Đất cằn nở hoa

10:06, 18/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, các hộ dân người Hrê ở xã Long Sơn (Minh Long) đã kiên trì, chịu khó học hỏi kiến thức trên Internet để phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Lúc đầu có phần lạ lẫm, nhưng họ đã thành công, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào ở vùng cao.   
 
[links()]
 
Từ trung tâm xã Long Sơn, tôi vượt qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang dòng sông Phước Giang tìm về thôn Đồng Tràm. Qua khỏi khu dân cư nhìn về phía đông nam là cánh đồng với những thửa ruộng đất nứt nẻ, những gốc rạ nằm trơ dưới nắng. Nhìn về phía tây thì ngược lại, có một khu vườn xanh trải dài, mát mắt. 
 
Thành công của niềm đam mê 
 
Chủ nhân của khu vườn tươi tốt ấy là anh Đinh Nồng. Lúc tôi đến thăm, anh Nồng đang cặm cụi ngoài vườn. Nghe tiếng gọi, anh nhoẻn miệng cười: “Trời nắng to rồi, mình lo sửa lại đường ống dẫn nước để tưới cây, chăm sóc vườn bưởi để có trái bán". 
 
Anh Đinh Văn Chiến (bên trái), ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) đang giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình.                   Ảnh: Cẩm Thư
Anh Đinh Văn Chiến (bên trái), ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) đang giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Cẩm Thư
Phe phẩy chiếc nón dùng làm quạt, anh Nồng bảo, có được khu vườn cũng là duyên may. Gia đình anh Nồng sống dựa vào vài sào ruộng và hơn 1ha đất trồng keo. Cây keo trồng phải chờ đến 5 năm mới thu hoạch. Còn ruộng thì đã có máy băm nên công việc không nhiều. Con cái ngày càng lớn, nhà cửa cũng cần phải tu sửa. Để có tiền, sau ngày mùa vợ chồng anh “hạ sơn” làm thuê. Ai bảo thu hoạch keo cũng ừ, ai bảo tỉa đậu phụng cũng gật. Một số chủ thầu xây dựng thấy anh Nồng khỏe mạnh nên thuê anh làm phụ hồ xây dựng nhà ở huyện Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi.
 
Trên con đường từ thôn Đồng Tràm đến huyện Nghĩa Hành để làm thuê, đi qua những vườn cây ăn quả của người Kinh ở các xã Hành Dũng, Hành Nhân (Nghĩa Hành), nhìn trái cây lủng lẳn trên cành, anh Nồng mê lắm. Anh Nồng xòe đôi bàn tay rồi nói, hồi đó thích trồng cây ăn trái nhưng mình không có tiền mua cây giống, không biết kỹ thuật trồng. Đến tháng 7/2018, khi nghe thông tin xã có chủ trương cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả, tôi bàn với vợ trồng thử nghiệm. Lúc ấy, chị Đinh Thị Thoa - vợ anh Nồng, lo ngại không biết có trồng được không, nhưng thấy chồng quyết tâm nên chị cũng gật đầu. 
 
Thế là triền đồi sau mùa thu hoạch gỗ keo được vợ chồng anh Nồng chọn để trồng cây ăn quả. Hằng ngày, sau khi đi làm thuê, làm đồng trở về, vợ chồng anh lại cuốc đất theo đường đồng mức để hạn chế mưa gió làm đất trôi, bạc màu. Hết cuốc đất, anh chị lại đào hố bón phân chuồng hoai mục rồi nhận cây giống về trồng. “Lúc đầu, trồng một vài cây bưởi, cây mít, được chăng hay chớ. Giờ trồng thành vườn mới thấy khó. Cây thiếu nước là héo úa, rồi sâu bệnh phát sinh. Mỗi lần thấy cây trồng xuất hiện sâu bệnh là mình đi tìm cán bộ khuyến nông để hỏi. Mình ngại nhất là những tên thuốc bảo vệ thực vật bằng tiếng nước ngoài. Nó khó đọc, khó nhớ nên thủ sẵn cây bút và quyển vở để nhờ cán bộ ghi lại giúp", anh Nồng chia sẻ. 
 
Cái khó của vợ chồng anh Nồng là trình độ chưa hết chương trình tiểu học. Đây cũng là cái khó chung của nhiều hộ người dân tộc thiểu số khi tiếp cận trồng cây hàng hóa. Thế nhưng điều đáng quý là họ đã tìm cách để vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình. 
 
 "Ông thầy trên mạng”  
 
Chị Đinh Thị Thoa cầm chiếc điện thoại thông minh và bảo, ông thầy ở trong này chứ đâu. Nói rồi, chị đưa tay nhấp vào YouTube, những clip về kỹ thuật trồng bưởi hiện ra. Rồi chị nhanh tay lướt qua những clip, sau đó chuyển sang Google mở những bài viết của các kỹ sư hướng dẫn diệt sâu bệnh, cách bón phân cho cây trồng. Chị Thoa cho biết, hướng dẫn trên mạng nhiều lắm nên mình phải chọn lựa cho phù hợp. Chỉ riêng việc diệt trừ nấm bệnh cho cây cũng có nhiều loại thuốc để phun, nhưng mình chọn cách quét vôi thân cây vào đầu và cuối mùa mưa bởi phương pháp này vừa hiệu quả, vừa ít tốn kém.
 
Nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn và học hỏi trên mạng, vợ chồng anh Đinh Nồng đã nắm chắc kỹ thuật làm vườn.      Ảnh: Cẩm Thư
Nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn và học hỏi trên mạng, vợ chồng anh Đinh Nồng đã nắm chắc kỹ thuật làm vườn. Ảnh: Cẩm Thư
Chuyện có “ông thầy trên mạng” bắt đầu từ việc anh Nồng đi phụ hồ. Giờ nghỉ trưa, có những bạn cùng nghề thợ hồ thường mở nhạc để nghe. Có lần, anh Nồng buộc miệng hỏi: “Trên điện thoại có người hát, thì có người dạy cho cách trồng cây không?". Nghe anh Nồng hỏi, người  thợ bật cười: "Trên điện thoại cái gì cũng có". Nói rồi, họ mở Google, YouTube cho anh Nồng xem. Càng xem càng thấy thú vị, thế là anh gom góp tiền mua cái điện thoại cũ. Chủ tiệm hướng dẫn anh cách sử dụng.  
 
Từ khi trồng cây, anh Nồng ít tham gia những cuộc nhậu rượu của cánh đàn ông sau một ngày làm đồng. Anh dành thời gian lên mạng tìm hiểu kỹ thuật bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... để chăm sóc cây trồng tốt hơn. 
 
Cũng như vợ chồng anh Đinh Nồng, vợ chồng anh Đinh Văn Chiến, ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn, cũng mày mò phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Khu vườn của gia đình anh Chiến rộng 1,3ha, đào ao thả cá, trồng 100 cây bưởi da xanh, 50 cây mít Thái và 50 cây sầu riêng, đa phần cây giống do Nhà nước hỗ trợ. Anh Chiến cho biết, tôi thường lên mạng xem hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Như cây bưởi thôi, muốn cây cho trái đến mùa phải vít cành, phải chọn trái... Còn cây sầu riêng thì cùng với học hỏi trên mạng, tôi xuống xã Hành Dũng học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn về biện pháp để trị con xén tóc thì thân cành mới khỏe, mới có thể ra hoa kết trái.
 
Đất không phụ người
 
Những vườn cây ăn quả  của các hộ dân người Hrê trên những khu đồi đi qua những mùa nắng cháy, rồi gió mưa dầm dề, nhưng trong sự nỗ lực và niềm khát khao xóa nghèo của đồng bào nên cứ thế vươn lên phát triển. Chị Đinh Thị Nga, ở thôn Biều Qua, đưa chúng tôi ra vườn trồng trên sườn đồi với 20 cây mít Thái đang cho trái và những cây bưởi xanh tốt. Chị Nga phấn khởi nói, Nhà nước cho giống cây mít Thái, trồng một năm đã cho trái rồi. Năm ngoái cây ra lứa hoa đầu tiên, vợ chồng mình vui lắm. Mỗi trái mít bán được 20 - 30 nghìn đồng. Nhờ đó, gia đình có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.
 
Bà Đinh Thị Nga phấn khởi vì vườn mít đã cho trái.                             Ảnh: Cẩm Thư
Bà Đinh Thị Nga phấn khởi vì vườn mít đã cho trái. Ảnh: Cẩm Thư
Niềm vui về kết quả ban đầu của việc trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa thể hiện qua ánh mắt, nụ cười và cả giọng nói của các hộ dân ở xã Long Sơn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn Đinh Xuân Lâm nhẩm tính, có 62 hộ dân ở các thôn Biều Qua, Lạc Sơn và Đồng Tràm trồng cây ăn quả trên diện tích 9ha. Tiêu chí chọn hộ dân để hỗ trợ phát triển trồng cây ăn quả là những người có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, có sức lao động để làm vườn. Trước khi tiến hành cấp cây giống, hội nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức trồng cây cho người dân. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, chính quyền địa phương và người dân đều phấn khởi.
 
Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Bảy cho hay, Long Sơn là vùng đầu nguồn sông Phước Giang, tiếp giáp với xã Hành Dũng, Hành Nhân (Nghĩa Hành) - nơi được xem là “thủ phủ” trồng cây ăn trái của tỉnh Quảng Ngãi. Nhận thấy ở huyện Nghĩa Hành có cùng điều kiện về thổ nhưỡng với Long Sơn nên huyện hỗ trợ người dân giống cây để phát triển mô hình trồng cây ăn quả và bước đầu đã thành công, hướng đến xây dựng vùng cây ăn quả tại xã Long Sơn.
 
Điều rất đáng quý ở người dân là sự chịu khó, ham học hỏi và quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Từ thành công ban đầu ở xã Long Sơn, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khảo sát thổ nhưỡng ở một số vùng trong huyện để hỗ trợ cho người dân chuyển sang trồng cây hàng hóa.
 
CẨM THƯ
 
 
 
 
 
 
 

.