(Báo Quảng Ngãi)- Những con sóng bạc từ khơi xa dội về, từng khoảnh đất, viên đá là bờ đê bảo vệ dân làng ở một số xã ven biển lần lượt bị cuốn trôi. Những cư dân làng chài lại đau đáu nuối tiếc nhìn về phía biển, nhìn những ngôi nhà từng cách bờ biển cả trăm mét giờ chực chờ sụp đổ bên chân sóng.
[links()]
Năm nào cũng vậy, mỗi khi vào mùa biển động, hàng nghìn người dân ở một số địa phương ven biển lại tất tả dọn nhà, vì lo sợ sóng biển dâng cao, gây sạt lở...
Còn sổ đỏ nhưng đất thì không...
Đôi mắt đăm chiêu nhìn về phía biển, những lão ngư ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) một đời bám gành nuôi sống gia đình cứ thở dài. Họ nhìn những ngôi nhà chực chờ sụp đổ bên chân sóng, bị sóng kéo từng bao cát đi về phía biển mà lòng xót xa. “Hồi trước, biển ở tận ngoài xa, cách vài trăm mét chứ không phải như giờ. Ngày qua ngày, biển cứ “gặm" vào nhà dân, chằng chống cỡ nào cũng không giữ được”, ông Nguyễn Văn Danh buồn rầu nói.
Biển đã áp sát nhà dân ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: LĐ |
Đất của tôi cách bờ biển tầm 100m, để ra đến biển phải đi qua mấy lớp nhà mới tới. Vậy mà thời gian, biển “ăn” dần rồi tiến sát vách nhà. Ngày biển mới xâm thực, gia đình còn chằng chống, trồng thêm cây để giữ. Năm đầu mùa biển động sóng “gặm” mất phần đất sau nhà bếp. Những giấc ngủ cứ nơm nớp vì sợ nhà bị sóng biển cuốn trôi. Lo lắng thế thôi chứ tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần vì biết mình không chống lại thiên nhiên được. Năm sau, rồi thêm năm sau nữa thì nhà không còn. Tôi dọn về đây ở cũng chừng 17 năm rồi. "Cuốn sổ đỏ ấy là minh chứng mình từng có đất, ai lấy đất của mình thì còn giành lại, chứ biển nuốt thì biết kêu ai. Mà có riêng gì tôi đâu, cả khu này không ai là không rơi vào cảnh có sổ đỏ hẳn hoi mà không có đất”, ông Danh nói.
Những ngày sau cơn bão RAI hồi giữa tháng 12/2021 đi qua, dẫu những con sóng cao 5 - 7m không còn, nhưng những gì nó để lại vẫn còn hiện rõ trên từng căn nhà ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải). Những bờ đất sạt cả đoạn dài, những bao cát, tấm đanh bê tông bị vỡ toạc nằm len lỏi trên nền cát nơi mép biển. Sóng dữ “rút chân” khiến nhiều ngôi nhà răn nứt chạy ngoằn ngoèo trên những bức tường ẩm ướt.
Mới ngày nào căn nhà của ông Huỳnh Nga ở xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy vẫn còn nguyên vẹn, thế nhưng sau bão, mọi thứ trở nên chơi vơi. Những bao cát, rọ đá được chính quyền địa phương cùng nhân dân xây dựng phía sau nhà ông để chống biển xâm thực được dựng lên đã không còn chỉ sau một đêm. Phần nhà bếp được xây dựng kiên cố giờ đầy những vết nứt dọc ngang. Một phần căn bếp đã bị đổ sập, những cột trụ bê tông sóng xô xiêu vẹo. “Đây là căn nhà thứ 2 của tôi sắp trôi ra biển rồi. Trước tôi cũng có một căn nhà nhưng giờ nằm ngoài biển ấy. Đất cha mẹ cho, giờ chỉ còn trên giấy thôi”, ông Nga nói.
Bờ kè ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) được xây dựng kiên cố, giúp người dân an tâm sinh sống. Ảnh: LĐ |
Chuyện bên chân sóng
Để chống sạt lở và gìn giữ mảnh đất tổ tiên gầy dựng từ thuở khai sinh lập địa, cũng là giữ những ngôi nhà đang nằm chực chờ bên miệng sóng an toàn, người dân sống dọc bờ biển ở các thôn Châu Me, Gành Cả, Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) góp tiền làm kè đá kiên cố. Những mảng tường đá mọc lên để bảo vệ dân làng khi những con sóng lớn trong mùa dông bão ùa về. Nhưng rồi, thời gian đi qua, những mảng tường vốn chắc chắn ấy cũng không thể trụ vững trước sóng biển.
Sóng biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: LĐ |
Dẫn chúng tôi ra phía cửa biển, ông Đại, một người dân ở đây chỉ tay về phía cồn đất nhô ra ở phía bờ thuộc xã Tịnh Khê bảo, hồi trước đứng bên này gọi to tiếng là bên kia nghe thấy trả lời, giờ xa cách vời vợi. Còn cửa biển này, hồi trước cách bờ tầm 300m là làng mạc, nhà dân sinh sống, bao quanh là rừng dừa và phi lao cùng vô số hồ tôm. Vậy mà, bây giờ chỉ còn trong ký ức. “Người làng chúng tôi không quên được vào năm 2013, sạt lở đã cuốn trôi hơn 100m, sau đó tỉnh làm kè chống sạt lở nhưng chỉ bảo vệ được đoạn nhỏ, còn lại những khu vực không có kè đất vẫn trôi ra biển mỗi năm. Năm nào bà con ở đây cũng nơm nớp nỗi lo”, ông Đại nói.
Niềm vui cho cư dân làng chài
Cũng từng sống trong cảnh sạt lở, nhưng giờ đây nhiều người dân ở các thôn Phước Thiện, An Cường (xã Bình Hải) không còn những giấc ngủ chập chờn. Bởi lẽ, tuyến kè chắn sóng được xây dựng hoàn thành, đảm bảo an toàn cho gần 200 hộ dân với 800 nhân khẩu. Người dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cũng yên tâm khi tuyến kè kiên cố được dựng lên với hàng nghìn khối phá sóng Accropode chạy dọc hơn 1km. Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Minh Vương cho biết, tuyến kè Sa Huỳnh hoàn thành, đưa vào sử dụng có vai trò bảo vệ 450 hộ dân với gần 2 nghìn nhân khẩu và nhiều công trình xã hội khác.
|
Lê Đức