Bây giờ, qua 36 phố

09:10, 09/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi) - Hà Nội có một sức quyến rũ lạ thường, là nơi mà người ở chốn kinh kỳ hay ở các nơi đều yêu mến. Và theo nhà văn Thạch Lam thì, “mọi sự đổi thay trong ba sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi”.
TIN LIÊN QUAN

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những thăng trầm của thời cuộc, 36 phố phường Hà Nội vẫn là nơi mà nhiều người muốn đặt chân đến. Hôm nay, đi giữa lòng phố cổ, giữa mùa Thu lịch sử kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2019), phảng phất đâu đây mùi hương cốm mới, cùng những âm thanh xưa cũ như đâu đó vọng về.

1. “Phố hoa thứ nhất Long Thành/ Phố dăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ” (vè Hà Nội 36 phố phường). Tôi cũng không rõ nơi phồn hoa thứ nhất ấy có chính xác bao nhiều con phố, mà tự tìm cho mình câu trả lời: Có lẽ “Hà Nội 36 phố phường” bị “đóng đinh” bởi tác phẩm cùng tên của nhà văn Thạch Lam.
 
Dưới ngòi bút tinh tế, giọng văn nhẹ nhàng mà sâu lắng của ông, những con phố cổ của Hà Nội càng trở nên nổi tiếng, huyền hoặc, nhưng cũng vô cùng gần gũi, thân thuộc.
 
Một ngôi nhà in bóng thời gian trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội).
Một ngôi nhà in bóng thời gian trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội).

Lần giở lịch sử về Hà Nội thì hay rằng, phố cổ Hà Nội được hình thành vào khoảng thế kỷ XV. Đó là thời điểm mà những người làm chung một nghề tập trung lại một chỗ ở nơi thuận lợi giữa chốn Kinh thành để trao đổi hàng hóa, bán buôn và họ lập ra một “phường” riêng, bán cùng một mặt hàng.

Có lẽ vì thế mà những con phố cổ Hà Nội thường bắt đầu bằng tên “Hàng” như Hàng Cót, Hàng Chiếu, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Quạt, Hàng Gà...

2. Hết thảy những con phố cổ vốn được đặt tên theo nghề làm ăn của những thị dân ngày trước cho dễ nhớ, dễ thuộc. Bây giờ, vẫn còn đó Hàng Muối, Hàng Mắm, Hàng Nón, Hàng Đường, Hàng Cót... Dẫu vậy, dường như cuộc sống đã dần xoay vần.

Tôi lang thang dọc phố Thuốc Bắc, nhưng những cửa hiệu trên con phố thuốc này phần nhiều bày bán mặt hàng... kim khí, nào là máy cắt, que hàn, khóa cửa thì đủ loại... Mang sự ngạc nhiên hỏi cô chủ khách sạn có khuôn mặt kiêu sa nằm trong lòng phố cổ mới hay rằng, mùi thuốc bắc, thuốc đông y nồng nặc đặc trưng ấy giờ đã chuyển sang phố... Lãn Ông cách đó không xa.
 
Lân la quanh khu phố cổ chợt thấy các mặt hàng đặc trưng của từng khu phố xưa kia, nay cũng “xê dịch” đáng kể. Phố Hàng Than, nơi tập kết than của tàu bè chạy qua sông Hồng ngày trước, giờ đã trở thành phố hàng chuyên bánh cốm, loại bánh có vỏ xanh mướt với nhân đậu xanh xôi nhuyễn.
 
Hàng Quạt trước đây chuyên bán các mặt hàng quạt cầm tay khi mà quạt máy và điều hòa chưa có, giờ đây được thay bằng các tiệm bán bàn thờ và đồ dùng trang trí trong thờ cúng. Hay như phố Hàng Đào vốn chỉ bán vải vóc, lụa là, bây giờ được thay thế bằng các cửa hàng quần áo hiện đại...
Một người dân ngoại tỉnh bán hàng mưu sinh trên phố cổ.
Một người dân ngoại tỉnh bán hàng mưu sinh trên phố cổ.

Vài con phố khác vẫn còn duy trì những mặt hàng đã được bán từ xa xưa, nhưng xen lẫn đây đó là những khách sạn nho nhỏ, xinh xinh, là những cửa hiệu thời trang sang chảnh, những cửa hàng bán quà lưu niệm...

