(Báo Quảng Ngãi)- Đó là mùa hè của 55 năm về trước, tại chiến trường Ba Gia ở phía tây huyện Sơn Tịnh, quân và dân ta làm nên một chiến thắng vang dội, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng miền Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những người lính Cụ Hồ tham gia chiến dịch Ba Gia vẫn nhớ mãi một thời oanh liệt. Với họ, khói lửa chiến trường mùa hè năm ấy, chiến thắng của chiến dịch lịch sử năm ấy là bản hùng ca không thể nào quên.
Chiến thắng Ba Gia mãi là trang sử hào hùng của quân và nhân dân ta. Ảnh: Ngọc Đức |
Bí mật chiến trường
Lục lại ký ức và vài kỷ vật của cuộc chiến năm xưa, cựu chiến binh Phan Công Chánh hào hứng kể: "Đây là súng ngắn, đây là bi đông đơn vị tôi thu được của địch. Còn chiếc ba lô này là của tôi. Tôi giữ lại những kỷ vật của chiến dịch Ba Gia để làm kỷ niệm".
Những kỷ vật mang theo từ trận đánh Ba Gia năm xưa được ông Chánh cất giữ cẩn trọng trong suốt 55 năm qua. Ngày ấy, ông Chánh là Đại đội trưởng Đại đội thông tin, Trung đoàn Ba Gia. Làm nhiệm vụ kết nối liên lạc để hiệp đồng tác chiến, nên những tin tức chiến trường, chiến thuật chiến đấu thuộc về bí mật, ông đều biết rõ.
Tượng đài chiến thắng Ba Gia và đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ được xây dựng khang trang dưới chân núi Tròn, thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm |
Ông Chánh nhớ lại: Lúc ấy, chiến trường miền Nam nói chung và khu tây huyện Sơn Tịnh nói riêng rất khó đưa quân chủ lực vào, bởi với chiến lược chiến tranh đặc biệt, chính quyền Sài Gòn đã lập ra các "ấp chiến lược", tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng. Chính quyền tay sai của địch có mặt khắp nơi. Nhất cử, nhất động của bộ đội đều bị chúng phát hiện và tập trung ứng phó. Vùng khu tây Sơn Tịnh bị chính quyền Sài Gòn dồn dân, lập ấp chiến lược kiểm soát gắt gao.
Mùa hè năm 1965, Khu ủy Khu 5 đã quyết định đưa Trung đoàn 1 từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi để mở chiến dịch Ba Gia, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực của địch, đồng thời hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và mở rộng vùng giải phóng từ miền núi xuống đồng bằng.
Để thực hiện trận đánh này, Quân khu 5 đã bí mật bố trí lực lượng từ Quảng Nam qua vùng núi Trà Bồng, để xuống vùng phía tây Sơn Tịnh. Lực lượng gồm 4 Tiểu đoàn (40, 60, 90 và 45, thuộc Trung đoàn 1) tiến vào các trận địa ở các xã Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Bình. "Khi một đơn vị tập kết xong, chỉ cần thông báo qua hệ thống thông tin liên lạc bằng mật lệnh. Thế nên, quân địch không thể do thám được gì về quân chủ lực của ta có mặt tại trận địa. Chỉ trong 7 ngày cuối tháng 5 năm 1965, cả 4 tiểu đoàn chủ lực của ta chuẩn bị cho trận đánh trong điều kiện không hầm hào, công sự mà vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Đó là bởi ta có “trận địa lòng dân” vững chắc trong vùng chiến sự", ông Chánh chia sẻ.
Cựu chiến binh Lê Văn Thọ, nguyên Tiểu đội trưởng Trinh sát, đơn vị được Quân khu 5 tăng cường cho chiến dịch Ba Gia thì hào hứng cho biết: "Địch ở tứ phía, ở trên là đồn, xung quanh là ấp chiến lược, nhưng bộ đội ta ém quân những nơi mà địch không nghĩ tới. Vì vậy, khi quân ta xuất kích, địch rất bất ngờ".
Nói về trận đánh Ba Gia, cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Chiến thắng Ba Gia cuối tháng 5.1965 tại Quảng Ngãi là một trận tiêu diệt chiến tuyệt đẹp của quân ta. Chỉ trong vòng 2 đến 3 ngày trên một hướng tác chiến, quân ta diệt gọn một chiến đoàn của địch, gồm 3 tiểu đoàn... Lần đầu tiên trên một địa hình không thuận lợi và đặc biệt địch chiếm ưu thế về binh lực, hỏa lực so với ta, thế mà ta không những dám đánh mà còn tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch, bắt nhiều tù binh, thu được nhiều vũ khí; còn bên ta thương vong ít”. |
"Nhanh như Chóp Nón, gọn như Ba Gia"
Ngoài việc bố trí bí mật xuống vùng đồng bằng của quân chủ lực ngày ấy, trong trận đánh Ba Gia, còn cho thấy nghệ thuật chiến tranh của quân và dân ta vô cùng độc đáo. Dù tuổi đã cao, sức yếu, nhưng nguyên Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 45, Trung đoàn 1 Lê Ngọc Lịnh, người trực tiếp chiến đấu tại đồi Chóp Nón năm ấy nhớ lại: Khi chiến trường đã chuẩn bị xong, rạng sáng 29.5.1965, Tiểu đoàn 90 của ta nổ súng tấn công Trung đội dân vệ, buộc quân ngụy trên đồn Gò Cao phải xuống chi viện.
Chỉ trong buổi sáng hôm ấy, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Tiểu đoàn 1 của quân địch tại Ba Gia. Để giành lại chiến trường, sáng hôm sau, quân địch tổ chức máy bay, xe bọc thép từ thị xã Quảng Ngãi tiến lên chi viện. Đêm hôm ấy, tôi trực tiếp dẫn quân lên tấn công quân ngụy tại đồi Chóp Nón. Tất cả các lực lượng của ta lúc bấy giờ được lệnh thực hiện phương châm là đánh nhử, diệt viện, kéo địch ra trận địa mà đánh.
Còn ông Phan Công Chánh thì cho hay: Quân ta đánh theo kiểu bám thắt lưng địch mà đánh. Cách đánh này cho thấy quân ta rất gan dạ, dũng cảm và đầy sáng tạo. Bởi lẽ, với ưu thế vượt trội về hoả lực mạnh từ xa của địch, thì chỉ có kè kè sát địch, thì hoả lực của chúng mới không thể yểm trợ được. Qua 3 ngày đêm, bộ đội ta đã cơ bản tiêu diệt một chiến đoàn địch, bẻ gãy cuộc hành quân cứu viện giải tỏa của chúng, tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến, phá hủy hàng chục ấp chiến lược, giải phóng 5 xã phía tây huyện Sơn Tịnh.
Từ trận đánh Ba Gia, Trung đoàn 1, Quân khu 5 trở thành đơn vị thiện xạ. Sau này, đơn vị đã tham gia 56 đợt hoạt động và chiến dịch, đánh hơn 2.400 trận lớn và hàng nghìn trận tác chiến quy mô nhỏ, với khẩu hiệu chiến đấu "Nhanh như Chóp Nón, gọn như Ba Gia".
Tròn 55 năm đã qua, núi Tròn, núi Khỉ... giờ vẫn hiên ngang. Chiến công oanh liệt của “Chiến thắng Ba Gia” mãi là trang sử hào hùng của quân và dân ta.
Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) ra đời ngày 20.11.1963. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, lập nên nhiều chiến công vang dội, ba lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt có một chiến thắng đã gắn liền với tên tuổi của đơn vị - Chiến thắng Ba Gia. |
Bài, ảnh: X.THIÊN