Xóm Lân, 20 năm mỏi mòn chờ tái định cư

05:10, 06/10/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Hơn 2 thập kỷ trôi qua, giấc mơ tái định cư của người dân xóm Lân, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) vẫn còn dang dở. Vào mùa mưa bão, những ngôi nhà cũ nát lại rung lên theo từng cơn gió. Bên ngoài vách nhà, cứ mỗi mùa lũ đi qua, con nước lại liếm dần từng khoảnh đất...
[links()]
 
Xóm Lân ở xã Tịnh Long, (TP Quảng Ngãi) nguyên là một mỏm đất chìa ra sông. Những năm cuối thập niên 1970, do con nước gây xói lở chia cắt xóm thành một ốc đảo giữa sông Trà Khúc. Bắt đầu từ đó, cây cầu tre được dựng tạm mỗi khi mùa lũ đi qua và trở thành con đường độc đạo ra – vào ốc đảo này. 
 

Chênh vênh bên mép sông
 
 
Từ năm 2000 đến nay, tình trạng sạt lở ở xóm Lân ngày một nghiêm trọng hơn. Những khoảnh đất canh tác của người dân cứ thế đổ ập xuống sông, trôi dần ra biển mỗi khi mùa lũ đến. Năm này qua năm khác, bờ sông Trà Khúc ngày một áp sát mái hiên nhà dân. “Những đêm mưa to, gió lớn, nghe tiếng ầm đằng sau nhà, sáng dậy thì thấy đất bị lở vào đến 5m. Qua mỗi năm, sông lại “ngoạm” lấy cù lao này từ 5 - 10 mét. Đến nay, nhiều gia đình rơi vào cảnh mất đất, mất nhà”, bà Đỗ Thị Dung xót xa.
 
 
Năm 2003, dự án di dân vùng sạt lở ven sông được triển khai. Theo đó, toàn bộ 176 hộ dân ở xóm Lân được cơ quan chức năng bố trí đất ở tại khu tái định cư Đồng Bến Sứ. Nhưng vì thiếu đất, địa phương chỉ giải quyết tái định cư đợt đầu cho 139 hộ. Những hộ này đã nhanh chóng gói ghém, thu dọn đồ đạc về nơi ở mới. Bà Đỗ Thị Dung là một trong số 39 hộ dân còn “sót lại” sau đợt di dời, thì vẫn phải chung sống với những hiểm họa sạt lở luôn rình rập từ đó cho đến nay.
 
 
 
Khoảng chục năm trước, vợ chồng bà Đỗ Thị Dung (48 tuổi) vay mượn xây dựng được ngôi nhà cấp 4, cách mép sông hơn 200m. Nhưng do con nước lũ gây sạt lở quá nhanh, nên nợ thì chưa trả xong, mà ngôi nhà thì sắp ngã nhào xuống sông. 
 
Căn nhà cấp 4 dù đã cũ nát, không biết sập và bị cuốn trôi bất cứ lúc nào, nhưng gia đình bà Dung thì không thể xây dựng nhà mới, hoặc sửa chữa, bởi đất đang nằm trong vùng dự án, cấm mọi hoạt động xây dựng. Mỗi lần nghe tin bão lũ chuẩn bị về, 4 người trong gia đình bà Dung phải dời đến ở nhờ ngôi nhà bỏ hoang trong xóm Lân ở tạm.
 

Trời đã sang đông, vợ chồng bà Phạm Thị A (69 tuổi) gần nhà lại phập phồng lo sợ trong ngôi nhà chực chờ đổ sập vì quá lâu không được xây, sửa lại. Ông bà đều đã tuổi cao, sức yếu, bệnh tật chẳng biết xoay xở thế nào nếu nước lũ dâng cao, cuốn trôi mất nhà. "Năm trước, nước lớn và chảy xiết lắm! Đồ đạc trong nhà đều bị cuốn trôi. Giờ đã đến mùa mưa lũ, ai ai trong xóm cũng lo sợ. Chỉ mong các cấp quan tâm và hỗ trợ để chúng tôi được di dời đến chỗ ở mới, ổn định cuộc sống khi về già", bà A giọng buồn.

 
Những ngôi nhà xây lén
 
Cách đây vài năm, chị Trần Thị Bích Thủy – cô con gái đầu của ông Trần Hưng (52 tuổi) lấy chồng. Nhà ông Hưng có hơn 2 sào đất, cắt vài trăm mét cho con gái cất nhà không phải chuyện lớn. Vấn đề đáng nói là, hơn 18 năm qua, xóm Lân “nằm trong vùng dự án” nên không được phép xây dựng. Vợ chồng chị Thủy đành ở tạm trong một gian phòng nhỏ, chật chội ở gian bếp của ông Hưng. Đến khi chị Thủy mang thai, nghĩ đến tương lai đứa nhỏ trong bụng, gia đình quyết định xây “chui” một ngôi nhà để bọn trẻ ra riêng.
 
Ba thế hệ gia đình ông Hưng còn
Ba thế hệ gia đình ông Hưng còn "sót lại" trên ốc đảo xóm Lân.
 
Để tránh bị cán bộ địa phương phát hiện, ông Hưng chỉ được xây nhà vào thứ bảy và chủ nhật. Sau 1 tháng thì nhà hoàn thành, gồm một phòng ngủ, một phòng khách và gian bếp, nhanh hơn nhà anh trai của Thủy được xây trước đó. Nhà anh trai được dựng trên nền cái chuồng bò cũ của ba mẹ, phải mất gần 2 tháng mới hoàn thiện. Lần nào xây nhà, tường gạch cao vài phân là ông Hưng cho dừng lại, nghe ngóng. Ông sợ ngôi nhà mới xuất hiện quá đột ngột sẽ bị phát hiện. Hàng xóm xung quanh, nhiều người đã phải tháo dỡ nhà đang xây sửa, chưa kể lập biên bản phải nộp phạt. 
 
