(Báo Quảng Ngãi)- Quanh lăng vạn Hải Ninh, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) có hàng chục ngôi mộ cá Ông, cá Bà được chôn cất, bên trong lăng vạn cũng có hàng chục bộ xương được người dân xếp ngay ngắn trong các chiếc rương đặt ở vị trí trang trọng nhất, lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Với người dân làng chài, họ xem những ngôi mộ cá Ông, những gian thờ cá Bà như người thân của chính mình..
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngôi mộ "cá Bà" và cuộc chia ly gia đình cá voi
Ở các vạn chài ven biển, thường người dân chỉ tổ chức thờ tự, chứ không chôn cất cá Ông lụy bờ, bởi diện tích đất ở làng biển khá hẹp. Thế nên, chuyện ngay phía bên phải lăng vạn Hải Ninh có một ngôi mộ dài gần 5m và rộng 3m phủ đầy xương rồng, khiến nhiều người đến đây bất ngờ. Ông Nguyễn Phú Bình, trưởng lăng vạn cho biết, đó là ngôi mộ của "cá Bà", một trong những thần Nam Hải lớn nhất dạt vào bờ ở địa phương. Chỉ sang gò đất cao phía sau lăng, với hàng chục ngôi mộ lớn nhỏ nằm chi chít và đều được trồng cây xương rồng lên trên, ông Bình cho biết, hiện khu vực này, mộ "cá Bà" nằm bên phải của lăng là lớn nhất.
Người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) tổ chức an táng cá Ông. |
Tháng 5.2017, ngư phủ Nguyễn Công Ninh cùng bạn chài trở về đất liền sau nhiều đêm lênh đênh trên biển. Khi còn cách cửa biển Sa Cần khoảng 3 hải lý, chiếc tàu QNg-016.39TS do ông Ninh điều khiển bỗng khựng lại. Với kinh nghiệm của một ngư phủ dày dạn sóng nước, ông Ninh linh tính có điều gì đó bất thường, nên cho anh em kiểm tra lại tàu. Đi một vòng quanh tàu, dưới ánh trăng non mờ nhạt, ông Ninh nhìn về phía đuôi tàu thấy nổi lên trên mặt nước một vật thể khá to, rồi mất tăm giữa sóng biển.
"Tục thờ cúng cá Ông có từ hàng trăm năm trước, trong đó có lưu truyền qua truyền thuyết vua Gia Long trong quá trình lánh nạn đã được cá voi cứu giúp, sau đó vua đã phong là thần Nam Hải. Sau này, ngư dân đi biển gặp nạn được cá Ông cứu mạng nên tục thờ cúng cá Ông càng phát triển hơn. Đây là loại hình tín ngưỡng tiêu biểu của người dân làng biển. Nhờ điều này mà giá trị văn hóa truyền thống mới còn lưu truyền như múa gươm, hát bả trạo… Ngoài ra, tại một số nước lân cận săn cá voi để làm thực phẩm, nhưng ngư dân Việt Nam không làm điều đó".
|
"Tôi cho tàu quay đầu đến vị trí vật thể đang nổi và bật hết các bóng đèn trên tàu để quan sát, thì phát hiện "cá Bà" đang bị trọng thương. Tôi quyết định cho tàu chạy chậm lại và "cá Bà" cứ thế bơi theo rồi lụy vào bờ. Người dân trong làng biết tin đã ra bãi biển cố gắng đưa "Bà" trở lại biển. Nhưng chỉ được chục phút, "cá Bà" lại trở vào bờ nằm gối đầu lên cồn cát", ông Ninh kể.
Biết "cá Bà" đã lụy, người dân trong làng tổ chức đưa vào lăng để tổ chức nghi lễ an táng. "Cá Bà" dài 3,8m, vòng bụng trên 1,8m, vây đuôi rộng 0,8m, trọng lượng ước khoảng 800kg. “Khi bà lụy vào bờ, phía ngoài biển cách bờ chừng trăm mét có một cặp "cá Ông" một lớn, một nhỏ, bơi qua bơi lại ngoài khơi không ngừng phun cột nước. Hai ngày trời để trong lăng, "cá Bà" luôn chảy nước mắt, còn ngoài biển hai cá Ông không ngừng bơi qua bơi lại phun nước, vẫy vùng. Nhưng khi “Bà” trút hơi thở cuối cùng thì ngoài biển, người dân thấy hai "Ông" cá bơi lại gần bờ hơn, phun lên những cột nước thật cao, phát ra tiếng vang rất dài rồi vẫy mạnh đuôi đập sóng nước tung bọt trắng xóa bơi thẳng ra biển”, ông Bình kể.
