Giữ lại hương vị Tết cổ truyền

02:01, 21/01/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Ngày nay, trong ẩm thực ngày Tết có rất nhiều món ăn vừa ngon, lại vừa lạ  miệng. Nhưng để bàn về cái ấm lòng trong ngày Tết thì không thể không nhắc đến các món ăn quen thuộc đã có từ xa xưa. Một mùa xuân nữa lại về, thật may mắn đâu đó vẫn còn những bàn tay khéo léo, những tấm lòng tâm huyết, tha thiết giữ lại hương vị Tết cổ truyền. 
Từ chiếc bánh của cha
 
Từ lâu, bánh ít lá gai đã trở thành món ăn nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, mộc mạc. Hình ảnh và hương vị của chiếc bánh này đã in sâu vào trong tiềm thức của không ít người con của quê hương Quảng Ngãi. Thế nhưng, để chiếc bánh quê này luôn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, nhất là với thế hệ mới sinh bây giờ thì những người giữ lửa nghề đóng vai trò quyết định. 
 
Với anh Nguyễn Duy Ly (38 tuổi), thôn Quang Mỹ, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) nghề làm bánh ít lá gai đến với anh như một duyên nghiệp. Anh làm bánh gửi vào đó tấc cả tâm huyết, lòng yêu nghề và say mê của mình.
 
Gia đình anh vốn có thâm niên trong nghề làm bánh truyền thống. Ba mẹ anh trước kia làm bánh rất ngon, nổi tiếng trong vùng. Thuở nhỏ, anh thường phụ giúp mẹ làm một số công đoạn để làm nên chiếc bánh ít thơm ngon. Dần dà nghề làm bánh ít lá gai thấm vào máu thịt, nên anh chọn nghề này để nối nghiệp gia đình. 
 
ggg
Anh Ly miệt mài giữ nghề truyền thống của gia đình.
 
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, bí quyết làm bánh ít lá gai được anh kế thừa từ ba mẹ vẫn không thay đổi. Chính vì thế, mà bánh anh làm ra càng được nhiều người ưa chuộng. Người ăn mỗi khi nhìn ngắm, ăn bánh, cảm nhận vị thơm của nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dừa, vị bùi của đậu xanh hòa nguyện trong từng chiếc bánh làm gợi nhớ đến hương vị bánh quê từ nhiều năm trước.
 
Nói về cách làm, anh Ly, cho biết: Anh làm bánh theo công thức mà ba mẹ trước đây từng làm. Nguyên vật liệu là những chất liệu dân dã, hoàn toàn từ thiên nhiên với lá gai, đậu xanh, dừa, đậu phộng… để giữ nguyên hương vị của bánh. Tôi vốn khéo tay nên đảm đương nhiệm vụ làm bánh, còn vợ thì đi bán. 
 
Để làm ra một chiếc bánh ít truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo. Trước tiên là luột lá, giã lá, quết bột, sau đó mới làm nhân, gói bánh rồi mang bánh đi hấp. Điều đặc biệt, bí quyết còn nằm ở công đoạn sên đường, phải đảm bảo cho đường thật tới thì vỏ bánh mới thơm ngon và để được lâu.
 
Tiếng lành đồn xa, bánh ít lá gai của vợ chồng anh Ly ngày càng được nhiều thực khách tìm đến. Vào mỗi dịp Tết, nhiều người con xa quê hay khách du lịch ghé đến Quảng Ngãi cũng không quên tìm đến gia đình anh để đặt bánh làm quà biếu, thành kính dâng ông bà.
 
ggg
Bánh ít lá gai dan dã, mộc mạc thường được bán rất chạy trong dịp Tết để cúng ông bà, tổ tiên.    
 
Vào dịp Tết cơ sở làm bánh ít truyền thống của gia đình anh Ly lại tấp nập, nhộn nhịp hơn. Gia đình anh phải huy động tấc cả mọi người trong nhà và thuê thêm 3- 4 người dân trong xóm mới kịp đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp này.
 
Nếu như ngày thường, trung bình tôi chỉ làm 1.000 bánh/ngày, thì vào dịp cuối năm số lượng tăng lên gấp nhiều lần, có ngày cho “ra lò” khoảng 4.000- 5.000 chiếc bánh/ngày, toàn là những mối “truyền khẩu, truyền tai”. Có người đặt bánh gửi ra cho người thân ở bên Mỹ nữa đó”, anh Ly hào hứng. 
 
