Những người thầy cắm bản

10:03, 13/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Họ đi bộ hàng chục cây số đường đèo dốc đến các ngôi làng để dạy học, thắp lên ngọn đèn nhỏ bên những cánh rừng già heo hút. Từng con chữ, ngọn đèn nhỏ ấy ngày càng thắp sáng cả vùng rừng núi Ba Trang (Ba Tơ)... 
 
[links()]
 
Cả đời cắm bản 
 
Căn phòng của thầy giáo Phạm Văn Ó (57 tuổi), ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Ba Trang (Ba Tơ) chưa đầy 20m2. Trong phòng có 2 chiếc giường gỗ cũ, một góc là bếp nấu ăn. Gần cửa ra vào có cái bàn nhỏ, vừa để soạn giáo án, vừa là bàn ăn. Khi trời nắng, căn phòng nóng hầm hập.  
Thầy Ó kể, đầu năm học 2006, tôi khăn gói lên xã Ba Trang cắm bản và dạy học mãi cho đến hôm nay. Đường đến xã Ba Trang đi qua nhiều đèo dốc, ngang qua những khu rừng bát ngát, chỉ nghe tiếng chim, tiếng khỉ kêu. Ngày đó, để đến Ba Trang, chúng tôi phải đi bộ theo đường mòn từ trung tâm huyện Ba Tơ khoảng 8km đầy dốc đá, đi qua dốc Bùi Hui. Từng có cô giáo khi qua con dốc này mệt đến ngất xỉu.
 
Thầy Phạm Văn Ó (bên phải) và thầy Lê Tuấn trong căn phòng ở sau giờ lên lớp.  Ảnh: Phạm Anh
Thầy Phạm Văn Ó (bên phải) và thầy Lê Tuấn trong căn phòng ở sau giờ lên lớp. Ảnh: Phạm Anh
Ngày đó, tạm biệt vợ, con, lưng cõng gạo, mắm, muối, thầy Ó từ xã Ba Vinh (Ba Tơ) lần theo lối mòn đi bộ về xã Ba Trang. Rồi từ trung tâm xã, thầy Ó lại theo lối mòn đến ngôi làng của người Hrê để dạy học. Ngày đó, thầy Ó dạy ở làng Con Riêng. “Ở núi rừng, chiều đến rất lạnh, nhất là vào mùa mưa, mền không đủ ấm, tối phải đốt lửa, cột võng bên bếp lửa. Còn anh em ở điểm trường chính, cứ đốt lửa lên rồi treo võng xung quanh. Vậy mà vui lắm, thương nhau đến tận bây giờ”, thầy Ó tâm sự. Ngày tháng thoi đưa, nghiệp gieo chữ cho con em ở đây đã níu chân thầy Ó đến bây giờ, cánh đồng con chữ mỗi năm lại bén xanh thêm.
 
Còn thầy Phạm Văn Triệu, ở xã Ba Cung (Ba Tơ), ngày ấy đi xa hơn nữa, đến với các em ở làng trên đỉnh núi Bùi Hui, nơi có miền gió hú quanh năm qua thảo nguyên Bùi Hui, thổi lạnh căm căm qua đồng cỏ hàng trăm héc ta. Suốt bao tháng năm tận tụy, thầy Triệu đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng bào Hrê nơi đây. Ai nấy đều thương người thầy cả đời cắm bản. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp hệ 9+1, khát khao của tuổi đôi mươi đã đưa thầy đến vùng đất khó ở huyện Sơn Hà, rồi đến huyện Ba Tơ. Thầy cắm bản 34 năm, trong đó gắn bó với Bùi Hui 12 năm. Thầy Triệu nay đã nghỉ hưu, nhưng đồng bào Hrê nơi đây vẫn luôn nhớ đến thầy. Căn phòng thầy Triệu từng ở vẫn còn, HS của thầy đã trưởng thành và dấu chân của thầy hằn in ấm áp mãi nơi này. 
 
Chia cơm cho học trò   
 
Thầy Ó, thầy Triệu là người Hrê nên đỡ vất vả hơn so với thầy Lê Tuấn, quê xã Hành Đức (Nghĩa Hành) vì không phải học tiếng Hrê. Từ năm 2002, thầy Tuấn tạm biệt vợ con lên vùng cao Ba Tơ dạy học. "Ngày ấy, đời sống của đồng bào Hrê nơi đây vô cùng khó khăn. nhiều em HS ra lớp mặc áo phong phanh, tím tái dưới trời thảo nguyên lạnh giá. Năm đó vào tháng 10 và 11 âm lịch, trời lạnh quá, trâu bò chết nhiều ngoài đường, rất xót xa. Khi chứng kiến cảnh sống khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây, tôi không ngại đường xa mà thay vào đó là động viên mình gắn bó với mảnh đất này", thầy Tuấn kể.
 