Tổ ấm của 2 người con ông Hưng xây trót lọt, cũng là lúc cả đại gia đình ba thế hệ thoát được tình cảnh 10 người dùng chung một nhà vệ sinh. Ông Hưng chép miệng tiếc nuối: “Biết làm vậy là trái quy định, nhưng hết cách rồi”. Nối tiếp lời ông, chị Thủy nói: “Không chắc chắn lắm, nhưng ở được tới đâu thì hay tới đó, còn hơn tốn tiền thuê. Thế này đã tốt hơn xưa kia nhiều rồi”.
 
Một khúc sông, hai thế giới
 
Hơn 20 năm trôi qua, nhiều nơi trong tỉnh đã có nhiểu đổi thay, nhà cửa sầm uất, đường sá khang trang, còn ốc đảo xóm Lân thì vẫn vậy. Những ngôi nhà nơi ốc đảo này như "cụ già hom hem", "ốm yếu", cứ thế lay lắt qua từng mùa bão lũ. Lớp người cũ nằm xuống, lớp thanh niên trai tráng già đi, lớp trẻ con lớn lên lập gia đình rồi sinh con. Cứ thế, nhiều thế hệ dân ở ốc đảo Xóm Lân bị “rớt lại” ở đợt 1 vẫn mong chờ tái định cư.

Nhàn – cô con gái út của ông Hưng, học sinh lớp 4, đi học trên con đường đất ngoằn nghèo phủ đầy lá tre. Hai bên đường là những ngôi nhà hoang chỉ còn trơ trọi bốn bức tường. Mùa mưa, nước sông dâng cao, có lúc ông Hưng phải cõng con qua chỗ ngập. Cứ đêm xuống, người dân lại dắt nhau ra đứng đầu cầu tre nhìn về phía bên kia sông để ngóng chờ con và người thân về... 

 
Cuối năm 2016, tuyến đường Mỹ Trà – Mỹ Khê (nay có tên là đường Hoàng Sa) đi vào hoạt động. Đây là dấu mốc đầy hứa hẹn để 39 hộ dân còn "sót lại" trong ốc đảo này sau nhiều đợt di dời không thành có cơ hội đến nơi ở mới. 
 
Bà Trần Thị Được (89 tuổi) còn nhớ như in tâm trạng của mình trong những ngày đầu nhận tin xóm Lân được di dời. Bà liên tục hỏi thăm cán bộ trong xóm và con cháu xung quanh. Bà mừng mấy ngày liền, còn nói với tụi nhỏ trong xóm sắp được đi khỏi vùng đất hay ngập lũ và chia cắt này rồi. “Rồi thế hệ con, cháu sẽ không phải khổ cực chạy lũ nữa đó bây”, bà Được khấp khởi.
 
 
Tiếp đến, vào năm 2017, tròn một thập kỷ sau đợt di dân đầu tiên, chính quyền địa phương thông tin, tỉnh bố trí cho 39 lô trong khu dân cư Cây Sến, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) thuộc dự án di dời thực hiện đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Bà Được nghe loa thông báo lại vui mừng, miệng lại móm mém hớn hở: “Sắp được di dời rồi đó bây”. 
 
Nhưng rồi, bà Được và những hộ dân ở khu vực này vẫn chấp nhận rủi ro để bám trụ ở vùng sạt lở này vì cho rằng “không công bằng”. Họ bảo, 139 hộ dân trước kia đến nơi ở mới nhưng vẫn giữ được đất đai, cây trồng, vật kiến trúc tại nơi ở cũ. Còn bây giờ, 39 hộ trên ốc đảo muốn tái định cư thì phải áp dụng theo quy định mới, phải đi kèm với thu hồi đất nơi ở cũ mà không được hỗ trợ một khoảng nào cả. 
 
Đến năm 2019, ốc đảo xóm Lân được dự tính quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái hàng trăm hecta và nhiều hạ tầng giao thông khác. Bà Được lại hăm hở đi nghe người ta thuyết minh về triển vọng phát triển khu du lịch sinh thái ốc đảo, rồi nói như chắc mẩm: “Kỳ này di dời thiệt đó bây”. Nhưng rồi, cũng như nhiều hộ dân ở đây, bà Được lại mừng hụt thêm một lần nữa.
 
 
Nhiều năm trôi qua, con đường tới trường của đám trẻ xóm Lân vẫn phủ đầy lá tre. Mùa mưa, nước ngập đường. Nước rút, bùn lún nửa bánh xe. Bão, lũ về, ba mẹ bọn trẻ lại tay xách, nách mang cặp vở đưa con lên đò sang bên kia sông đi học. Câu chuyện tái định cư vẫn kéo dài, chưa đến hồi cuối.
 
Lâu rồi, ông Hưng thôi không theo dõi tin tức về kế hoạch dự án di dân xóm Lân của thành phố. Nhìn bên kia bờ sông sầm uất, mắt ông ánh lên những tia sáng, nhưng gương mặt lại buồn. Ông quay mặt nhìn về phía bờ sông Trà Khúc khi mây đen bao phủ cả một khoảng trời rộng lớn, thở dài và nói: - Một mùa mưa lũ nữa lại đến! 

Thực hiện: THỦY TIÊN - THANH NHÀN

 
 

.