Chuyện của Sang

03:11, 01/11/2019
.

 

---------------------------------------

(Baoquangngai.vn) - Trong ánh bình minh bừng sáng sau những ngày trời đông âm u, Sang nở nụ cười tươi trên con đường đến trường. Đó là nụ cười rất đặc biệt, khởi nguồn cho câu chuyện về cuộc đời và nghị lực của cậu bé viết chữ bằng chân.
 
 




ĐÔI CHÂN DIỆU KỲ


“Đôi chân của em làm được rất nhiều việc. Đôi chân thay thế cho đôi tay”, chuyện của Sang bắt đầu từ những câu chữ đơn giản như thế, nhưng lại đi vào lòng người một cách thổn thức. Cậu bé ấy là Nguyễn Tấn Sang, ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú (Mộ Đức), hiện là học sinh lớp 8C, Trường THCS Đức Phú.

 

 
Cậu bé Nguyễn Tấn Sang vẫn luôn nở nụ cười hồn nhiên và đôi mắt trong veo như một đứa trẻ, dẫu rằng năm nay đã 22 tuổi. Sang vẫn là một cậu bé, bởi lẽ cuộc đời của em chỉ thật sự ý nghĩa khi 15 tuổi, đó là ngày đầu tiên Sang được đến trường.
 
 
“Em sinh ra đã không may mắn như các bạn. Hồi nhỏ em mong ước được đi học, nhưng thầy, cô giáo bảo em là người khuyết tật không học được. Em thích đi học nên vẫn đến trường, bị bác bảo vệ rầy la, rồi đuổi về. Hồi đó đi cứ bị té ngã trầy xước khắp người, các cô chú ở gần nhà đỡ em dậy rồi bảo đừng đến trường nữa. Năm 15 tuổi em mới được đi học, nhờ cô Thủy ở Trường Khuyết tật tỉnh vào xin giúp. Hồi lớp 1, chân em cứng, nên cô giáo cầm chân cho viết.  Đi học có bạn bè, thầy cô vui hơn, chứ ở nhà buồn lắm…”, nghe Sang kể hành trình đến trường đầy nước mắt, mọi người ai nấy cũng đều không cầm được lòng mình.
Giờ thì Sang đã là học sinh lớp 8. Hôm rồi, Sang nói với mẹ: “Mẹ ơi, ở trường mấy em lấy con làm "hình mẫu" để viết trong bài tập làm văn”. Chị Đỗ Thị Bé, mẹ của Sang xoa đầu con trai bảo: “Phải rồi, con trai của mẹ giàu nghị lực nên các bạn lấy làm gương”.
 

Ở trường, Sang rất ít nói, vì giọng nói của em vẫn không được tròn tiếng. Dẫu thế, ánh mắt, nụ cười và đôi bàn chân của Sang như nói lên tất cả, đủ để thầy cô, học sinh trong toàn trường yêu mến và cảm phục.

 
Không phải ai cũng làm nên điều kỳ diệu như Sang. Cậu bé kẹp bút vào giữa hai ngón chân rồi nắn nót viết từng con chữ thay cho đôi tay co quắp. Với Sang, đó là con chữ của niềm mơ ước, là ý nghĩa của cuộc đời.

Để viết chữ đều và rõ nét, đối với Sang là cả một chặng đường thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Cái bảng đen ngày nào Sang dùng để tập viết nay vẫn còn. Ngày qua ngày, cậu bé miệt mài kẹp viên phấn vào chân tập viết chữ. Và đôi chân của Sang đã làm nên điều kỳ diệu.

Sang được đến trường trong niềm vui vô bờ bến. Tiết học ở trường của Sang giống như các bạn. Chỉ khác là số phận và nghị lực của một con người, là đôi chân thay cho đôi bàn tay để viết nên những con chữ.
 
Bàn, ghế của Sang cũng khác hơn, bàn học cũng vừa là ghế ngồi, do bố mẹ nhờ người quen đóng từ năm lớp 1. Lúc đầu, Sang được mẹ mua cho chiếc chiếu mang lên trường ngồi học. Cô giáo thấy thương, nên bảo gia đình đóng cho bàn học riêng.

