(Báo Quảng Ngãi)- Huyện miền núi Sơn Tây đang là địa bàn có thủy điện nhiều nhất tỉnh, với 9 công trình đã và đang xây dựng, phân bố trên hai dòng sông ở phía đông và phía tây huyện. Trong đó, nhánh chảy từ Kon Tum đổ về Quảng Ngãi, qua ngã ba Ngọc Tem rồi về xã Sơn Lập dài chỉ khoảng chục kilômét nhưng có đến 4 thủy điện.
Kể từ khi xuất hiện các thủy điện, ở ngã ba sông Đăk Sê Lô thì nơi đây được đặt cho cái tên là "ngã ba công nghiệp điện". Cũng từ đây câu chuyện giữ rừng ở vùng cao này bắt đầu được nâng cấp, vì nếu xem nhẹ việc này thì mục tiêu phát triển bền vững khó thành công với cả chủ đầu tư và địa phương.
Khai thác lợi thế để phát triển
Bao đời nay, núi rừng ở ngã ba sông Đăk Sê Lô giữa xã Sơn Lập (Sơn Tây) và Ngọc Tem, huyện Kon Plông (Kon Tum) chỉ có tiếng chim hót, tiếng vi vu cành lá khi có những cơn gió lùa. Đến một ngày của năm 2015, sự yên ắng ở nơi đây đã bị "đánh thức" bởi đại công trình thủy điện.
Trung tâm điều hành thủy điện Sơn Trà 1C. Ảnh: Th.Nhị |
Để xây dựng thủy điện Sơn Trà 1A, 1B, 1C, nhà đầu tư là Công ty CP 30-4 Quảng Ngãi thuộc Tổng Công ty CP Đạt Phương đã nhiều lần điều chỉnh phương án, thay đổi giải pháp công nghệ theo hướng giảm tối đa sự tác động đến môi trường, nhất là giảm diện tích rừng bị ảnh hưởng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Đạt Phương Lương Minh Tuấn chia sẻ, tất cả các đơn vị từ chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu cung cấp các thiết bị... đều là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thủy điện hiện nay, nên đã giảm tối đa diện tích rừng bị ảnh hưởng.
Cách đây hơn 10 năm, khi hay tin dự án thủy điện Sơn Trà 1 (khi ấy do một doanh nghiệp ở Gia Lai nghiên cứu) dự định “lấy đi” 90ha đất và rừng phòng hộ ở Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), chúng tôi đã lặn lội lên tận nơi, ở lại 3 ngày đêm để góp phần cùng người dân địa phương “tìm cách” giữ lại “lá phổi xanh” quý giá. Trong tài liệu dự án dày cộp, lại là dân ngoại đạo, chúng tôi chỉ có thể tìm thấy một thông tin sáng nhất để dựa vào đó lên tiếng thay cho những cánh rừng bạt ngàn xanh. Đó là chi tiết nhà đầu tư đã chia dự án thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn đề xuất lấy 45ha đất và rừng phòng hộ. Mục đích là lách luật, qua mặt cơ quan chức năng để thực hiện bằng được việc phá 90ha đất và rừng phòng hộ, bởi lẽ theo quy định lấy 50ha đất và rừng phòng hộ thì phải thông qua Quốc hội. Chúng tôi đã lên tiếng, được dư luận quan tâm và dự án dừng lại.
Câu chuyện giữ rừng
Sau 5 năm đề xuất, dự án thủy điện Sơn Trà 1, với tổng diện tích đất và rừng phòng hộ sẽ lấy là 90ha của doanh nghiệp Gia Lai đã bị ách lại, sau đó chuyển nhượng cho Tổng Công ty CP Đạt Phương để nghiên cứu lại theo phương án mới. Một sự thay đổi ngoạn mục, từ diện tích 90ha đất và rừng phòng hộ, tổng công suất lắp máy 42MW, di dân 35 hộ, nhà đầu tư mới đã điều chỉnh lại dự án mới hầu như không mất đi diện tích rừng phòng hộ, thay vào đó là giải pháp thay đổi toàn bộ công nghệ, nâng tổng công suất lên 69MW và không có hộ dân nào phải di dời tái định cư. Lối tư duy cũ kỹ là "bạt núi, xẻ đồi, lấp sông, đập đất" đã bị loại ra khỏi sân chơi kinh tế thủy điện. Áp dụng giải pháp này, nhà đầu tư đã mang đến cho huyện Sơn Tây các công trình thủy điện Sơn Trà 1A, 1B, 1C hiệu quả, nộp ngân sách nhà nước khoảng 55 - 65 tỷ đồng/năm.
Rừng phòng hộ ở đây được chính chủ đầu tư thủy điện cùng với người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, Ca Dong ở hai bên bờ sông Đăk Sê Lô gìn giữ như báu vật. Bên kia sông 83 hộ dân làng Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) chia làm 4 tổ lần lượt tuần tra. Theo đó, cứ 5 ngày tuần tra rừng một lần, qua đó phát hiện, ngăn chặn không cho phá rừng làm rẫy, chặt cây lấy gỗ.
Thủy điện Sơn Trà 1C vừa được hoà vào lưới điện quốc gia. Anh: Th.Nhị |
Với các nhà máy thủy điện, việc bảo vệ nghiêm ngặt người ra, vào nơi đây đã thật sự là hàng rào cảnh giới, ngăn không cho các đối tượng theo đường đi của nhà máy để vào rừng. Lực lượng bảo vệ rừng quanh các thủy điện còn có người dân bên này sông thuộc xã Sơn Lập (Sơn Tây). Khi thấy người lạ xuất hiện, người dân lại báo cho kiểm lâm địa bàn và lực lượng công an, chính quyền xã. Từ tin báo của người dân, công an huyện phối hợp với kiểm lâm đã bắt nhiều vụ vận chuyển gỗ do các đối tượng ở Quảng Nam thực hiện khi đang lưu thông qua địa bàn này... Trò chuyện về thủy điện cùng người dân giữ rừng phòng hộ, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết, gần đây, một số khu vực trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng phá rừng, nhưng riêng khu vực gần thủy điện thì rừng được giữ rất tốt. Đó là nhờ nhân dân quý rừng và thủy điện tồn tại, phát triển cùng rừng nên tích cực bảo vệ.
Ở "ngã ba công nghiệp điện" trên dòng Đăk Sê Lô, hiện đang có một thực tế là nhà đầu tư thủy điện cố gắng giữ lại những cánh rừng bằng thiết kế thông minh và giải pháp công nghệ hiện đại. Bởi hơn ai hết, chủ nhân những công trình thủy điện này hiểu rất rõ, nếu rừng không còn thì nước cũng hết và nước hết thì thủy điện sẽ tồn tại một cách lay lắt.
Còn với người dân và chính quyền, giữ rừng là giữ vốn quý, giữ mạch sống xanh tươi. Cái bắt tay giữ rừng từ ba phía: Thủy điện - người dân - chính quyền ở ngã ba sông rất chặt chẽ. Mỗi một cây rừng sum suê cành lá, vươn cao từng ngày là niềm vui của những người giữ “lá phổi xanh”. Cây còn đứng, lá còn xanh là rừng còn, còn sự sống, còn nguồn lợi về nhiều mặt cho cuộc sống hôm nay và mai sau...
THANH NHỊ