyến đi là ghi lại những hình ảnh bằng phim chất lượng cao để giới thiệu cả hành trình dài cho du khách cũ và mới. Có lúc phải dựng phim ngay trên máy bay, những lúc đoàn về nghỉ tại khách sạn để kịp phục vụ cho những tour kế tiếp.
Bây giờ, tôi chuyển sang chép nhạc, quay phim với flycam, cộng tác với Công ty Global Karaoke của Mỹ để làm karaoke cho các nhạc sĩ và những người thích hát karaoke... Vui thì khá vui, nhưng cũng thiệt là mất thời gian!
 
- Cảm ơn ông có cuộc chia sẻ đầy thú vị này!
 
PHÚ ĐỨC
 
 
 
 

.