Mỗi ngày, Sang đều chép lý thuyết vào vở trước khi đến lớp, vì viết chậm hơn các bạn. Từng con chữ đối với Sang là giá trị cuộc sống, bởi vậy cậu bé viết rất nắn nót, giữ vở sạch sẽ. Cô giáo Trần Thị Kim Oanh, dạy môn Sinh học, chủ nhiệm lớp 8C cho biết: "Sang rất hiền và chăm chỉ. Vừa rồi chấm bài kiểm tra môn Sinh, em được điểm 8. Tôi rất vui và tự hào về Sang".
 
Sang và em gái út học chung một lớp. Cô bé là lớp trưởng, trước đây học lớp chọn, nhưng đã xin qua học cùng để giúp đỡ anh. Ngày nào cũng vậy, Sang được em gái chở đến trường. Trên con đường làng quen thuộc, hai anh em chở nhau trên chiếc xe đạp như chở cùng những ước mơ.
Sang vẫn miệt mài viết chữ bằng chân.
Sang vẫn miệt mài viết chữ bằng chân.


MONG ƯỚC CỦA MẸ

---------------------------------------
Những ai đã làm mẹ có lẽ sẽ đau xé lòng khi sinh ra đứa con tật nguyền và chứng kiến con mình lớn lên trong thiệt thòi. Suốt 22 năm Sang lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, cũng là chừng ấy thời gian chị Bé khóc lặng thầm.
 
Lúc Sang còn nhỏ, chị đã không biết bao nhiêu lần cầm tay chỉ cho con tập viết, nhưng mỗi lần như thế chị như chết lặng khi tay Sang trân cứng, và thế là nước mắt người mẹ lại chảy ròng trên đôi gò má gầy nhom.
 
Chị Bé muốn con trai tự luyện tập đôi tay để mai này khi không còn có mẹ, Sang có thể tự lo cho mình từ việc đơn giản nhất như xúc cơm, rửa mặt... Có lần đưa miếng bánh cho con, chị bảo: “Con tự cầm ăn đi”. Sang chậm rãi nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi, con không làm được”. Thế là hai mẹ con nhìn nhau mà nước mắt lưng tròng.

Chị Bé hiểu Sang hơn ai hết, cậu bé đã cố gắng thật nhiều để vận động đôi tay, nhưng đành bất lực, có điều chị vẫn hằng mong một phép nhiệm màu. Và, như một phép nhiệm màu khi Sang viết chữ thành thạo bằng chân. Hơn 7 năm qua, tiếng trống trường rộn rã vang lên, như lời động viên, tiếp sức cho Sang mạnh mẽ hơn nữa để tiếp bước trong cuộc đời.

Sang còn có một đứa em gái đang học lớp 10. Cuộc sống gia đình nhiều khó khăn, nên anh Nguyễn Tấn Trãi (bố của Sang) quanh năm đi làm thuê ở ngoài tỉnh. Chị Bé hằng ngày lột vỏ cây thuê trên núi. Mỗi buổi chiều về, nhìn thấy Sang cặm cụi viết bài, chị lại cảm thấy vui.

“Mừng trong ruột, nhưng vẫn lo, lo là không biết sau này việc học của con có bị gián đoạn hay không...”, chị Bé trải lòng. Chuyện vui, chuyện buồn, Sang đều chia sẻ với mẹ như một người bạn thân. Sang bảo: “Em thương mẹ nhất trên đời. Mẹ đã vì em mà vất vả".
 
22 năm đã qua của Sang là cả một hành trình đầy nhọc nhằn, nhưng vượt lên trên hết là nghị lực, là khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đôi bàn chân kỳ diệu, Sang đã viết nên câu chuyện đầy cảm xúc qua từng con chữ.
 
Cũng từ đôi bàn chân ấy, Sang trồng đủ các loại hoa nở khắp vườn nhà, trồng những chậu xương rồng để thấy chúng mạnh mẽ đâm chồi và chăm sóc những chú chim để hằng ngày nghe tiếng hót líu lo, để cuộc sống thêm sắc màu tươi đẹp...                                                                                                 
 
Bài, ảnh: P.LÝ - A.KIỀU
Trình bày: L. Hoanh
Xuất bản lúc: 03:11, 01/11/2019