Thì ra, nhiều tiểu thương phố cổ đã thức thời, chuyển hướng kinh doanh, cốt là để phục vụ cho hàng nghìn khách tây, khách ta qua phố mỗi ngày.

3. Phố cổ về đêm bây giờ cũng khác, nhất là vào dịp cuối tuần. “Mở cửa” từ 19 giờ tối thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật hằng tuần, giờ đây, phố đi bộ Hà Nội quanh Hồ Gươm là nơi hẹn hò, vui chơi của du khách trong và ngoài nước và là điểm đến ưa thích của những ai muốn sống... chậm.

Không gian đi bộ được trải dài trên các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Lê Lai, Lê Thạch, Tràng Tiền, Lò Sũ, Hàng Dầu, Hàng Bài...
 
Đến đây, du khách có thể ung dung tản bộ, cảm nhận một Hà Nội lắng đọng theo cách của riêng mình, rồi thưởng thức những món ăn nổi tiếng của người Hà thành được bày bán dọc các vỉa hè, nào là phở, là nem, nào là bún thang, quẩy nóng... hay tự thưởng cho mình món kem Tràng Tiền nổi tiếng đất kinh kỳ.

Phố đi bộ Hà Nội rõ là một không gian văn hóa, với những trò chơi truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc và tinh thần văn hoá Việt. Dọc phố đi bộ, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ chơi trò ô ăn quan, những cụ ông thì thư thả bên bàn cờ tướng...
 
Nhưng thành phố hiện đại thì cũng không thể thiếu những những màn biểu biểu nghệ thuật đường phố, những bản nhạc hit-hóp sôi động mà ai có chút năng khiếu cũng có thể hòa cùng điệu nhảy trẻ trung...
Tham quan phố cổ bằng xích lô là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn du khách.
Tham quan phố cổ bằng xích lô là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn du khách.

Chợt nghĩ, TP.Hồ Chí Minh cũng có phố đi bộ nổi tiếng Bùi Viện, rồi thêm phố đi bộ Nguyễn Huệ về đêm. Cố đô Huế cũng mới mở phố đi bộ và ở nhiều nơi khác nữa... nhưng có lẽ, cho đến thời điểm này, phố đi bộ Hà Nội mới là nơi có không gian rộng nhất, đa dạng nhất và thành công nhất.

Con số thống kê trung bình mỗi ngày phố đi bộ Hà Nội đón 18.000 - 25.000 lượt du khách trong và ngoài nước cho thấy sức hấp dẫn ở nơi này lớn đến nhường nào. Và từ sự thành công đó, người Hà Nội đang tính mở rộng phố đi bộ ra nhiều phố cổ nữa.

4. Mang trong mình một nét rất riêng, phố cổ Hà Nội lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người qua. Thế nhưng, giữa khung cảnh có vẻ hỗn độn ấy vẫn có những góc riêng, rất... Hà Nội.

Dọc các phổ cổ vẫn còn đó hàng trăm công trình kiến trúc lâu đời gồm đình, đền, chùa, hội quán vẫn thăng trầm theo bóng thời gian.

Bên những góc đường, vỉa hè phố cổ cũng không khó để tìm những gánh hàng xén, những hàng trà đá mà ở đó già trẻ, gái trai với một cốc trà đá có thể ngồi hàng giờ với những câu chuyện không đầu, không cuối.

Ẩm thực níu chân người qua. Qua 36 phố phường Hà Nội không thể bỏ lỡ những món ăn ngon của từng con phố. Hàng Trống, Bát Đàn vẫn còn đó những quán phở ngon nhất xứ kinh kỳ. Hàng Bông nổi tiếng với nem rán. Hàng Quạt, Hàng Mành với bún chả ngon nức tiếng Hà Thành...  

5. Theo thời gian, Thăng Long xưa, Hà Nội nay đang thay đổi với nhịp sống hiện đại. Bước đi giữa những con phố nhỏ đông đúc, xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, vẫn thấy đâu đó những đôi quang gánh, những gánh hàng hoa của những mẹ, những cô nhẹ nhàng và chậm rãi trên phố dưới bóng chiều là là trên từng mái ngói cổ. Và ẩn sâu trong từng con phố là nét văn hóa đã tích tụ nghìn năm. Phố cổ Hà Nội vẫn là nơi ta muốn tìm về...
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hà Nội, tháng 10.2019
 

.