Trở lại Làng Rêu giữa mùa... Covid-19

04:04, 19/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giữa nỗi lo của nhân loại về dịch Covid-19, chúng tôi trở lại thôn Làng Rêu, xã Ba Điền (Ba Tơ)- nơi cách đây gần chục năm là tâm điểm của bệnh “viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân” cướp đi bao sinh mạng người dân và làm đảo lộn cuộc sống nơi vùng sơn cước này. Từng chịu sự dày vò của dịch bệnh, giờ nghe dịch Covid-19, người làng càng có ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch...
Làng Rêu nằm bên sườn núi Dốc Cọp giáp với xã Long Môn (Minh Long). Từ TP.Quảng Ngãi về làng, chúng tôi mất 3 tiếng đồng hồ để vượt gần 70km với nhiều đoạn dốc núi. Thời điểm cuối tháng 3, hoa gạo bên đồi nở bung sắc thắm. Dưới những chân đồi, lúa chín vàng ươm, tạo nên những sắc màu lung linh, yên bình trong nắng chớm hạ nơi vùng cao sơn cước.
 
Bệnh chết người...
 
Đến Làng Rêu khi trời đã đứng bóng, đó cũng là lúc loa phát thanh của xã phát đi những thông điệp phòng, chống dịch Covid-19. Ngồi bên đầu tra nhà sàn tọa lạc trên triền đồi, dõi mắt về lũ trẻ, già Phạm Thị Sang (70 tuổi) chậm rãi nói: “Từ Tết đến nay, bọn trẻ chưa đến trường. Nghe đài, ti vi thông báo, tất cả ở nhà để phòng dịch Covid-19 cho mình và cho mọi người, già khuyên trẻ ở làng và con cháu trong nhà không nên đi đâu xa”. 
Đường về Làng Rêu đã được bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi.
Đường về Làng Rêu đã được bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi.
 
Bà Sang từng tham gia công tác hậu cần phục vụ kháng chiến. Những ngày giá rét nơi rừng rậm, bùn lầy ở ruộng sâu, bà đều kinh qua, nhưng bà vẫn khỏe mạnh phục vụ, bộ đội đánh địch. Cả làng góp sức cho chiến tranh, nhưng ít người ngã xuống vì bom đạn. Vậy mà, cách đây chừng 10 năm, Làng Rêu bùng phát căn bệnh chưa từng xuất hiện. Từ một người, căn bệnh dần lây lan ra trên địa bàn xã, rồi cướp đi bao sinh mạng của người dân thôn Làng Rêu. Nhiều gia đình có con xa mẹ, vợ xa chồng, bà xa cháu... để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại. 
 
Bữa cơm thanh bình ở nhà bà Phạm Thị Sang ở Làng Rêu.
Bữa cơm thanh bình ở nhà bà Phạm Thị Sang ở Làng Rêu.
 
Giờ, già Sang nghe đến dịch Covid-19 đang lây lan nhanh, đã gây chết hàng chục nghìn người trên thế giới, già rùng mình trước những căn bệnh quái ác. Cụ bà ở tuổi thất thập thở dài kể tiếp: “Ngày đó, trong làng, tôi chứng kiến hai người con và vợ ông Đáy đang khỏe mạnh. Sáng chiều đi làm đồng, làm nương, cười nói giòn tan. Vậy mà vài hôm sau, cả 3 người thân của ông đổ bệnh, vài ngày sau nữa hai con ông qua đời”.
 
Không dừng lại 1 - 2 người, mà số người chết cứ tăng dần lên trong nỗi đau tột cùng, bế tắc của người làng. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ, cúng Giàng, cúng thần núi, nhưng bệnh chẳng hề dừng lại. “Cứ nghĩ nhà ở trên triền cao mình sẽ không bị lây dịch, nhưng dịch nào có chừa ai. Ngày hôm trước tôi cùng chồng đi nương rẫy về, sáng hôm sau toàn thân đau nhức, má sưng, ngực tức, không ăn gì được. Thế là cán bộ y tế xã đưa đi bệnh viện, uống thuốc ba tháng liền mới khỏi bệnh”, chị Phạm Thị Ủi (40 tuổi), nhà sát bên nhà bà Sang, nhớ lại.
 
Nhưng Làng Rêu đâu có nhiều người may mắn như chị Ủi. Cả làng hoang mang. Nhiều gia đình ngồi bó gối nơi sàn nhà. Phụ nữ không dám ra con suối quen thuộc. Nhiều trai tráng trong làng vào rừng, leo núi như cơm bữa không dám lên nương rẫy canh tác. Trẻ em thì không dám đến trường... Khi ấy, nỗi ám ảnh của dịch bệnh bao trùm lên từng nóc nhà ở vùng cao heo hút này.
 
Trò chuyện với tôi, Chủ tịch UBND xã Ba Điền Nguyễn Anh Khoa vẫn nhớ như in: "Từ năm 2011 - 2014, toàn xã có 264 người mắc bệnh, trong đó có 24 người tử vong, rải đều ở 4 thôn Hy Long, Gò Nghênh, Làng Tương và Làng Rêu, trong đó nặng nhất là thôn Làng Rêu”. Sau khi căn bệnh lây lan nhanh, đã có hàng chục đoàn chuyên gia y tế, đầu ngành tỉnh, Bộ Y tế và WHO (Tổ chức Y tế thế giới) về khảo sát thực địa, thu thập thông tin, lấy mẫu nước, đất, thực phẩm, máu, tóc của bệnh nhân... để tìm nguyên nhân gây bệnh.
 
Trưởng thôn Làng Rêu Phạm Văn Đố kể: Ngày đó, ngày nào cũng có cán bộ, các đoàn về thăm, động viên. Có đoàn hỗ trợ gạo, mùng mền, thuốc bổ, thùng phi đựng lúa, bạt phơi lúa. Rồi dự án nước sạch triển khai. Nguồn nước mát đưa từ con suối Làng Tương về làng được lọc sạch sẽ, nguồn nước cũng ngọt, trong lành hơn. Ngành y tế đã tổ chức tuyên truyền, phát thuốc, phun hóa chất khử độc, làm vệ sinh môi trường và khám sàng lọc bệnh cho người dân vùng dịch...
 
Cũng từ lúc xảy ra dịch, chính quyền và ngành y tế đã “nằm vùng” khám chữa bệnh, giúp người dân phòng, chống dịch. Từ những việc ăn ở hợp vệ sinh (ăn chín, uống sôi), cách bố trí chuồng trâu, bò, vật nuôi xa nhà đến quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ đều được cán bộ hướng dẫn. Làng trên, xóm dưới có người đau ốm là động viên ra Trạm Y tế xã để khám và cấp thuốc chữa bệnh. Từ năm 2014 đến nay, xã Ba Điền không còn dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
 
Cuộc sống bình yên
 
Câu chuyện buồn ở Làng Rêu ngày nào đã dần đi vào quá khứ. Già Phạm Thị Sang đủng đỉnh nhai trầu cười hiền bảo: “Làng đi qua những trận dịch gây chết người, nên giờ ai cũng quý giá trị bình yên. Nhiều năm rồi, người dân trong làng đã ý thức phòng bệnh và lo sản xuất, trồng keo, chăn nuôi, nên có điều kiện làm nhà cả trăm triệu đồng, ăn ở sạch sẽ”. 
 
Con bà Sang, anh Phạm Văn Ối (chồng của chị K’Đối- người đã thoát khỏi bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) giờ đã là chủ thợ xây bộc bạch: “Đáng nể nhất là nhà ông Đáy. Ông có 3 người thân mất trong đợt dịch bệnh, nhưng ông đã vượt qua nỗi đau, trồng keo, chăn nuôi, dành dụm được hàng trăm triệu đồng xây ngôi nhà kiên cố “đúng đẹp” ở làng. Mà có phải mỗi mình ông Đáy đâu, ông Đếch, ông Lất - người cũng mang nặng nỗi đau do mất người thân cũng đã gắng gượng vượt qua để có cuộc sống tốt hơn.
 
Trong chiều tà, bóng tối sắp phủ xuống núi, nhưng Làng Rêu vẫn sáng bừng bởi ánh đèn điện ở nhiều ngôi nhà xây kiên cố. Trưởng thôn Làng Rêu Phạm Văn Đố chia sẻ: Cuộc sống khá dần, người làng bây giờ ai cũng biết mua thức ăn có chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Tình trạng để thức ăn un khói, dự trữ trên giàn bếp, hay để lúa trong chòi gây nên ẩm mốc không còn nữa. Người dân đựng lúa trong phi, đựng thức ăn trong tủ lạnh, rồi uống nước đã đun sôi. Mỗi khi đau ốm, đồng bào đều đến Trạm Y tế xã để khám, chữa bệnh.
 
Tạm biệt chúng tôi bên ánh điện sáng lung linh dưới chân núi Dốc Cọp, Chủ tịch UBND xã Ba Điền Nguyễn Anh Khoa bày tỏ: “Cơn ác mộng về dịch bệnh năm nào đã qua. Trải qua nguy nan người làng hiểu hơn giá trị của cuộc sống bình yên, nên nói đến phòng, chống dịch Covid-19 ai cũng ý thức thực hiện nghiêm túc việc phòng ngừa dịch bệnh”.
 
Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.