Làng Ra Manh kiểu mẫu

10:08, 08/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Làng Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) một bên tựa vào núi cao, một bên là hồ nước trong xanh. Đồng bào dân tộc Ca Dong nơi đây luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
 
 
Làng Ra Manh giờ đã là "làng kiểu mẫu" khang trang, hiện đại, đan xen nét đẹp truyền thống đặc sắc của dân tộc Ca Dong. Người dân ở ngôi làng nơi vùng sâu, vùng xa này rất phấn khởi khi làm cái nghề mà trước đây ngay cả trong mơ họ cũng chưa hề nghĩ đến, đó là xây dựng điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn.
 
Làng ở bên hồ
 
Cuối Hạ, thời tiết ở vùng cao Sơn Tây trở nên đỏng đảnh, sáng nắng, chiều mưa. Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cá nhân sẵn sàng vượt dốc cao, suối sâu, đá cuội để về Ra Manh vào sáng sớm. Từ cung đường Đông Trường Sơn, xe chúng tôi bắt đầu hành trình, khi chạm đỉnh Kà Rá U Sầu thì rẽ xuống dốc. Con đường bê tông phẳng lì hiện ra, xe bám lấy mặt đường quanh co lao đi, rồi qua chiếc cầu vững chãi vượt suối Nước Tang. Vậy là đã về đến "làng kiểu mẫu" Ra Manh.
 
Ngôi nhà sàn kiểu mới của đồng bào Ca Dong đang được xây dựng tại làng Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: T. N
Ngôi nhà sàn kiểu mới của đồng bào Ca Dong đang được xây dựng tại làng Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: T. N
Làng Ra Manh có 2 xóm là Ra Manh và Ra Mun, với gần 100 hộ người dân tộc Ca Dong, họ sinh sống dọc theo tuyến đường bê tông, bám theo con suối Nước Tang hiền hòa nhiều ốc đá, cá và rau rừng. Chúng tôi về xóm Ra Mun - điểm cuối của cung đường. Làng nằm trên những chỏm đồi thoai thoải bên bờ hồ thủy điện Đăkđrinh rộng 9,2km2. Mùa này, nước hồ Đăkđrinh trong xanh như bức tranh thủy mặc, đẹp đến nao lòng. Những ngôi nhà sàn ở khu vực gần lòng hồ giờ đây không còn đơn thuần là chốn đi - về nghỉ ngơi của các thành viên gia đình sau một ngày đi rẫy, lên rừng, ra ruộng. Những ngôi nhà sàn bên hồ nước mênh mông ấy giờ còn là "stayhome" đón khách du lịch.
 
Khách du lịch đến Ra Manh không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp của sông nước, mây trời và những đồi cau bạt ngàn sai quả, mà còn để thỏa đam mê câu cá. Sau khi câu được cá, du khách đốt lửa nướng cá ngay trên bờ hồ, hoặc mang theo nồi để chế biến món cá nấu với ớt xiêm rừng, cà đắng. Rồi hít hà, thưởng thức giữa không gian bao la, trong văng vẳng tiếng chim rừng gọi bạn.
 
Chúng tôi ghé vào ngôi nhà sàn ngăn nắp, sạch sẽ, sát bờ hồ của vợ chồng ông Đinh Văn Điểu. Ông Điểu kể với chúng tôi về những người khách từ khắp nơi đến đây câu cá, du lịch "phượt". Ông Điểu bảo, làng mình giờ vui và sôi động rồi, không còn lặng lẽ như xưa kia nữa. Hằng ngày, có nhiều người đến đây câu cá. Họ đem theo nồi xoong nấu ăn, màn chiếu để ngủ qua đêm dưới gốc cây, trên bãi cỏ, mình thấy áy náy lắm nên mời họ về nhà sàn của mình nghỉ. "Khách đến nhà, mình hái chè xanh ngoài vườn nấu nước đãi khách, có buồng chuối chín mình mời khách cùng ăn. Đêm thì nấu nồi củ mì để cả nhà và khách ăn khuya. Lòng mình mở ra và cứ thế ngày càng nhiều khách về với Ra Manh", ông Điểu cười hiền, kể.
 
Hạt nhân của mọi phong trào
 
“Khách đến nhà, mình hái chè xanh ngoài vườn nấu nước đãi khách, có buồng chuối chín mình mời khách cùng ăn. Đêm thì nấu nồi củ mì để cả nhà và khách ăn khuya. Lòng mình mở ra và cứ thế ngày càng nhiều khách về với Ra Manh".
 
Ông ĐINH VĂN ĐIỂU, người dân ở làng Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây)

Tuy là ngôi làng ở vùng sâu, vùng xa, nhưng Ra Manh lại có rất nhiều hộ gia đình tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều người trong số đó trở thành tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; tiên phong, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Họ chính là hạt nhân, là nòng cốt trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu mang tên "làng kiểu mẫu Ra Manh" trên vùng đất khó Sơn Long.

 
Điển hình là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ra Manh Đinh Văn Trú. Anh Trú được người dân trong làng ví như "ngọn lửa ấm". Anh thực sự là chỗ dựa của dân làng, nơi trú ngụ của mọi an vui trong cộng đồng dân tộc Ca Dong ở Ra Manh như chính tên anh vậy. Anh Trú sinh ra tại vùng đất Ra Manh cách đây tròn 40 năm. Trải qua tuổi thơ nơi vùng cao, vùng sâu không đường, không điện, đời sống vô vùng khó khăn, anh thấu hiểu nỗi thiệt thòi của người dân quê mình. Vì vậy, anh nỗ lực học tập mỗi ngày để tiếp cận cách làm hay, mô hình mới trong phát triển kinh tế. 
 
