(Báo Quảng Ngãi)- Những cánh rừng phòng hộ hàng trăm năm tuổi ở tiểu khu 47 thuộc thôn 6, xã Trà Thủy (Trà Bồng) đang dần bị triệt hạ, bởi bàn tay lâm tặc. Để bảo vệ nguồn “vàng xanh” còn lại, cơ quan chức năng, chính quyền và người dân địa phương đang tăng cường truy quét. Nhưng xem ra. Cuộc chiến giữ rừng ngày một gian nan hơn...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lâm tặc ngày càng lộng hành
Theo chân đoàn truy quét nạn phá rừng, của UBND xã Trà Thủy phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng, chúng tôi có dịp tiếp cận cánh rừng phòng hộ ở tiểu khu 47. Mới mấp mé ở đầu con dốc dẫn lên rừng phòng hộ, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh một người đàn ông chở gỗ bằng xe máy lao nhanh xuống dốc. “Bình thường có nhiều chiếc xe máy như thế, chở gỗ phóng bạt mạng xuống núi lắm!”, một thành viên trong đoàn tiết lộ.
Cây rừng bị cưa ra từng khổ để đốt than. |
Thông tin truy quét lâm tặc triển khai đột xuất. Tuy nhiên, con đường dẫn đến rừng phòng hộ xa, đường đi lại hiểm trở, trong khi đó “tai mắt” của lâm tặc thì ở khắp nơi, nên khi tiếp cận được thì lâm tặc đã lẩn vào rừng, với nhiều vai khác nhau như đi hái phong lan rừng, kiếm mật ong... nên rất khó bắt và xử lý.
Men theo con suối, lối mòn đi vào rừng, chúng tôi phát hiện hàng chục cây gỗ lớn nhỏ bị đốn hạ. Anh Hồ Văn Đức, thôn 6, xã Trà Thủy bảo, mấy cái lối mòn mở bên cạnh những cây gỗ mới đốn hạ, thường có hầm than. Quả đúng vậy, cách con đường chính chừng 20m, đoàn truy quét phát hiện có một hầm than đã đốt xong, chỉ còn hơi ấm trên nền đất. Tiếp tục đi vào rừng, chúng tôi phát hiện ra gần chục lò than khác đang hoạt động.
Hơn chục lò than bị lực lượng truy quét phát hiện, phá bỏ. |
“Trước đây, rừng này là một tấm áo giáp che chở, bảo vệ bộ đội và dân làng. Giờ đây, rừng chỉ còn là một mảng mỏng manh. Nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, e rằng trong vài năm nữa, rừng cũng trở nên trơ trụi”, một người dân ở đây chia sẻ.
Ông L.N.N, một hộ dân tham gia nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng phòng hộ ở đây bảo tôi: “Cháu đừng chụp hình chú đưa lên báo, không khéo bọn phá rừng nó thấy lại gây khó dễ”. Chuyện ông N lo lắng là có cơ sở, vì theo lời ông, trước đây cũng vì chuyện bảo vệ rừng mà bọn lâm tặc đã tìm đến tận nhà ông để đánh con ông và hăm dọa gia đình ông.
Hiện Trà Bồng có 8.772ha đất rừng phòng hộ được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận; trong đó, số diện tích có rừng chiếm 8.307ha. Trong năm 2014 và 2015, tổng diện tích rừng phòng hộ bị phá gần 23ha, tập trung ở các xã Trà Tân, Trà Thủy, Trà Bùi, Trà Giang; trong đó nhiều nhất là ở các tiểu khu 35, 37, 42, 46 và 47 của xã Trà Thủy. |
Nước xa khó cứu được lửa gần
Trước đây, khi nạn khai thác rừng chưa ồ ạt như bây giờ, mỗi khi các đối tượng khai thác rừng trái phép thấy cán bộ bảo vệ rừng là bỏ chạy. Nhưng vài năm trở lại đây, chúng ra mặt chống đối quyết liệt. Bởi rừng quá mênh mông, trong khi sức lực của đội ngũ kiểm lâm rất mỏng, cơ chế cho kiểm lâm trong công tác còn hạn chế. Bên cạnh đó, mức xử lý, xử phạt còn thấp, chưa đủ tính răn đe...
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy cho biết: "Từ năm 2013 đến nay, tình trạng phá rừng phòng hộ để đốt than và lấy đất trồng keo diễn biến khá phức tạp. Do đó, việc bảo vệ rừng phòng hộ là vấn đề luôn được địa phương quan tâm. Hằng tuần, xã đều họp giao ban để nghe các trưởng thôn báo cáo tình hình bảo vệ rừng ở từng thôn. Đồng thời, thành lập kế hoạch chỉ đạo kiểm lâm viên, công an xã và xã đội tiến hành truy quét những điểm nóng trên địa bàn xã".
Ngoài ra, khi phát hiện gỗ được đưa ra khỏi cửa rừng, xã đã thông báo cho kiểm lâm triển khai chốt chặn, kịp thời bắt giữ những đối tượng vận chuyển than, gỗ trái phép. Qua đó, các lực lượng tham gia bảo vệ rừng đã bắt và xử phạt nhiều trường hợp. Riêng năm 2015, đã xử phạt hành chính 24 trường hợp; có 4 trường hợp đang bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự vì xâm phạm rừng phòng hộ một cách nghiêm trọng.
Nhiều cây to chỉ còn trơ gốc. |
Theo lời người dân địa phương, những đối tượng cầm đầu khai thác gỗ và phá rừng đốt than ở đây đều là người ở nơi khác đến. “Họ hoạt động ngang nhiên. Chúng tôi đi rừng thường xuyên phát hiện đấy, nhưng đâu dám lên tiếng. Chỉ khi nào xã có lập đoàn truy quét thì mình mới tham gia. Và lúc này lâm tặc mới tạm thời ngưng hoạt động”, một người dân ở thôn 6, xã Trà Thủy cho biết.
Ông Đỗ Khắc Phi - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng nhận định: “Do địa bàn rộng, địa hình lại phức tạp nên có nhiều đợt tuần tra rừng, anh em kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ phải mang theo thực phẩm và nước uống, đêm dựng lán trại ngủ lại trong rừng 4 - 5 ngày liền mới về. Tuy nhiên, bọn lâm tặc ngày một manh động hơn. Chúng sẵn sàng chống đối khi bị phát hiện. Hơn nữa, dù người dân trong xã đã tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng, nhưng đôi khi thấy lâm tặc hoành hành, chở gỗ ngang nhiên vẫn không dám ngăn chặn, vì ai cũng sợ sẽ bị các đối tượng này hành hung”.
Nói là rừng phòng hộ, nhưng thực tế nhiều khoảnh rừng ở tiểu khu 47 giờ đã trở nên trơ trụi. Đường vào rừng cũng không còn khó khăn như trước nữa, bởi lâm tặc đã “bào mòn” nhiều lối đi. Có những vạt rừng bây giờ chỉ còn là bãi đất trống. Gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ từ lâu. Và giờ đây, rừng đang bị các đối tượng đốt than “bức tử”, dù người dân và chính quyền nơi đây đã nỗ lực bảo vệ. Nước xa khó cứu được lửa gần. Cuộc chiến giữ rừng ở Trà Thủy xem ra vẫn còn lắm gian nan!
Bài, ảnh: HỒNG HOA