Vào cuối buổi chiều, khi tan lớp, HS không về nhà ngay, mà theo các thầy cô lội xuống suối. “Lạnh căm căm, không ai dám tắm đâu. Chúng tôi cùng HS đi bắt ốc, hái rau ranh, ngọn lang, rau má, rau diếp và nhiều loại cá, rau rừng khác để cải thiện bữa ăn", thầy Tuấn nhớ lại. Thầy cô giáo lẫn HS cùng nấu nướng, cùng ăn bên bếp lửa bập bùng, ấm áp. Đến mùa bão lũ, khi các tuyến đường ở xã Ba Trang bị sạt lở chia cắt, các thầy cô giáo không về nhà được để mang lương thực lên ăn, có khi không có gạo ăn cả tuần. Vậy là người dân lại mang củ mì, rau, chuối... cho thầy cô. “Có thầy, ban đầu không quen nên không dám ăn lá mì non. Ở riết rồi thì bà con Hrê ăn gì, mình ăn nấy. Cái tình chia ngọt sẻ bùi ấy mãi đến tận hôm nay”, thầy Ó nói.
 
Ở các điểm trường lẻ, HS thường ăn cơm cùng thầy, cô giáo. Có một buổi trưa, thầy Tuấn đi bộ vào làng Cây Muối, vào nhà em Phạm Văn Chin. Nước mắt thầy Tuấn chợt ứa ra khi nhìn thấy anh em Chin bên nồi khoai mì và chén muối giã với rau rừng. Thầy Tuấn quay lại trường, mang cả phần cơm, lon thịt muối, muối đậu do vợ gói ghém hôm đầu tuần để vào ba lô, đến ăn chung với anh em nhà Chin. Từ ngày đó, tuần nào về xuôi, thầy Tuấn cũng mang theo nhiều đồ ăn, gạo, quần áo cũ... để cho anh em nhà Chin. Bây giờ, anh em Chin đã lớn, có gia đình. Nhớ ơn thầy, Chin vẫn thường mang đồ ăn đến cho thầy Tuấn, tri ân người thầy tốt bụng.  
 
Thầy Ó ngày đó dạy ở làng Con Riêng. Ngày đầu nhận lớp có 14 em lớp 1 và 12 em lớp 2. Sau giờ học, buổi trưa, nhiều em  cũng ở lại ăn cơm với thầy.
 
Động viên học sinh ra lớp   
 
Năm nào cũng vậy, sau tết Nguyên đán, bông đót trắng rừng. Ngày trước, HS ở xã Ba Trang thường nghỉ học ở nhà giúp gia đình chặt đót bán kiếm tiền. Nhiều năm nay, tình trạng HS nghỉ học sau Tết giảm hẳn. Đó là chưa kể, phong tục cúng của người Hrê ở đây kéo dài cả tháng, nhiều HS không đến trường. Các thầy cô phải đến từng nhà vận động HS ra lớp. Còn đầu năm nay, nhà trường tổ chức giải bóng đá. Hôm tôi đến trường,  đúng vào ngày diễn ra trận chung kết, tôi theo chân các thầy đến sân cỏ ở làng Con Riêng, thấy HS và phụ huynh tập trung rất đông cổ vũ bóng đá. Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Ba Trang Nguyễn Minh Hải cho biết, HS rất thích bóng đá, nên sau tết Nguyên đán, trường tổ chức thi đấu bóng đá. “Muốn các em ra lớp, chỉ cần tiếng còi và trái bóng lăn trên sân...”, thầy Hải nói vui. Thầy Hải cho biết, toàn trường có 427 HS, trong đó có 130 em nhà ở xa được ở bán trú, nhờ vậy HS không còn bỏ học sau Tết. 
 
Bữa ăn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Ba Trang (Ba Tơ).  Ảnh: Phạm Anh
Bữa ăn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Ba Trang (Ba Tơ). Ảnh: Phạm Anh
Em Phạm Thị Bích Chương (học lớp 4), phấn khởi cho biết, nhà em ở làng Cây Muối, cách trường hơn 10km. Đầu tuần, ba mẹ chở đến trường, chiều cuối tuần lại đón về nhà. “Ở nhà, thức ăn không ngon bằng thầy cô trên trường nấu... Các thầy cô giáo ở trường rất tốt bụng, ngoài dạy chữ, còn chăm lo việc ăn, việc ngủ của HS. Sau này con sẽ làm cô giáo", Chương thật thà nói. Còn em Phạm Thị Bích Thoa (học lớp 8) bảo rằng, mai mốt em sẽ làm cô giáo, thay cho các thầy, cô ở xa về đây dạy học. Thấy thầy, cô đi từ xa vất vả về đây dạy cho các em học chữ, thương lắm! 
 
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Ba Trang Lê Ngọc Danh cho biết, ngoài lo ăn uống, nhà trường còn “canh” giờ chơi, ngủ cho các em. Ngày, đêm đều có giáo viên được phân công theo dõi, không chỉ ổn định nền nếp trong lớp mà ngay ở khu bán trú. Trưa, tối ăn xong là nhắc các em tập trung về phòng học bài. Đêm, khi tiếng học bài không còn, ánh đèn các phòng bán trú của HS đã tắt, những người thầy, cô gieo chữ trên mảnh đất này mới bắt đầu nghỉ ngơi...
 
PHẠM ANH
 

.