Để tang… thần Nam Hải
"Cá Ông", thần Nam Hải... là tên gọi thành kính mà người dân làng chài dành cho loài cá voi. Trong tâm thức của các ngư dân, "cá Ông" là hiện thân cho những may mắn khi xuất hiện. Loài cá sinh ra ở biển, nhưng khi chết lại dạt vào bờ. Và khi thần Nam Hải lụy, bà con trong làng sẽ tổ chức lễ an táng với nghi thức của làng vạn chài từ hàng trăm năm nay. Hầu hết các đám tang đều được tổ chức như đám tang của con người.
Lăng vạn Hải Ninh, một trong số ít nơi trong cả nước có nghĩa địa cá Ông. |
Người dân làng biển tâm niệm, làng chài nào được cá Ông lụy bờ thì đó là điềm may mắn và tất cả người dân đều tự giác quyên góp tiền của để tổ chức lễ tang. Quanh lăng vạn Hải Ninh, hàng chục ngôi mộ vây quanh, mỗi mộ phần là một câu chuyện riêng biệt. Hầu hết đều được người dân chăm sóc như mộ phần của người thân trong gia đình.
"Vì sao không xây mộ mà lại đắp đất và trồng xương rồng?”, tôi hỏi. Ông Bình cho biết, ban đầu bà con trong làng cũng tính đến chuyện xây mộ, nhưng do đất ít và theo quy định của làng thì sau ba năm kể từ ngày an táng sẽ tiến hành khai quật để lấy bộ hài cốt cho vào rương đặt giữa lăng vạn thờ tự.
“Thường thì sau khi an táng 3 năm, bà con trong làng sẽ cùng nhau tổ chức lễ bốc hài cốt cá Ông lên rửa sạch, sắp bộ hài cốt vào trong rương một cách cẩn thận nhất. Nhưng cũng có nhiều “Ông” lớn quá thì buộc phải thiêu và cho tro vào hũ sành để thờ cúng. Ở đây là vùng đất cát, nếu không trồng xương rồng thì gió mạnh sẽ thổi bay mất phần mộ”, ông Bình nói.
Với người dân làng biển, khi bắt gặp "cá Ông" lụy bờ, điều đầu tiên họ làm sau khi đưa "Ông" vào lăng là khẩn xin được để tang như để tang cha mẹ, người thân của mình khi qua đời. Là người thọ tang "cá Bà" trong 7 ngày, ông Nguyễn Công Ninh cho biết, ngư phủ luôn xem "cá Ông", "cá Bà" là vị thần may mắn, là con vật rất gần gũi với ngư dân khi hành nghề trên biển. Đấy là loài cá luôn giúp đỡ ngư dân, nên ai nấy đều thành kính như vậy.
Người được "thần Nam Hải" cứu mạng Đã thôi nghề biển gần 5 năm sau một tai nạn, nhưng trong tâm trí lão ngư Đỗ Hoa, ở thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh, ngày 18.10.1967, là ngày ông không thể nào quên.
Đó là ngày mà ông Hoa bảo được sinh ra lần thứ hai trong đời. “Lúc đó khoảng 18 giờ, trời nổi gió, sóng biển cuộn trào, tàu rung lắc dữ dội. Tôi bị sóng đánh hất văng xuống biển. Cố bơi theo hướng tàu chạy để vào bờ, nhưng càng bơi, sóng càng đánh ông ra xa hơn, chiếc tàu dần khuất trong màn trời đen kịt. Tuyệt vọng, tôi nghĩ đến cái chết đã cận kề. Nhưng khi đó có một vật lạ nổi lên to như chiếc ghe, nên tôi cố gắng bơi đến bám vào đấy, rồi ngất đi. Đến sáng hôm sau mở mắt ra thì thấy một nửa cơ thể nằm trên bờ, một nửa dưới nước. Sau này nghe các cụ trong làng kể lại tôi mới biết mình may mắn được "cá Ông" cứu giúp”, ông Hòa nhớ lại.
|
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC