(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ cần vài cơn mưa lớn, họ lại kéo nhau đi ở nhờ nhà người khác. Hết mưa, hết bão, lũ rồi họ vẫn chưa thể về ở trong ngôi nhà của chính mình. Đó là những gì đang xảy ra ở khu dân cư bị sạt lở núi đe dọa ở xã vùng cao Ba Giang (Ba Tơ)...
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Chạy sạt lở"... từ nhỏ đến lớn
Hai cơn bão lớn số 5 và 6 đã đi qua nhiều ngày, nhưng các hộ dân ở xã Ba Giang (Ba Tơ) vẫn chưa thể trở về ngôi nhà của mình. Anh Phạm Văn Lên, Trưởng thôn Ba Nhà, xã Ba Giang, cùng hàng chục hộ dân khác đã phải chịu cảnh thấp thỏm, lo sợ sạt lở núi không biết bao năm rồi. Anh Lên bảo rằng: "Tôi bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm "chạy sạt lở". Ngày bé thì cha mẹ cõng. Lớn lên thì mình lại cõng người già, trẻ con mà chạy, vì sợ núi lở".
Các khu dân cư ở xã Ba Giang (Ba Tơ) nằm dọc theo sát bờ sông. |
Mấy năm nay, anh Lên được người dân bầu làm trưởng thôn, trách nhiệm lại thêm nặng nề khi mỗi mùa mưa lũ về. Ở nơi sóng điện thoại chập chờn, chỉ có đôi chân là phương tiện "truyền tin" nhanh nhất. Mưa nhỏ thì anh đến từng nhà nhắc nhở. Mưa lớn thì đánh kẻng, gọi to, để rồi cùng nhau đến nơi an toàn.
Gia đình anh Lên cùng 5 hộ dân khác hiện đang sinh sống ở khu dân cư phía bên kia con sông, mỗi lần nước lũ về đục ngàu, chảy cuồn cuộn như thác. Vì thế, những khi có nước thượng nguồn đổ về, là cả khu dân cư lại được xã Ba Giang "ưu tiên" đi trước. Mỗi nhà mang theo ít lương thực, thực phẩm, quần áo, dắt nhau vượt sông đi về phía Nhà văn hóa thôn Ba Nhà hay nhà người quen để ở nhờ.
Họ là những người di chuyển trước, nhưng bao giờ cũng là người trở về nhà sau cùng, thậm chí, khi hết bão rồi, họ vẫn chưa thể trở về nhà. Trong cơn bão số 5 và 6 vừa qua, họ rời nhà đi ở nhờ liên tục nhiều ngày.
Chúng tôi về Ba Nhà khi bão đã tan, nhưng chỉ có anh Lên và một vài người đàn ông trong làng qua sông, về nhà trước để thăm nom, dọn dẹp. Phụ nữ và trẻ em vẫn còn ở lại, chờ khi nào yên ổn mới được về...
Sống chung với "tử thần"
Cơn mưa lạnh đầu đông ngay trên bến sông, làm câu chuyện của chúng tôi với dân làng ở đây thêm trĩu nặng. Người phụ nữ tên Chia, ánh mắt mệt mỏi sau bao đêm lo âu, nói rằng: "Cứ mưa là ngủ không được. Đôi chân trèo đồi trồng keo, trồng mì không mỏi bằng chạy sạt lở đâu. Chỉ mong mưa lũ đừng về để mình được ở trong cái nhà của mình, nấu cơm trên bếp của mình thôi". Nhưng mong ước bình dị, chính đáng ấy dường như quá xa xôi đối với họ.
Tuyến đường trung tâm xã Ba Giang (Ba Tơ) bị sạt lở nghiêm trọng. |
Xã Ba Giang tách lập đã được 10 năm và được công nhận là xã ATK tròn 6 năm. Nhưng ngần ấy năm, người dân vẫn sống chung với cảm giác bất an vì sạt lở. Địa hình hiểm trở với hai bên là núi, chính giữa là sông. Khi xây dựng trung tâm hành chính xã và quy hoạch dân cư về sống tập trung, chính quyền đã phải bạt đồi để có mặt bằng xây dựng.
Địa chất vốn không ổn định, giờ lại thêm tác động từ bên ngoài, nhiều quả đồi cao có những khe nứt lên đến nửa mét. Rồi những quả đồi ngày một trọc dần, mưa xuống, những khe núi tạo lũ ống, quét xuống nhà dân. Mùa mưa nào Ba Giang cũng có nhà bị sập, ít thì vài ba cái, nhiều thì hàng chục nhà. Hết mưa, dân lại vay mượn dựng lại nhà, rồi lại thấp thỏm khẩn cầu mưa lũ đừng cuốn đi...
