Người "truyền lửa" về trận đánh Ba Gia

02:05, 31/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua những câu chuyện của người trực tiếp tham gia trận đánh Ba Gia cách đây 53 năm (31.5.1965) đã để lại trong thế hệ trẻ địa phương hôm nay niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, từ đó ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha anh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Đồng.
Ông Nguyễn Đồng.

Nằm dưới chân núi Tròn, cách tượng đài Chiến thắng Ba Gia chừng một cây số, ngôi nhà của ông Nguyễn Đồng được ôm ấp bởi cánh đồng Diên Niên đang vào mùa gieo sạ vụ hè thu. Nay đã bước sang tuổi 92, nhưng ông Nguyễn Đồng, nguyên Chính trị viên Xã đội Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), người trực tiếp tham gia trận đánh Ba Gia 53 năm trước vẫn rất sôi nổi mỗi khi nhắc lại trận đánh năm xưa. Những câu chuyện kể của ông về trận đánh năm ấy cũng là món quà vô cùng ý nghĩa đối với nhiều thế hệ đoàn viên, thanh niên, học sinh ở huyện Sơn Tịnh...

Dịp kỷ niệm 53 năm Chiến thắng Ba Gia năm nay, ông Đồng lại dành câu chuyện ấy cho chúng tôi. Trong cái nắng oi bức của trưa hè, ông say sưa kể về trận đánh quyết liệt năm ấy. Mỗi một câu chuyện, sự việc về trận đánh đó, ông đều đưa tay chỉ về hướng núi Chóp Nón, núi Khỉ, chỉ về phía tượng đài chiến thắng... để minh chứng cho câu chuyện, khiến chúng tôi cuốn hút vào lời kể của ông.

 

Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày Chiến thắng Ba Gia (31.5.1965-31.5.2019), trong ngày 31.5 và 1.6 Huyện đoàn Sơn Tịnh phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện tổ chức Hội trại hè tại xã Tịnh Bắc. Hội trại có sự tham gia của 25 đơn vị trường học và xã đoàn.  Trong khuôn khổ hoạt động trại hè, sẽ tổ chức dâng hương tại tượng đài Chiến thắng Ba Gia và tìm hiểu về chiến thắng Ba Gia.


Mỗi lần gặp các cháu học sinh, bác thường kể những gì? Tôi hỏi. Ông Đồng cười tươi, rồi nói: "Tôi chứng kiến được gì thì kể nấy. Đã nói về lịch sử là phải chính xác". Đó là chuyện việc chuẩn bị cho trận đánh, rồi sự ác liệt trong 3 ngày đêm và sau trận chiến thần tốc ấy là việc thu dọn chiến trường... Chẳng hạn, trong trận đánh ngày đầu tiên (29.5.1965), đơn vị của ông bắt sống 81 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Khi trận đánh kết thúc, quân chủ lực của ta rút về vùng Vạn Tường, thì lực lượng dân quân của xã phải thu dọn chiến trường; hay suốt 7 đêm liền sau trận đánh, vùng trời Ba Gia rực sáng bởi pháo sáng của quân địch... làm cho câu chuyện kể của ông càng thêm sinh động.

Tượng đài chiến thắng Ba Gia dưới chân núi Tròn.
Tượng đài chiến thắng Ba Gia dưới chân núi Tròn.


Bí thư Đoàn xã Tịnh Sơn Nguyễn Đức Nỡ cho biết, bác Nguyễn Đồng là người trực tiếp tham gia trận đánh Ba Gia còn sinh sống tại địa phương. Đây là may mắn cho đoàn viên thanh niên chúng tôi và các em học sinh trên địa bàn xã. Mấy năm gần đây, vào dịp kỷ niệm chiến thắng Ba Gia, Xã đoàn phối hợp với các trường học mời bác Đồng đến kể chuyện về trận đánh. Qua câu chuyện chiến thắng Ba Gia của bác giúp thế hệ trẻ chúng tôi thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, cảm nhận được những hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh đi trước, từ đó ra sức phấn đấu học tập, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Chia sẻ với chúng tôi, bác Đồng nói: Còn sống ngày nào, tôi cũng sẽ cố gắng kể lại những gì đã diễn ra trong trận Ba Gia năm xưa cho lớp con cháu hôm nay để biết. Đó cũng là trách nhiệm của một cựu chiến binh trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc của quê hương cho lớp trẻ. Là con em vùng quê cách mạng thì các cháu phải hiểu để trân trọng gìn giữ và phát huy truyền thống ấy trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay.

Câu chuyện về trận đánh Ba Gia lịch sử cách đây 53 năm luôn được các thế hệ tiếp nối lưu giữ như là sự tri ân những anh hùng, liệt sĩ và nhân dân nơi đây đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Đó cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây về vùng quê cách mạng anh hùng mang tên Ba Gia đã đi vào lịch sử của dân tộc.


Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.