"Gói" Tết cho mọi nhà
 
Những ngày giáp Tết, những chuyến xe chở bà con về quê ăn Tết lần lượt nối đuôi nhau cập bến khiến không khí Tết càng thêm rạo rực. Tìm đến nhà của chị Tôn Thị Quỳnh My  (38 tuổi) ở xóm Vạn, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), chúng tôi nhận thấy không khí tất bật của những ngày cuối năm.  
 
Chỗ này chất lá chuối, chỗ kia gói bánh, chỗ nọ nấu bánh ...Cả khuôn viên nhà chị My những ngày này dường như đều dành cho công việc làm bánh. Ở giữa phòng bếp, ba bốn con người tay đang thoăn thoắt gấp nếp chiếc bánh và xếp cẩn thận vào nồi để kịp mang đi nấu theo đơn đặt hàng ở tận Đồng Nai, TP.HCM.
 
Chị My vốn là người dân Quảng Ngãi, may mắn được kế thừa bí kíp nấu bánh tét kiểu miền Nam từ mẹ ruột và bánh chưng kiểu miền Bắc từ mẹ chồng. Nhà chị ở  vừa gần lò mổ thịt, lại giữa vùng chuối bạt ngàn, đậu phụng để ép dầu làm bánh trồng trong vườn, nên nguyên liệu đều của nhà trồng. Mưới lăm năm qua, cứ đến Tết chị lại nhận đặt hàng nấu bánh. Cứ thế, sau mỗi mùa bán Tết, lò bánh chưng bánh tét của chị càng được nhiều người biết đến, không chỉ nối tiếng khắp nơi trong tỉnh mà còn ở các tỉnh lân cận. 
 
 
hhh
Chị Tôn Thị Quỳnh My gói bánh chưng, bánh tét bán Tết khoảng 15 năm nay. 
 
Theo chị My, để tạo được thương hiệu bánh truyền thống này không có bí quyết gì đặc biệt, nhưng người làm bánh phải đặt cái tâm lên đầu. Từ khâu chọn nguyên liệu đến làm nhân, gói bánh, nấu bánh đều phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đúng kỹ thuật.
 
Quan trọng nhất là phải chọn loại nếp thơm, ngon, sau đó là chế biến nhân bánh. Đậu xanh được ngâm và xả đến khi hết vỏ và bọt. Bánh nhân mặn, thịt heo làm sạch rồi ướp với bột ngọt, tiêu, muối để khi mỡ tan vào bánh làm bánh có vị béo và thơm ngon. 
 
Bánh chưng, bánh tét được gói trong lá chuối chát (sứ) đã được rửa hoặc lau sạch để khi luộc chín vẫn giữ được màu xanh của lá mà không bị đỏ. Để chiếc bánh chưng có dáng vuông vức dùng khuôn bằng gỗ, cho một phần ba số nếp xuống trước rồi cho nhân vào, sau đó cho hai phần ba số nếp còn lại, nhờ vậy, nhân sẽ luôn nằm ở tâm của chiếc bánh và không nên buộc bánh quá chặt hoặc quá lỏng để đảm bảo độ chín của chiếc bánh. 
 
hhh
Những nguyên liệu gói bánh như nếp, đậu xanh, thịt heo được chị My lựa chọn kỹ càng.
 
Bánh chưng nấu khoảng 4 giờ đồng hồ là vừa còn bánh tét phải mất từ 7-14 giờ. Làm đúng quy trình như vậy bánh sẽ giữ được hương vị đậm đà cả nửa tháng mà không bị mốc, bị chua, hư hỏng. "Mười nồi bánh chưng, bánh tét này với gần 600 cây là chuẩn bị chuyển vào TP.HCM vào ngày mai, ngày mốt lại nấu gửi ra cho bộ đội Lý Sơn hơn 500 cây nữa đó", chị My hào hứng nói. 
 
Cuộc sống ngày càng bận rộn, không còn cảnh nhà nhà nổi lửa, người người nấu bánh chưng, bánh ít lá gai như xưa. Thật may mắn là vẫn còn đó những bàn tay khéo léo, những tấm lòng tâm huyết, tha thiết giữ lại hương vị Tết xưa qua từng chiếc bánh truyền thống. Để rồi, những ngày cuối năm, ghé ngang qua những ngôi nhà này, nghe hương vị đặc trưng của bánh ít lá gái, bánh chưng, bánh tét là những ký ức Tết xưa lại ùa về. Và trong câu chuyện đầu năm mới sẽ trở nên thân tình, ấm cúng hơn khi các món bánh truyền thống là món quà mang hương xuân, vị Tết. 
 
Bài, ảnh: Ng.Anh

.