Về xã Ba Giang vào mùa mưa lũ, câu chuyện kinh hoàng về sạt lở của nhiều năm trước lại được đem ra nhắc nhớ như thể để nâng cao cảnh giác với thiên tai. Già làng Phạm Thị Ai, thôn Nước Lô kể lại, vào một đêm mưa gió giữa tháng 10.2013, ngọn núi Voang Mo Ơn phát ra âm thanh như sấm sét. Trong tích tắc, nửa quả núi đổ sập vây quanh 10 hộ dân và trụ sở trạm y tế xã, trường học. Vết nứt ngang rộng cả mét, kéo dài hàng trăm mét và cứ thế mỗi mùa mưa về lại rộng ra, dài thêm.
Nỗi lo còn đó...
Sau bão số 6, trời Ba Giang trong xanh. Sông, suối cũng không còn gầm thét như hôm bão về nữa. Thế nhưng, nước từ thượng nguồn đổ về khiến học sinh nhiều vùng vẫn chưa thể đến trường. Một số học sinh vùng sâu xuống trường phải mang theo khá nhiều quần áo để lỡ mưa, phải ở lại dài ngày tại trường thì có quần áo để mặc.
Chúng tôi gặp một tốp học sinh ở Gò Xuyên, Gò Lút xuống xã đi học sau bão số 6. Thức dậy từ sáng, đi bộ băng rừng bằng đường đất, qua nhiều đoạn sạt lở, các em đến được điểm trường ở trung tâm xã thì trời đã quá trưa. Lưng mang cặp xách, tay ôm một bọc quần áo, em Phạm Thị Thi ở Gò Xuyên, cho biết: "Mang theo quần áo, nếu mưa thì ở lại với thầy cô, bạn bè. Còn nắng ráo thì về nhà mình".
Người dân Ba Giang vượt sông trở về nhà sau bão số 6. |
Ở xã Ba Giang hoàn toàn không có sóng điện thoại. Vì thế, việc ở lại trường hay về, học sinh cũng không thể báo tin về cho cha mẹ biết được. Em Phạm Thị Thi bảo: "Nếu trời mưa là bố mẹ biết con sẽ ở lại trường, không về nhà. Có khi mưa lớn cả tuần, không về nhà được thì ba mẹ đi bộ lên trường tìm con"... Khi mưa lũ về, nhà trường chỉ có 2 phương án: Một là buộc học sinh phải nghỉ học; hai là bắt học sinh ở lại trường, nếu nước sông, suối chưa rút.
Chủ tịch UBND xã Ba Giang Trần Thị Thanh Thúy cho biết: Cả xã chỗ nào cũng có nguy cơ sạt lở núi, đe dọa tính mạng của người dân. Vì thế, muốn chọn nơi an toàn để di dời dân đến cũng rất khó. Ngọn núi Voang Mo Ơn cao hàng trăm mét, thường xuyên xảy ra sạt lở. Qua khảo sát cho thấy, có 2 điểm sạt lở và 1 vết nứt dọc theo sườn núi. Nếu những vết nứt này gây sạt trượt đất, toàn bộ Trung tâm hành chính xã Ba Giang, trong đó có điểm Trường Tiểu học & THCS Ba Giang, Trạm Y tế xã có nguy cơ bị vùi lấp hoàn toàn.
"Cái khó của xã Ba Giang còn là đường giao thông từ huyện về xã, từ xã đến thôn đều là đường độc đạo. Khi có sạt lở xảy ra, các khu dân cư hoàn toàn rơi vào tình trạng cô lập, khó tiếp cận", bà Thúy lo lắng.
Di dời người dân khỏi vùng sạt lở
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, huyện đã chỉ đạo xã Ba Giang trồng mới cây bản địa, không cho đào bới, xâm lấn khu vực có nguy cơ sạt lở tại núi Voang Mo Ơn; xây dựng phương án di dời dân toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, khi có sự cố thiên tai xảy ra. Về lâu dài, huyện đã xây dựng đề án di dân tổng thể vùng sạt lở núi Ba Giang, với tổng kinh phí 112 tỷ đồng. Đối với công tác tái định cư, huyện sẽ ưu tiên để người dân chọn vị trí, Nhà nước hỗ trợ tiền xây dựng, chứ không có quỹ đất để tái định cư tập trung như những địa phương khác.
|
Bài, ảnh: THANH NHỊ