Khi con đường bê tông được xây dựng nối với lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, anh động viên dân làng phải làm nhà đẹp, ăn ở sạch sẽ, học hát dân ca, học đánh cồng chiêng để mai này biến ngôi làng Ra Manh thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tất cả mọi thứ trong làng từ tường rào, cổng ngõ, sân vườn, nhà vệ sinh đều phải hiện đại, nhưng lòng người thì vẫn phải giữ cái nghĩa tình trước sau như một. Hưởng ứng tinh thần của "ngọn lửa ấm" Đinh Văn Trú, người dân trong làng mỗi ngày làm một việc nhỏ, để ngôi làng thêm sạch đẹp, ấn tượng.
 
Đường về làng Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây).                                                                                                                               Ảnh: T.Nhị
Đường về làng Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: T.Nhị
Ngôi nhà của anh Trú là 2 nhà ghép lại, một hiện đại và một nhà sàn truyền thống. Quanh nhà, những cây bưởi trĩu quả; giàn bầu bí cuối vườn quả lủng lẳng. Sân nhà hoa cúc, hoa giấy, hoa muống rừng nở suốt bốn mùa. Trước ngõ, hàng cây anh đào đã bén rễ, xanh cành, cao hơn đầu người đang chờ mùa đơm hoa đón khách. "Tôi hạnh phúc khi bên mình có nhiều người tốt bụng, luôn động viên tôi cố gắng vươn lên. Tôi đọc sách, học cách gieo cấy đúng lịch thời vụ, chăm sóc và bón phân cho lúa, khi phát hiện sâu bệnh thì xử lý kịp thời. Tôi chăn nuôi trâu, bò, heo, gà chọn các loại giống chất lượng, dự trữ thức ăn và phòng, chống dịch bệnh thật kỹ. Từ đó, tôi gặt hái được thành quả. Rồi tôi chỉ cho bà con trong xóm cùng làm theo. Cả làng tôi giờ không còn hộ nghèo", anh Trú chia sẻ.
 
Ấm áp tình người
 
Hôm chúng tôi về "làng kiểu mẫu Ra Manh" đúng vào dịp nơi đây tổ chức đại hội chi bộ. Với 20 đảng viên là người dân tộc Ca Dong, Chi bộ thôn Ra Manh nhiều năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh. Anh Nguyễn Cường, cán bộ xã Sơn Long, được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ thôn Ra Manh cho biết, đảng viên trong chi bộ luôn tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, được người dân trong làng tin tưởng, yêu quý. Đại hội chi bộ cũng là dịp sinh hoạt cộng đồng của người dân trong cả làng. Họ cùng nhau tập hát, đánh chiêng và cùng đóng góp làm bữa cơm liên hoan mừng đại hội thành công với sự tham dự, chung vui đông đủ của cả làng. "Rồi khi cởi chiếc áo trắng và bông hoa trước ngực lúc dự đại hội chi bộ, họ lại trở về đúng bản chất người đảng viên nông dân, cần cù, yêu lao động, biết sáng tạo để nhanh xóa cái nghèo", anh Cường chia sẻ. 
 
Người Ca Dong ở làng Ra Manh rất thân thiện, mến khách.                                      Ảnh: T.Nhị
Người Ca Dong ở làng Ra Manh rất thân thiện, mến khách. Ảnh: T.Nhị
Theo chân đảng viên, nông dân sản xuất giỏi Đinh Văn Điểu lên rẫy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cách trồng trọt, chăn nuôi, đào ao thả cá của gia đình ông. Tất cả đều hướng tới quy hoạch khu vực này trở thành một khu du lịch trải nghiệm. Khu đất của gia đình ông Điểu trải dài từ đường bê tông giữa làng đến tận đỉnh đồi cao. Quanh đồi, ông rào lưới B40.
 
Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ ông cẩn thận, rào vậy để phòng bị lấn chiếm, nhưng thực ra đó là bờ rào ngăn không cho đàn bò 24 con của gia đình  thoát ra ngoài. Ông Điểu cho biết, đàn bò này ông thả nuôi tự nhiên, không tốn công đi chăn, cũng không tốn tiền mua thức ăn. "Tôi sẽ nuôi đàn bò này đến khi nào làng này thực sự trở thành làng du lịch, để có sản phẩm phục vụ du khách. Tôi cũng đã trồng hơn 500 gốc bưởi, hơn 500 cây chuối mật giống địa phương, đào nhiều ao thả cá trong khu vực này. Những lúc rảnh là tôi vác đá dưới suối lên làm đường đi lại. Mình cứ cố gắng mỗi ngày và hy vọng điều tươi đẹp sẽ đến", ông Điểu tâm sự.
 
Sau một ngày rong ruổi, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân ở làng Ra Manh, chiều tà chúng tôi lên đường về lại TP.Quảng Ngãi. Khói bếp là đà bay lên gợi bao lưu luyến về một ngôi làng yên bình, ấm áp, thân thiện, mộc mạc, truyền thống. Tinh thần yêu lao động của người dân ở làng Ra Manh thật đáng quý. Làng Ra Manh là thế, có nhiều điểm khác biệt, tạo nên lợi thế để đón khách du lịch trải nghiệm, khám phá.
 
THANH NHỊ
 

.